Hà Nội: Vì sao điểm chuẩn vào lớp 10 giảm mạnh?

Thứ Sáu, 12/07/2013, 08:37
Tối 10/7, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đã phê duyệt điểm chuẩn vào lớp 10 THPT công lập. Điều bất ngờ là hầu hết điểm chuẩn vào các trường tốp 1, 2 đều giảm mạnh, có lẽ giảm mạnh nhất trong vòng 5 - 7 năm qua. Ngay như Chu Văn An các năm trước đều quán quân ở mức điểm 56, 56,5, thì năm nay tụt xuống 53,5 điểm. Vì sao điểm chuẩn vào 10 lại đột ngột giảm?

Một loạt trường vốn kiêu hãnh ở mức điểm chuẩn “thượng phong” thì năm nay đã đón một mức điểm chuẩn khiêm tốn chưa từng có. Trường Phan Đình Phùng năm trước điểm cao ngất ngưởng ở mức 54 (với mức điểm này thì hai môn Văn, Toán phải đạt 8,5 điểm trở lên), thì năm nay khiêm nhường ở mức 49,5 điểm, giảm tới 4,5 điểm. Phạm Hồng Thái từ 50 điểm giảm xuống còn 48 điểm; Nguyễn Trãi - Ba Đình từ 48,5 giảm xuống 46; Tây Hồ từ 46 xuống còn 43,5; Việt Đức từ 52,5 xuống còn 50; Trần Phú từ 53 xuống 49,5; Đoàn Kết - Hai Bà Trưng từ 50 giảm xuống 46. Trường nổi danh như Kim Liên, năm trước á quân ở mức 54, thì năm nay xuống chỉ còn 51. Nhân Chính từ 52 xuống còn 49; Yên Hòa 53,5 xuống còn 51. Và hàng loạt trường khác đều giảm từ 1 đến 3 điểm.

Điểm chuẩn giảm đã góp phần giảm nhiệt bớt câu chuyện tuyển sinh vào lớp 10, giảm bớt tính “nghiệt ngã” trong cuộc chạy đua một suất công lập hệ THPT. Thế nhưng, điểm chuẩn giảm có báo hiệu một lứa học sinh chất lượng sẽ không tốt bằng những năm trước hay không?

Thầy giáo Nguyễn Thanh Lâm, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An cho biết, điểm chuẩn giảm mạnh có nhiều nguyên nhân: Do đề thi khó hơn và do trình độ lứa học sinh lớp 9 năm nay có thiếu hụt kiến thức hơn so với năm trước, vì có năm có lứa học sinh học rất giỏi. Theo thầy Lâm, điểm thi thấp hơn cũng là nỗi lo lắng cho nhiều trường, vì ở góc độ nào đó, điểm thi cũng đánh giá chất lượng thí sinh, trong bối cảnh kỳ thi vào 10 được Hà Nội tổ chức quá nghiêm túc, bài bản, thì sẽ phản ánh được trình độ thực chất của thí sinh. Vấn đề quan trọng là các nhà trường phải có sớm có kế hoạch để bù đắp thiếu hụt cho các cháu, vì theo thầy Lâm, chương trình cấp THPT nặng hơn rất nhiều.

Thí sinh Hà Nội dự thi vào lớp 10 năm 2013.

Thầy giáo Kiều Trung Tiến, Hiệu trưởng THPT Phan Đình Phùng thì cho rằng, điểm chuẩn thấp vì đề thi khó hơn, trong đó môn Toán thành phố chỉ có 36 cháu đạt điểm 10. Với Phan Đình Phùng năm trước điểm chuẩn 54, nên năm nay học sinh đăng ký vào trường ít hơn, nguồn tuyển vì thế cũng giảm. Thầy hiệu trưởng dự đoán điểm của Phan Đình Phùng cố gắng ở mức 52, 53 điểm, nhưng không ngờ hạ xuống 49,5 điểm, là mức điểm thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Nhưng để đạt được mức điểm 49,5, theo thầy Tiến các con cũng phải đạt điểm 7,5, thế cũng đủ giỏi rồi. Cô giáo Bùi Thị Minh Nga, Phó Hiệu trưởng THPT Trần Phú chia sẻ, lâu nay chúng ta quen với điểm đầu cao rồi, và việc để điểm chuẩn quá cao như những năm trước, không phải là tối ưu, vì nó gây tâm lý xã hội không tốt. Năm nay, Trần Phú từ 53 giảm xuống 49,5 điểm, nhưng nhà trường không quá lo lắng, vì đây chỉ là mức sàn. Rất nhiều em có điểm vào Trần Phú bỏ xa sàn, thống kê bước đầu có 344/630 em đỗ vào Trần Phú có mức điểm từ 53 trở lên.

Dù điểm chuẩn giảm, nhiệt đã hạ hơn, nhưng nhìn lại cuộc chạy đua vào lớp 10 vẫn vô cùng căng thẳng, thậm chí khốc liệt hơn cả kỳ tuyển sinh đại học. Trượt đại học, các em có thể vào hệ cao đẳng, học trung cấp chuyên nghiệp, hoặc học nghề, hoặc năm sau thi tiếp, nhưng trượt nguyện vọng vào 10, các em sẽ phải học ở dân lập, hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên…

Thêm yếu tố “khốc liệt” nữa là do Hà Nội mới chỉ đáp ứng được hơn 65% nhu cầu học công lập, còn lại dành cho hệ dân lập và các mô hình xã hội hóa. Vậy bài toán nào để giảm căng thẳng cho tuyển sinh vào lớp 10?

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, để đảm bảo 200 trường THPT trên địa bàn Hà Nội đều như Chu Văn An, Kim Liên thì là điều không tưởng. Để kỳ thi vào 10 bớt căng thẳng, thì phải có thêm trường THPT công lập. Việc này ngành giáo dục Thủ đô và thành phố đang nỗ lực thực hiện bằng việc đầu tư hàng trăm tỷ xây trường mới (năm 2012 đầu tư 100 tỷ xây trường). Bên cạnh đó, để thu hẹp khoảng cách giữa các trường, nâng cao chất lượng đồng đều, ngành giáo dục đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để bồi dưỡng giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất và thực hiện luân chuyển cán bộ…

Thu Phương
.
.
.