Hà Nội “nóng” tuyển sinh đầu cấp

Chủ Nhật, 16/06/2013, 17:15
Mặc dù từ 1/7 Hà Nội mới bắt đầu tuyển sinh đầu cấp đúng tuyến (mầm non, lớp 1, lớp 6) và từ 15/7 mới xem xét các trường hợp trái tuyến, thế nhưng cuộc chạy đua cho con vào học lớp 1, lớp 6 trường điểm đã âm thầm diễn ra. Năm học 2013-2014, Hà Nội đã cải thiện được tình trạng “trắng” trường mầm non với việc xây mới được một số trường công lập. Tuy nhiên, sẽ vẫn còn rất đông tỷ lệ trẻ ở lứa tuổi đến trường bị “trượt” suất học công lập.

Tỷ lệ trẻ mầm non không được học công lập vẫn rất cao

Mối quan tâm lớn nhất của phụ huynh có con đi học mầm non là liệu năm nay còn tái diễn tình trạng trắng trường mầm non hay không? Những địa bàn không có trường mầm non công lập thì học sinh sẽ học ở đâu? Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Như Thắng, Trưởng phòng Giáo dục quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, đúng là những năm trước, quận Hai Bà Trưng là một trong những “điểm nóng” khi còn một số phường chưa có trường mầm non công lập.

Nhưng năm nay, sẽ có thêm 4 trường mầm non công lập ở phường Thanh Nhàn, phường Lê Đại Hành; số 3 Ngõ Quỳnh và số 66 ngõ Vân Hồ 3 được khánh thành. Như vậy, quận Hai Bà Trưng đã có thêm 4 trường mầm non mới được đưa vào sử dụng, dự kiến có thể giải quyết được nhu cầu đi học của 2.000 trẻ thì chắc chắn áp lực tuyển sinh vào các trường mầm non sẽ giảm đi rất nhiều.

Theo ông Thắng, đến thời điểm này quận Hai Bà Trưng đã xóa được tình trạng trắng trường mầm non và tổng số trường mầm non của toàn quận sẽ là 28 trường công lập, 18 trường tư thục và 60 nhóm trẻ tư thục. Trường lớp dồi dào nên phụ huynh có thể yên tâm, cứ đúng lịch tuyển sinh mang hộ khẩu, giấy khai sinh của trẻ ra trường là được nhận vào học.

Vì “nhiệt đã giảm” nên quận Hai Bà Trưng dự kiến sẽ không tổ chức bốc thăm. Ông Nguyễn Như Thắng còn cho biết, năm học này, quận Hai Bà Trưng đặt ra mục tiêu phấn đấu huy động số trẻ trong độ tuổi đến nhà trẻ đạt 32%, mẫu giáo đạt 90%, nhưng trên thực tế con số này đều vượt chỉ tiêu.

Tây Hồ là một trong những địa bàn có tỷ lệ trẻ mầm non không được học trường công lập đông nhất của Hà Nội. Theo điều tra dân số, trẻ 2 tuổi ở độ tuổi đến trường của các phường Thụy Khuê, Bưởi, Xuân La năm nào cũng lớn hơn gấp đôi tỷ lệ mà các trường mầm non ở các phường này tuyển sinh. Nghĩa là, năm học nào cũng có vài trăm trẻ không được học trường mầm non công lập, buộc phải học tư thục.

Theo bà Vũ Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường mầm non Chu Văn An thì tỷ lệ trẻ đến trường ở phường Thụy Khuê năm nay lớn hơn so với chỉ số tuyển sinh của trường. Năm nay cả quận Tây Hồ tuyển sinh mầm non bằng hình thức bốc thăm nên cũng không gây áp lực lớn. Tuy nhiên, số trẻ không đến được trường công lập buộc phải học tư thục nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện vì học phí cao, chất lượng một số cơ sở không đảm bảo.

Tiểu học, THCS “nóng hầm hập”      

Quá tải học sinh năm “heo vàng” vào lớp 1 khiến cuộc chạy đua xin trường điểm, trường chuẩn đang hết sức “nóng”. Hà Nội hiện vẫn còn nhiều nơi “trắng” trường tiểu học và THCS như phường Liễu Giai, Điện Biên, Quán Thánh, quận Ba Đình và vẫn phải học nhờ, học ghép. Áp lực tuyển sinh đầu cấp đang “tăng nhiệt” dù quận nào cũng đặt mục tiêu phân tuyến tuyển sinh hợp lý, đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh và tránh tình trạng quá tải ở một số trường. Các bậc phụ huynh đang vắt chân lên chạy đua tìm một suất trái tuyến cho con vào trường tốt.

Mùa tuyển sinh năm nay liệu Hà Nội còn cảnh chen chúc xin học cho con?

Với những trường hợp diện KT2 nếu đúng tuyến mà trường đã kín chỉ tiêu thì sẽ học ở đâu? Các trường dành bao nhiêu phần trăm (%) chỉ tiêu cho học sinh trái tuyến? Bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng GD & ĐT quận Thanh Xuân cho biết, xác định tuyển sinh đầu cấp là vấn đề rất nhạy cảm, nên Phòng đã tổ chức họp giao ban với hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS và trường dân lập trên địa bàn để nắm chắc số trẻ trên địa bàn, số trẻ đúng độ tuổi sẽ ra lớp. Năm học 2013, đối với cấp học mầm non, sẽ chia ngày tuyển sinh theo độ tuổi.

Đối với cấp tiểu học, chia ngày tuyển sinh theo khu vực các cụm dân cư trên địa bàn phường. Phòng GD&ĐT quận còn tham mưu cho UBND quận xây dựng phương án phân tuyến tuyển sinh: Thứ nhất là theo trục giao thông, tránh để học sinh vượt qua các trục đường lớn; thứ hai là theo phường; thứ ba là phân tuyến với những phường giáp ranh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh đi học an toàn. Ở cấp tiểu học, Trường TH Đặng Trần Côn B tuyển thêm 27 học sinh có hộ khẩu KT1 thuộc cụm dân cư 5A, 5B và cụm 6 phường Hạ Đình, số trẻ em tại khu dân cư số 1 và một số học sinh có hộ khẩu KT1 thuộc xã Tân Triều.

Trường TH Hạ Đình được tuyển học sinh phường Thượng Đình, phường Thanh Xuân Trung thuộc các tổ dân phố cùng phía đường Nguyễn Trãi với trường. Trường TH Nguyễn Trãi được tuyển số học sinh thuộc phường Khương Mai giáp ranh với trường và số học sinh có nhập hộ khẩu thường trú về phường Khương Mai năm 2013. Trường TH Nhân Chính được tuyển học sinh phường Thượng Đình giáp ranh với trường...

Áp lực tuyển sinh trái tuyến đang rất lớn đối với học sinh lớp 1. Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình năm nay tuyển sinh 5 lớp 1, tổng số trẻ trên địa bàn là 300 cháu, như vậy mỗi lớp đã có 60 học sinh. Nếu tuyển thêm trái tuyến thì số học sinh mỗi lớp sẽ tăng thêm và vượt quá điều kiện tiêu chí của lớp học. Bên cạnh đó, một số trường không tuyển đủ chỉ tiêu, “mời” học sinh trái tuyến vào học như Trường THCS Đông Thái; Trường Tiểu học và THCS Ba Đình...

Theo kết quả điều tra số trẻ trên địa bàn của quận Hai Bà Trưng và Hoàn Kiếm, Ba Đình, thì ở một số địa bàn, số trẻ KT1 đã nhiều hơn chỉ tiêu. Quan điểm tuyển sinh là sẽ phải đảm bảo tuyển hết trẻ ở diện KT1, sau đó mới tính đến KT2 và diện trái tuyến... Sau ngày 15/7, những trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu được giao phải báo cáo Phòng GD&ĐT, căn cứ vào tình hình cụ thể của từng trường sẽ cho phép tuyển bổ sung học sinh cho đủ chỉ tiêu từ ngày 18 đến ngày 20/7/2013

Thu Phương – Trần Hằng
.
.
.