Hà Nội đầu tư thêm 300 tỷ đồng mà dân vẫn "khát"

Thứ Hai, 16/04/2007, 21:44
Bà Trần Thị Dụ, 84 tuổi, ở ngõ chợ Khâm Thiên, Hà Nội lọ mọ bưng chậu ra vòi hứng nước. Nhìn bà phải ngồi đợi hồi lâu dưới nắng mới hứng được một chậu nước thấy thật xót xa...

Tình cảnh này đâu chỉ diễn ra ở Khâm Thiên, mà khá phổ biến ở nhiều nơi. Chị Lại Thị Tuyết Thanh ở Khu tập thể Vân Hồ than thở: "Ban ngày không có nước, cứ phải chờ 1 - 2h sáng để bơm nước, nhưng không phải hôm nào cũng có".

Mới chớm hè mà những người dân ở phường Láng Thượng đã phải chống chọi với tình trạng thiếu nước rất sớm. Thiếu nước, tinh thần tiết kiệm được phát huy tối đa: nước vo gạo dành để rửa rau, nước rửa rau dành để rửa bát, nước rửa bát thì dùng để… dội nhà vệ sinh.

Quả là kiểu sinh hoạt mẫu mực về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thế nên, mỗi tháng, tiền nước của cả nhà chỉ được trả chưa đến 20 ngàn đồng. Ngõ Văn Hương và ngõ chợ Khâm Thiên đều được dự án nước Phần Lan thực hiện từ năm 1987, nhưng chỉ có họng nước công cộng cho tập thể vài chục hộ.

Theo khảo sát của chúng tôi cho thấy, ở khu vực Láng Thượng, giếng khoan của bà con chỉ ở độ sâu 20m, còn ở Văn Hương, Khâm Thiên là 30m. Nhưng theo các chuyên gia y tế thì ở môi trường đô thị đông dân cư với sự ô nhiễm cao như Hà Nội, thì để đảm bảo chất lượng nước, giếng khoan phải từ 60m trở lên.

Như vậy, ở những nơi vốn là đầm lầy nước đọng, môi trường ô nhiễm như ngõ Chợ Khâm Thiên và ngõ Văn Hương, lại có khá nhiều bệnh viện đóng trên địa bàn, thì việc sử dụng nước giếng khoan ở độ sâu 20 - 30m là không đảm bảo.

Ngược lại với tình trạng trên, ở tổ 81 Láng Thượng, Đê La Thành lại thiếu nước vì… đã có dự án cải tạo được mấy năm, đường cấp nước lại thấp hơn mặt đường tới 4 - 5m, nên nguồn nước không tới được các hộ dân.

Công ty kinh doanh nước sạch nói gì

Theo dự báo thời tiết, mùa hè năm 2007 sẽ còn diễn biến phức tạp. Mực nước ngầm của Hà Nội hiện nay bị hạ tấp 1m so với cùng kỳ năm trước, tức là chỉ còn 3 - 3,5 mét.

Điều này cho thấy, việc duy trì sản lượng nước khai thác rất khó khăn. Mặt khác, do tình hình cung cấp điện không ổn định, sản lượng nước sản xuất từ đầu năm 2007 đến nay chỉ đạt 85 - 90% kế hoạch.

Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn Hà Nội tăng nhanh. Việc thi công nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn Thủ đô đã làm ảnh hưởng đến hệ thống cấp nước, gây hỏng hóc và phải di dời.

Theo những kết quả xét nghiệm nước giếng khoan ở nhiều nơi tại các khu vực thuộc điểm nóng trên địa bàn quận Đống Đa thì hầu hết có tỷ lệ sắt và man-gan cao hơn mức cho phép nhiều lần.

Bà Hoàng Minh Yến, nhà 29 ngách 28/39, ngõ Văn Hương, phường Hàng Bột cho biết, mẫu nước nhà bà mang đi xét nghiệm, ngoài hàm lượng sắt cao còn có cả thạch tín.

Theo Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội, mùa hè 2007 TP Hà Nội sẽ đầu tư 300 tỷ nhằm hoàn thiện hơn mạng lưới cung cấp nước sạch trên địa bàn.

Ông Nguyễn Hùng Vĩ, Phó Giám đốc Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội, cho biết: Để khắc phục tình trạng thiếu nước ở một số nơi mà thực tế việc cấp nước theo đường ống không thực hiện được, Công ty đã bố trí 7 xe stec nước loại 5m3, trực từ 8h - 21h để cấp nước, nhưng với điều kiện: khi có nhu cầu cấp nước bằng xe stec, các bệnh viện, trường học, UBND phường làm thủ tục giấy giới thiệu xin cấp nước bằng xe stec và liên hệ với xí nghiệp kinh doanh nước sạch quản lý địa bàn điều phối

Thanh Hằng - Lưu Thúy
.
.
.