Khốn khổ như "giải quyết nỗi buồn" ở Hà Nội

Thứ Hai, 20/02/2017, 10:08
Lượng khách du lịch cộng với người ngoại tỉnh đổ về Thủ đô kiếm sống hằng ngày đã khiến cho mật độ dân số của thành phố tăng. Người, xe lưu thông trên đường nườm nượp như mắc cửi. Thế nhưng, để tìm được một nhà vệ sinh công cộng thì vô cùng khó khăn. 


Quá ít nhà vệ sinh công cộng

Theo thống kê chưa đầy đủ, riêng tháng 1-2017, Hà Nội đón hơn 300.000 lượt khách quốc tế lưu trú. Lượng khách du lịch cộng với người ngoại tỉnh đổ về Thủ đô kiếm sống hằng ngày đã khiến cho mật độ dân số của thành phố tăng. Người, xe lưu thông trên đường nườm nượp như mắc cửi. Thế nhưng, để tìm được một nhà vệ sinh công cộng thì vô cùng khó khăn. Bởi vậy, xử phạt nghiêm khắc hành vi tiểu bậy là cần thiết, nhưng bên cạnh đó phải đáp ứng đủ nhà vệ sinh công cộng cho người dân. 

Lần đầu tiên sau ngày Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực, 3 lái xe taxi đã bị Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội xử phạt nặng vì hành vi tiểu bậy nơi công cộng. Mức phạt dành cho mỗi người là 2 triệu đồng. 

Hình ảnh phản cảm trên đường phố Thủ đô. Ảnh: GDVN

Đây có thể coi là hành động quyết liệt đầu tiên thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật trước những vi phạm hành chính nơi công cộng mà dư luận vốn cho rằng quy định không khả thi. Bây giờ, người dân đã có ý thức hơn về vấn đề này. Tuy vậy, để việc thực hiện nếp sống văn minh nơi đô thị đi vào nền nếp, có lẽ sẽ cần thêm thời gian, cũng như cần thêm một số yếu tố cần thiết để đáp ứng nhu cầu không thể thiếu này.

Đi dọc tuyến phố Kim Mã của Hà Nội, người ta không thể tìm được một nhà vệ sinh công cộng để “giải quyết nỗi buồn”. Đoạn gần ngã tư Kim Mã – Ngọc Khánh, ngay điểm đỗ xe buýt có một nhà vệ sinh bằng thép sáng loáng, có vẻ hiện đại nhưng lại bị khóa cửa im ỉm vì nhà vệ sinh chưa được bàn giao cho đơn vị làm công tác môi trường đô thị. Nhưng đây vẫn là nơi mà nhiều người đi vệ sinh hằng ngày ngay trước cửa nhà vệ sinh.

Tuyến phố Kim Mã – Nguyễn Thái Học hiện chỉ có một nhà vệ sinh công cộng duy nhất được sử dụng.

Suốt dọc tuyến phố Trần Hưng Đạo, Lý Thương Kiệt hay nhiều tuyến phố cũ khác của Hà Nội, chúng tôi khó để tìm được một nhà vệ sinh công cộng, và cũng không nhìn thấy một tấm biển chỉ dẫn nào. Đó là chưa kể ở các tuyến phố mới, những tuyến phố tấc đất tấc vàng càng khó hơn cho người vãng lai có nhu cầu đi vệ sinh. 

Chị Phạm Thanh Hồng ở huyện Thanh Oai, Hà Nội kể lại: “Có lần tôi đi trên ô tô qua nhiều tuyến phố, từ Giảng Võ đến Láng Hạ, rồi ra La Thành…, muốn đi vệ sinh mà không biết tìm chỗ nào. Cực chẳng đã, cuối cùng tôi đành tạt vào một quán bia, đi vệ sinh nhờ. May người ta đông khách chứ không thì cũng xấu hổ lắm”.

Tình cảnh của chị Hồng giống rất nhiều người khác. Họ là người ngoại tỉnh, là khách du lịch, không biết tìm nhà vệ sinh công cộng bằng cách nào, mà muốn tìm thì cũng khó. Còn những người dân buôn bán hằng ngày trên các tuyến phố, những người lái xe taxi, họ có thể nắm chi tiết nơi nào có nhà vệ sinh công cộng, nhưng nhiều người không chịu bỏ vài nghìn mà cố tình tiểu bậy ở một góc khuất nào đó. Hơn nữa, các nhà vệ sinh công cộng lại ở xa nên họ chọn giải pháp tiện lợi, không mất phí, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến văn minh đô thị.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn các quận của Hà Nội hiện có 231 nhà vệ sinh do Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) và Công ty CP Dịch vụ môi trường Thăng Long quản lý vận hành. Trong đó có 55 nhà vệ sinh công cộng bằng thép được thành phố đầu tư xây dựng từ năm 2009, 2010 phục vụ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long đang được duy trì đến nay. Các nhà vệ sinh này chủ yếu nằm trên mặt phố, khu vực vườn hoa… về cơ bản hiện đang duy trì tốt phục vụ nhân dân. 176 nhà vệ sinh công cộng bằng gạch đều được xây dựng trước năm 1990, phục vụ cho khu dân cư, nhưng nay chủ yếu phục vụ cho người buôn bán nhỏ ở quanh khu vực.


Thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa?

Ông Lê Trung Dũng, Trưởng phòng Truyền thông, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, Công ty làm nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh môi trường ở 4 quận nội thành Hà Nội là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng. 

Trên địa bàn này chỉ có 20 nhà vệ sinh công cộng ở trên mặt đường (có 9 nhà vệ sinh bằng thép), còn lại là nhà vệ sinh trong ngõ, xóm. Tuy nhiên, hiện nhiều khu dân cư đề xuất dỡ bỏ vì nó đã hết “vai trò lịch sử”, ví dụ như nhà vệ sinh công cộng trong ngõ 429 Kim Mã… Tuy nhiên, những nhà vệ sinh này vẫn hiệu quả cho những người buôn bán ở quanh khu vực nên đang được duy trì. 

Hình ảnh "tè" bậy của người đàn ông gây bão mạng xã hội. Ảnh: vnn.vn

Mặc dù xây dựng bằng gạch, thiết bị vệ sinh cũng xuống cấp do lâu ngày, nhưng nhà vệ sinh ở góc phố Hàng Cháo – Nguyễn Thái Học được phát huy hết công suất bởi đây là nơi tập trung nhiều người lao động qua lại, khách đi đường cũng dễ nhận biết.

Nói về vấn đề xử phạt, ông Lê Trung Dũng cho rằng, cần phải nghiêm khắc xử phạt hành vi tiểu bậy hay xả rác, hút thuốc nơi công cộng. Tuy nhiên, xử lý như vậy không dễ vì hành động diễn ra nhanh, không thể lúc nào cũng duy trì lực lượng rình bắt người vi phạm. Thế nên vấn đề tuyên truyền ý thức cho người dân là quan trọng nhất. Bởi thực tế ở nhiều nơi có nhà vệ sinh công cộng nhưng người dân vẫn không vào đó mà cố tình vệ sinh ở bên ngoài, điển hình như tuyến phố có con đường gốm sứ chạy dọc đê sông Hồng. 

Hay như nhà vệ sinh ở vườn hoa ngã 3 Ông Ích Khiêm – Trần Phú rất sạch sẽ nhưng nhiều người lại thường xuyên đi tiểu bậy ở góc đường Ông Ích Khiêm… Thế nên mới có tình trạng thiếu nhưng vẫn thừa nhà vệ sinh!

Cảnh thường ngày trên đường phố Hà Nội. Ảnh: GDVN

Cũng theo ông Dũng, mặc dù Hà Nội thiếu nhà vệ sinh công cộng nhưng lại không xây dựng thêm được là do không tìm được vị trí. Năm 2016, Sở Xây dựng đã giao cho URENCO cải tạo nhà vệ sinh cũ từ nguồn vốn xã hội hóa, với nhà vệ sinh diện tích lớn sẽ kết hợp làm nhà sinh hoạt cộng đồng bên trên. UBND TP Hà Nội cũng đã xã hội hóa cho Công ty CP Thương mại và Truyền thông Vinasing triển khai xây dựng 500 nhà vệ sinh công cộng hiện đại. 

Tuy nhiên, hiện mới có 2 nhà vệ sinh được xây dựng bởi vẫn đang khó khăn về mặt bằng. Hiện tại, chỉ có khu vực hồ Hoàn Kiếm là được bố trí nhà vệ sinh đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân, còn hầu hết ở những nơi khác đều thiếu do nhiều nguyên nhân. Trong khi chờ chính quyền có các giải pháp phù hợp, người dân vẫn phải nghiêm túc chấp hành quy định, việc xử phạt các hành vi vi phạm nơi công cộng vẫn phải kiên quyết thì mới đảm bảo được văn minh đô thị.

Việt Hà – Nguyễn Hương
.
.
.