Hà Nội: Sẽ "thắt chặt" các điểm trông giữ xe

Thứ Bảy, 11/03/2006, 08:42

Nhằm chấn chỉnh lại trật tự các điểm trông giữ xe đạp, xe máy và xe ôtô, một kế hoạch kiểm tra liên ngành giữa Ban Thanh tra GTCC và Phòng Cảnh sát trật tự Công an thành phố Hà Nội sẽ được triển khai từ nay đến 20/3.

Thượng tá Hoàng Thanh Bình, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Công an TP Hà Nội cho biết, lần ra quân này của lực lượng liên ngành sẽ tính đến việc mở các điểm đỗ xe taxi.

Theo Ban Thanh tra Giao thông công chính (Sở Giao thông công chính Hà Nội), trong lần phối hợp kiểm tra liên ngành gần đây nhất, đã phát hiện có tới 2/3 số điểm trông giữ xe đạp, xe máy và ôtô không có phép (88/294 điểm).

Ông Thạch Như Sỹ, Trưởng ban Thanh tra GTCC cũng thừa nhận, các điểm trông giữ xe đạp, xe máy và xe ôtô đang là điểm "nóng" cần được giải quyết gấp rút. Gần như phường nào cũng có một đến vài điểm trông giữ xe vi phạm… Thậm chí có những điểm như phố Nguyễn Xí, trong giấy phép chỉ được 20m2, nhưng chủ kinh doanh điểm trông giữ này đã tự ý lấn lên gấp 10 lần (200m2). Đây cũng là một trong những điểm vi phạm triền miên, cứ nộp phạt lại tiếp tục tái phạm.

Con số dài dằng dặc các điểm vi phạm về trông giữ xe, đặc biệt ở xung quanh các bệnh viện, các tuyến phố văn minh thương mại… đã đủ nói lên tình trạng lộn xộn, yếu kém trong quản lý giao thông tĩnh của Hà Nội.

Vướng mắc lớn nhất hiện nay chính là từ chính quyền phường sở tại. Rất nhiều phường đang hiểu và thực hiện sai Quyết định 63 của UBND thành phố Hà Nội quy định về quản lý và sử dụng vỉa hè, lòng đường. Theo quyết định này, mọi vỉa hè có chiều rộng 3m trở lên, có thể sắp xếp điểm trông giữ xe, nhưng có những vỉa hè rộng tới 6 - 7m như vỉa hè phố Phan Đình Phùng, UBND phường lại lập thành tuyến phố văn minh đô thị cấm để xe gây ách tắc tại các tuyến phố cắt ngang.

Theo ông Trần Đức Hiệp, Đội trưởng Đội Thanh tra GTCC quận Ba Đình, 85% các điểm trông giữ xe trên địa bàn quận là do UBND phường tổ chức, nên những sai phạm tại các bãi giữ xe này rất khó giải tỏa: "Trước đây mức phạt xử lý vi phạm của các bãi trông giữ xe là 200.000 đồng, mà nhiều khi chúng tôi còn phải nịnh họ mới chịu nộp phạt, bây giờ với mức phạt mới 750.000 đồng còn khó khăn hơn".

Sự "bảo kê" của một số chính quyền phường sở tại, cơ quan đoàn thể đã khiến tình hình vi phạm tại các điểm trông giữ xe ngày càng bùng phát và phức tạp, chủ kinh doanh tha hồ "chặt chém" khách gửi xe, nhất là trong các dịp lễ, Tết.

Việc xây dựng tuyến phố văn minh thương mại, văn minh đô thị có chiều hướng dễ dãi, cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng lộn xộn tại các điểm trông giữ xe. Đơn cử như quận Hoàn Kiếm xây dựng 45 tuyến phố văn minh thương mại nhưng có tới 20 điểm trông giữ xe trên các tuyến phố này không phép. Với các điểm đỗ xe ôtô hiện nay phần lớn do Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội quản lý, nhưng một số điểm đỗ đã giải toả lại không xóa các vạch sơn nên các xe ôtô cứ nghiễm nhiên coi đó là chỗ đỗ xe hợp pháp như các điểm tại phố Hàng Bún, Triệu Quốc Đạt và Dã Tượng.

Áp lực về bãi đỗ xe ôtô đang là gánh nặng cho giao thông tĩnh của Hà Nội. Xe nhiều, nhưng thiếu điểm đỗ khiến các lái xe dù không muốn cũng vẫn phải vi phạm. Ngay trước cửa Trung tâm Thương mại Tràng Tiền Plaza, khi có lực lượng Công an, các xe ôtô không dám đỗ, nhưng khi Công an vừa đi khỏi, là có ngay hai, ba chiếc taxi lao vào đỗ gây lộn xộn và ách tắc giao thông trên tuyến phố Hàng Bài.

Theo ý kiến của nhiều cơ quan chức năng, nên tiến tới xã hội hoá các điểm trông giữ xe. Nếu nhà dân nào có đủ điều kiện về diện tích, thì sẽ khuyến khích cho họ được mở điểm trông giữ xe ngay tại nhà. Điều cốt lõi của vấn đề là quyền và nghĩa vụ của UBND các phường cũng như các tổ chức, cơ quan đoàn thể khi lập bãi giữ xe phải được quy định rõ ràng. Nếu giá vé quy định như hiện nay không còn phù hợp, thì nên cùng với ngành tài chính thống nhất lại để người kinh doanh bãi gửi xe có điều kiện thực hiện tốt các quy định

Ngọc Yến
.
.
.