Hà Nội buông lỏng công tác kiểm dịch gia cầm

Thứ Hai, 08/08/2005, 08:05

Mặc dù nguy cơ cúm gia cầm vẫn tiềm ẩn và gần đây trên địa bàn thủ đô đã xuất hiện hai ổ dịch tại phường Cự Khối - quận Long Biên và xã Thanh Xuân - huyện Sóc Sơn, Hà Nội vẫn chưa thắt chặt công tác kiểm dịch. Tại các chợ việc kiểm dịch chỉ là hình thức, thậm chí bị bỏ qua.

Long Biên là chợ đầu mối lớn nhất cung cấp gia cầm cho Hà Nội. Hoạt động buôn bán, giết mổ gia cầm ở chợ Long Biên bắt đầu từ 3 - 4h sáng nhưng chỉ có 2 nhân viên của Chi cục Thú y thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội tiến hành kiểm dịch. Mặc dù trong chợ đã có khu giết mổ gia cầm riêng được đặt trong khu nhà kính, nhưng các chủ buôn bán lại được phép cắt tiết và sơ chế bên ngoài. Hệ thống cống thoát nước chưa hoàn thiện khiến nguồn nước thải phân, lông... gia cầm lênh láng khắp chợ. Tuy nhiên, theo Ban quản lý chợ Long Biên thì do khu nhà kính dành cho giết mổ phải dựng gấp trước thời điểm Tết năm ngoái nên chưa đủ hạ tầng kèm theo.

 

Tại chợ Long Biên có 5 nhân viên bảo vệ trật tự và 2 nhân viên kiểm dịch với đủ các thứ việc. Vì thế, nếu chủ lồng nào có lỡ "quên" không qua kiểm dịch thì gia cầm giết mổ không kiểm dịch cứ "hồn nhiên" xuất ra khỏi chợ. Đó là chưa kể việc kiểm dịch diễn ra không liên tục từ 4h sáng đến khoảng 12h trưa, vì các chủ phải gom từng đợt hàng ra. Nhân viên thú y chỉ đủ thời gian nhìn và đóng dấu, nhằm loại bỏ số gia cầm chết hoặc bị các bệnh rây, rù... có thể thấy bằng mắt thường, còn gia cầm có virus H5N1 hay không thì "có trời mới biết".

 

Ngoài chợ Long Biên, hầu hết các chợ ở Hà Nội đều không có khu vực giết mổ riêng. Chợ 19-12 nằm giữa trung tâm Hà Nội, chỉ trong diện tích vài chục mét vuông rất hẹp, hàng chục lồng gà, vịt, chim cút, thỏ, tôm, cá... còn sống và đã giết mổ để lẫn lộn. Hàng sáng vẫn có nhân viên thú y đi kiểm tra, nhưng khi chúng tôi đến chợ, những lồng gà được bán lại không hề có tem kiểm dịch.

 

Tại các chợ ngoại thành, hầu như công tác kiểm dịch thú y bị bỏ qua. Chợ Mai Lâm (huyện Đông Anh) do không phân chia khu vực bán gia cầm riêng biệt, gia cầm giết mổ được bày bán ở bất kỳ chỗ nào trong chợ. Vài tháng nay, không thấy có nhân viên thú y nào đến kiểm dịch. Việc buôn bán gia cầm hoàn toàn tự do, nguồn gốc gia cầm cũng chẳng biết từ đâu. Khu vực chợ Mới (phường Thạch Bàn, quận Long Biên), nằm gần ngay ổ dịch nhưng việc kiểm dịch gia cầm cũng bị bỏ quên. 

 

Một điều lạ là khi chúng tôi liên lạc bằng điện thoại với Chi cục Thú y Hà Nội, một nhân viên đã thờ ơ trả lời chúng tôi, anh ta không biết về việc xuất hiện hai ổ dịch trong khi bản báo cáo của  Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đã nêu cụ thể địa chỉ, số lượng gia cầm bị chết và phải tiêu huỷ tại các điểm dịch này.

 

Nếu công tác kiểm dịch còn tiếp tục bị buông lỏng như hiện nay, các ổ dịch sẽ nhanh chóng lan rộng. Khi ấy, số tiền để dập dịch ở Hà Nội sẽ lên tới hàng chục tỷ đồng (tính chung cả nước đầu năm 2005 đã mất 500 tỷ đồng cho công tác kiểm dịch, phun thuốc khử trùng…) và quan trọng hơn sẽ là nguy cơ lây nhiễm virus H5N1 từ gia cầm sang người

Thanh Loan - Ngọc Yến
.
.
.