Hà Nội chuẩn bị xét xử vụ án đưa người trốn đi nước ngoài

Thứ Năm, 11/05/2006, 15:13
Ngày 9/5, một lãnh đạo Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội cho biết, VKS đã có cáo trạng truy tố các đối tượng trong vụ án Vũ Thị Tuyết tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép, ra toà. Trong quá trình điều tra vụ án không có tài liệu nào thể hiện đồng chí Nguyễn Đức Nghi, Phó Giám đốc Công an Hà Nội có liên quan.

Theo vị lãnh đạo này, do quy định của luật về thời hạn và thẩm quyền điều tra nên vụ án phải tách hành vi phạm tội của một số đối tượng ra điều tra và xử lý riêng. Hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án cũng đã được làm rõ và Cơ quan điều tra đang cùng với VKS xử lý.

Từ vụ bắt người trái phép

Ngày 9/11/2004, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội nhận được đơn trình báo của chị Phạm Thị Thơm ở Đống Đa, Hà Nội về việc chồng chị là Lã Quý Dực,43 tuổi bị một số người bắt giữ tại Hải Phòng và yêu cầu chị phải nộp 31.400 USD cùng một xe ôtô họ mới thả chồng chị ra.

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội xác định nhóm bắt giữ anh Dực, chồng chị Thơm là Nguyễn Hữu Chung (nữ), ở 45 Phan Bội Châu, Hà Nội cùng với Bùi Hải Hoài và Trần Văn Quyền ở Hải Phòng thực hiện. Ngay sau đó, Chung, Hoài và Quyền đã bị bắt giữ.

Thực chất việc Dực bị bắt giữ nhanh chóng được làm rõ. Sự việc bắt đầu từ năm 2003, Chung biết Dực có khả năng tổ chức cho người ra nước ngoài trái phép, nên Chung đã nhiều lần thỏa thuận và đưa tiền cho Dực nhờ làm thủ tục để đưa người quen của Chung đi. Nhưng có một số trường hợp Dực đã không làm được trót lọt theo thỏa thuận, nên còn nợ tiền Chung đã đưa trước đó.

Sau nhiều lần đòi không được, Chung đã bàn với Hoài, Quyền lập kế hoạch bằng cách Hoài giả là người cần mua visa đi nước ngoài để điều Dực xuống Hải Phòng khống chế, ép Dực phải trả tiền lại cho Chung. Cùng giúp sức cho Chung còn có Toàn, Lâm và Huệ.

Sau khi bắt giữ Dực, các đối tượng này đã giữ hết giấy tờ, tiền bạc trong người Dực và bắt Dực viết giấy vay nợ Chung 31.400 USD, viết giấy thế chấp nhà, bán xe và viết giấy tự nguyện ở lại nhà nghỉ Nam Ninh (Hải Phòng) chờ vợ đem tiền đến trả. Chung, Hoài còn yêu cầu Dực viết giấy cho vợ giao giấy tờ nhà hoặc ký vào giấy vay nợ Dực đã viết cho Chung trước đó. Tuy nhiên, sau đó chị Thơm, vợ Dực đã không đồng ý và đã báo với Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội.

Lộ đường dây tổ chức xuất cảnh trái phép

Qua việc điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến hành vi bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản, cơ quan điều tra xác định một số đối tượng đã câu kết với nhau tổ chức người khác đi nước ngoài trái phép bằng visa hoặc hộ chiếu giả. Khi khách có nhu cầu đi chỉ cần đưa hộ chiếu và đặt cọc một số tiền nhất định theo thỏa thuận, bọn chúng sẽ tổ chức cho họ trốn đi bằng nhiều cách để đến trực tiếp hoặc quá cảnh qua các nước khác. Sau khi đến nước theo yêu cầu, người nhà của khách ở Việt Nam sẽ thanh toán tiền cho chúng. Chúng thống nhất, đi sang Anh hết 14.000 - 16.000 USD; đi Đức hết 7.000 - 8.000 USD; đi Séc hết từ 5.000 - 5.500 USD.

Cơ quan điều tra đã làm rõ năm 1997 và 2003, Nguyễn Hữu Chung, Lã Quý Dực cùng Tô Minh Bình, 42 tuổi, trú tại khu tập thể Viện Y học cổ truyền quân đội; Nguyễn Thị Châu, 42 tuổi, trú tại TP Vinh, Nghệ An; Nguyễn Thanh Thủy, 49 tuổi, trú tại Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội; Vũ Thị Tuyết đã tổ chức nhiều vụ đưa hàng chục người đi nước ngoài trái phép. Bọn chúng móc nối với Nguyễn Việt Hùng, 48 tuổi, hiện đang cư trú tại Séc, lo thủ tục đưa đón và tổ chức cho người từ Việt Nam sang đi thẳng hoặc qua một nước khác trước khi tới Anh.

Các đối tượng này đã bị đề nghị truy tố, và ngày 16/2/2006, Tòa án TP Hà Nội xét xử đối với Chung và đồng bọn. Tất cả 10 bị can đều bị tuyên với mức hình phạt án giam có thời hạn. Riêng với Vũ Thị Tuyết, do thời hạn điều tra vụ Nguyễn Hữu Chung đã hết nên Cơ quan CSĐT đã tách ra điều tra xử lý sau.

Trở lại hành vi phạm tội của Vũ Thị Tuyết, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã có bản kết luận điều tra ngày 22/3 và điều tra bổ sung ngày 24/4/2006 về việc năm 1997 và 2003, Tuyết và đồng bọn đã nhiều lần tổ chức người đi nước ngoài trái phép và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Khoảng tháng 5/1993, Lê Kỳ Thanh, 61 tuổi, trú tại ngõ Lương Sử B, Đống Đa, Hà Nội thành lập và làm Giám đốc Công ty XNK Châu Á. Tuyết xin vào làm Phòng XNK của công ty này, đến năm 1995 xin nghỉ việc. Đầu năm 1997, Thanh gặp Tuyết và cả hai đã bàn bạc cùng nhau tổ chức cho người có nhu cầu đi Cộng hòa Séc và Slovakia. Thanh chịu trách nhiệm gom người, Tuyết lo visa, vé máy bay, đưa đón khách ở sân bay Séc, và hoàn chỉnh thẻ cư trú cho khách với giá 5.000 USD một người.

Họ đã làm thủ tục cho ba người là chị Tỉnh, Ánh, Như, nhưng ngày 1/10, khi ba người này đến sân bay Nội Bài làm thủ tục xuất cảnh đi Séc thì bị cơ quan ANĐT Công an Hà Nội bắt giữ. Sau đó, Cơ quan ANĐT Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giữ Lê Kỳ Thanh, Hoàng Thế Khanh và Lưu Thị Phu.

Do sợ bị phát hiện ra visa giả do Tuyết đóng vào hộ chiếu của khách, nên Tuyết đã bảo Tô Minh Bình gặp điều tra viên Trần Quang Tiến, người thụ lý chính vụ án tìm cách đánh tráo mẫu visa giả thế vào mẫu thật điều tra viên Tiến đưa cho Bình mượn (mẫu này do Sứ quán Séc cung cấp để giám định).

Từ mẫu visa giả bị đánh tráo, đương nhiên so với visa trong ba quyển hộ chiếu của Tỉnh, Ánh, Như, cơ quan giám định kết luận do cùng một con dấu đóng ra. Từ căn cứ đó, Cơ quan ANĐT Công an Hà Nội ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án và bị can, đồng thời quyết định xử phạt hành chính với Thanh, Khanh, Phu.

Sau vụ đó, năm 2003, Tuyết còn cùng đồng bọn còn tổ chức cho một số người xuất cảnh trái phép tới Anh, vì vậy ngày 1/9/2005, Công an Hà Nội đã quyết định bắt, khám xét đối với Vũ Thị Tuyết. Ngày 2/3, Cơ quan ANĐT Công an Hà Nội đã ra quyết định phục hồi điều tra vụ án Lê Kỳ Thanh và đồng bọn. Ngày 7/3, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội quyết định nhập vụ án Lê Kỳ Thanh và Vũ Thị Tuyết để điều tra tiếp, và đến nay đã kết thúc. VKS đã có cáo trạng truy tố các đối tượng.

Hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án đã được làm rõ

Trao đổi với PV Báo CAND ngày 9/5, một lãnh đạo cơ quan CSĐT Công an Hà Nội cho biết, đến nay đã có cơ sở khẳng định hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án của ông Trần Quang Tiến, nguyên điều tra viên vụ án, làm giả tài liệu cơ quan, Nhà nước xảy ra từ năm 1997 (nay ông Tiến đã chuyển công tác tới cơ quan khác).

Mặt khác, trong kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội cũng đã thể hiện hành vi của ông Tiến, nhưng theo quy định về thẩm quyền điều tra, Công an Hà Nội đã chỉ đạo Cơ quan ANĐT và CSĐT làm thủ tục chuyển hồ sơ vụ án tới Cục Điều tra VKSND Tối cao để điều tra theo thẩm quyền.

Cũng trong quá trình điều tra vụ án, khai thác các đối tượng, Cơ quan CSĐT chưa phát hiện có tài liệu nào chứng tỏ có sự liên quan của đồng chí Nguyễn Đức Nghi, Phó Giám đốc Công an Hà Nội với hành vi phạm tội của các đối tượng trong vụ án

Trường Minh
.
.
.