Hà Nội lập 12 chốt chống bụi

Chủ Nhật, 13/05/2007, 09:44
Hoạt động 24/24h, cơ động, linh hoạt, 12 chốt chống bụi của Ban Thanh tra giao thông công chính, thuộc Sở GTCC Hà Nội chính thức ra đời ngày 10/5. Theo đội quân chống “bụi tặc”, chúng tôi thấy rõ nỗ lực giảm mức độ ô nhiễm không khí của Thủ đô khi đang ở mức báo động.

Nồng độ bụi cao gấp 2,5 lần cho phép

Đó là thông tin từ Cục Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên môi trường. Không chỉ thế, cơ quan này còn cho biết, ô nhiễm không khí ở Thủ đô có xu hướng tăng. Lý do thì có nhiều, nhưng một trong số đó là việc bố trí cụm, cơ sở công nghiệp không hợp lý. Còn chúng tôi, khi tiếp cận với lực lượng chống bụi tặc thì thấy rằng, còn một nguyên nhân rất đỗi... bình dân khác. Đó là cái sự tiện, sự liều của một bộ phận dân cư.

Hiện nay, các chỉ số về nồng độ bụi như: Nồng độ bụi chì, nồng độ bụi asen, nồng độ khí CO2, nồng độ khí SO2... đều vượt mức cho phép. Riêng ở khu vực Pháp Vân, các chỉ số về nồng độ bụi nêu trên đều gấp 4 lần tiêu chuẩn cho phép. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy đây là khu vực có nồng độ bụi vượt mức cho phép cao nhất Hà Nội.

Trong khi cơ quan nghiên cứu môi trường lên tiếng nồng độ bụi vượt mức cho phép, ô nhiễm không khí có xu hướng tăng thì ngành Y tế tuyên bố:  Sống lâu ở Hà Nội, tỷ lệ mắc bệnh hô hấp cao.

Sở Y tế thành phố đưa ra bảng tổng kết, 72% số hộ gia đình có người mắc bệnh do ô nhiễm không khí. Trong đó, 43% mắc bệnh mạn tính. Các chứng bệnh chủ yếu tai, mũi, họng, cảm cúm, viêm phế quản, các bệnh về mắt...

Kết quả trên được công bố sau khi Sở Y tế điều tra ở các khu vực được coi là ô nhiễm như: Ô nhiễm công nghiệp (Thượng Đình); Ô nhiễm giao thông (Pháp Vân); Ô nhiễm do dịch vụ thương mại (chợ Đồng Xuân); Ô nhiễm sinh hoạt (khu tập thể Kim Liên)...

Sức khỏe người dân bị ảnh hưởng như thế nào do sống trong bầu không khí không trong lành gây ra vậy là đã rõ. Song từ đây cũng đặt ra câu hỏi, tại sao không khí lại ô nhiễm và biện pháp khắc phục.

Truy lùng bụi tặc

Đêm đêm, khi mọi người đi vào giấc ngủ sâu là đến giờ hoạt động cao điểm của bụi tặc (từ 22h đến 4h sáng). Đường Phạm Hùng vắng vẻ, chỉ có những chiếc xe tải cái phủ bạt, cái để... truồng chạy.

Một xe đột ngột tạt vào ven đường. 2 phút sau, đống gạch vữa phế thải đã trút xuống vệ đường. Tài xế lên xe chạy mất hút trong đêm. Sáng ra, người đi đường không chỉ thấy một đống mà hàng chục đống phế thải to đùng dọc con đường này.

Không chỉ thế, ở các ngóc ngách ngay trong các quận nội thành chỉ cần có đất trống hoặc không có đèn cao áp là bụi tặc hoành hành. Bụi tặc là chủ nhân của ôtô tải có thâm niên chở vật liệu xây dựng, nhưng cũng có thể là người lao động ngoại tỉnh với chiếc xe thồ thô sơ.

Lẽ thông thường, họ phải chở phế thải đến bãi đổ Phú Minh, xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm. Nhưng để nâng cao năng suất, lợi nhuận, bụi tặc đổ ngay trên đường phố, vỉa hè.

Dù phương tiện khác nhau, mức độ vi phạm khác nhau nhưng chính những người này làm tăng thêm nồng độ bụi, gây mất vệ sinh trên đường phố. Ngoài ra, xe ôtô chở vật liệu xây dựng không che chắn cũng là tác nhân tăng nồng độ bụi trong không khí. Rồi các công trình xây dựng không giữ vệ sinh môi trường...

Để chống lại bụi tặc đang hoành hành, lực lượng thanh tra giao thông công chính đã xử lý gần 1.000 vụ. Tuy nhiên, công việc này lại gặp sự kháng cự của một số người vi phạm.

Ông Nguyễn Hoàng Giáp, Phó Ban thanh tra giao thông công chính cho biết, chống người thi hành công vụ là chuyện thường ngày. Có lần, anh em đuổi theo 4-5km còn tên bụi tặc vẫn nhởn nhơ, thách thức.

Việc bắt quả tang không dễ dàng bởi bụi tặc hành sự rất nhanh. Nhiều người trong số đó lại đi làm thuê... Để xử lý, biện pháp mạnh là giữ phương tiện.

Từ đầu năm 2007 đến ngày 2/5/2007, lực lượng thanh tra giao thông công chính đã kiểm tra xử lý 933 vụ, phạt 291,1 triệu đồng. Trong đó kiểm tra, xử lý 71 trường hợp lấn chiếm hè đường tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng; kiểm tra 237 trường hợp xe chở vật liệu rời che chắn không đảm bảo để rơi vãi; kiểm tra xử lý 625 trường hợp xây dựng công trình, đổ phế thải xây dựng ra hè, đường phố; tạm giữ 10 ngày đối với nhiều xe tải đổ phế thải ra lòng đường...

Từ khi thành lập, đội chống bụi tặc tỏa đi khắp nơi để truy lùng. Họ có mặt ở các tuyến đường trọng điểm như: Phạm Hùng, Lê Văn Lương, đê Trần Khát Chân, Trần Khánh Dư, Đào Duy Anh...

Theo kế hoạch, ngoài công tác thường xuyên, đợt ra quân này còn phục vụ cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội với mục đích: Kiểm tra, xử lý, giải tỏa các điểm tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng trái phép; kiểm tra, xử lý các chủ công trình xây dựng, đơn vị thi công gây mất trật tự vệ sinh môi trường; kiên quyết tạm giữ các xe ôtô chở vật liệu rời, đất, phế thải xây dựng làm rơi vãi ra hè, đường phố; tuần tra, chốt trực chống đổ đất, rác, phế thải xây dựng.

Chỉ trong ngày 9/10, lực lượng chức năng cũng xử lý nhiều trường hợp vi phạm như xe tải BKS: 29I-3097, 29N-8750, 29I-1328 trên đường Phạm Văn Đồng...

Mơ về bầu không khí xanh, sạch

Mới đây, chương trình không khí sạch Việt Nam - Thụy Sỹ dưới sự bảo trì của Cục Môi trường đã tổ chức triển lãm ảnh về ô nhiễm không khí. Triển lãm cho thấy sự đa dạng của hình thái ô nhiễm cũng như mức độ nghiêm trọng mà nó đã và đem lại cho con người.

Thông điệp từ cuộc triển lãm cho thấy, ô nhiễm không khí ảnh hưởng bình đẳng đến tất cả mọi người, không phân biệt già, trẻ, gái, trai. Qua đó, thức tỉnh mọi người về quyền được hít thở không khí trong lành và trách nhiệm không làm bẩn nó.

Chương trình này cũng phối hợp với Sở Giao thông công chính thành phố thực hiện dự án "Môi trường xây dựng sạch". Dự án nhằm hạn chế ô nhiễm không khí do các công trình xây dựng trong thành phố gây ra.

Để Hà Nội có không khí xanh, sạch ngoài việc đội chống bụi tặc làm việc có hiệu quả, mỗi người dân cần có ý thức trong bảo vệ môi trường sống xung quanh. Cùng với đó là việc tăng cường trồng thêm cây xanh. Hiện tại Hà Nội mới có trên 300 vườn hoa, công viên và hàng ngàn cây xanh trên các tuyến phố nhưng chưa đáp ứng được mức tăng dân số

Hồng Hà
.
.
.