Hà Nội: Nút cổ chai 7 năm chưa thông

Thứ Tư, 17/10/2007, 09:13
Năm 2000, UBND TP Hà Nội đã quyết định thu hồi đất để làm tuyến đường Tô Hiệu kéo dài, nay là đường Trần Quốc Hoàn. Các bước tiến hành dự án được thực hiện cho đến khi đường Trần Quốc Hoàn hình thành, trừ phần thắt cổ chai nơi 67 hộ dân tổ 20, phường Dịch Vọng Hậu...

Người tham gia giao thông hết sức bức xúc mỗi lần qua tuyến đường Trần Quốc Hoàn, quận Cầu Giấy bị tắc nghẽn bởi hơn chục căn hộ hình thành nút cổ chai đã 7 năm qua. Bất luận vì lý do nào thì trong bối cảnh giao thông của Hà Nội hiện nay, việc thực hiện một dự án giao thông lại hình thành thêm một nút gây ùn tắc thường xuyên là điều không thể chấp nhận.

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ!

Trở lại năm 2000, UBND TP Hà Nội có Quyết định 5775/QĐ-UB thu hồi 29.895m2 đất để làm tuyến đường Tô Hiệu kéo dài, nay là đường Trần Quốc Hoàn. Trong đó, có 1.166m2 đất tại phường Mai Dịch, 14.593m2 đất phường Dịch Vọng và phần còn lại thuộc phường Quan Hoa.

Các bước tiến hành dự án được thực hiện cho đến khi đường Trần Quốc Hoàn hình thành, trừ phần thắt cổ chai nơi 67 hộ dân tổ 20, phường Dịch Vọng Hậu hiện nay chưa được giải quyết dứt điểm, vậy nguyên nhân do đâu?

Hệ quả trực tiếp là tình trạng ùn tắc ở nút cổ chai này thường xuyên xảy ra. Ông Nguyễn Ngọc Đoàn - Tổ trưởng tổ 20 phường Dịch Vọng Hậu nơi có nút cổ chai trên thẳng thắn nói: "21 hộ dân tổ 20 (phần phía Nam tuyến) luôn trong tâm trạng chờ đợi, sẵn sàng đối thoại công khai với những người có trách nhiệm để làm sáng tỏ 3 câu hỏi xung quanh việc thực hiện tuyến đường.

Chúng tôi không thể hài lòng bởi năm 2001, khi tuyến đường đã thi công được 6 tháng thì người dân tổ 20 mới nhận được thông báo thu hồi đất. Riêng khu vực này cần thu hồi trên 2.000m2. Tuy vậy, khi được quán triệt, mọi người dân đều đồng tình ủng hộ. Nhưng không hiểu sao, quyết định thu hồi đất đã đọc, lịch do đạc kê khai đền bù đã lên rồi buông dự án cho đến năm 2003?”

Những thắc mắc của người dân được ông Đoàn đại diện nêu lên không ngoài những quy định công khai, minh bạch trong thực hiện dự án hiện nay, đó là: Vì sao một dự án lớn như vậy mà đến khi thực hiện được quá nửa con đường, những người có trách nhiệm mới thông báo tới người dân tổ 20?

Đường Trần Quốc Hoàn nối liền đường Tô Hiệu thành một đường thẳng tới đường vành đai III. Trong khi đường Tô Hiệu rộng 11m không kể vỉa hè, thì đường Trần Quốc Hoàn lại lấy tới 15m (không kể hè)?

Và vấn đề thứ 3, đó là tại sao cả 2 đoạn đường trên đang chạy thẳng đến trước cửa nhà hàng Trung Dũng (điểm cắt với phố Phan Văn Trường) thì bất ngờ quẹo trái sâu thêm 3m về phía Nam tuyến đường?

Ông Ngô Xuân Hùng - Tổ phó tổ 20 cho biết thêm: Năm 2004, trong một buổi họp dân để giải quyết việc đền bù, có đại diện cho UBND quận Cầu Giấy tham dự. Đến thời điểm này, những người làm dự án còn chưa thống nhất xoay quanh vấn đề các hộ dân định cư ở đây từ thời điểm nào.

Người thì nói những hộ dân đã sinh sống ở đây từ 1975, người khẳng định họ mới đến đây vài năm...Trên thực tế, các hộ dân đã ở đây từ lâu, người ở muộn nhất là từ 1977-1978.

Người làm dự án nói gì khi người dân sẵn sàng đối thoại

Cho đến nay, không biết bao nhiêu đơn từ gửi tới các cấp nhưng những câu hỏi mà người dân nêu ra vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Trong buổi làm việc với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Khánh Tuyến - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án quận Cầu Giấy đưa ra lý do: Sở dĩ tuyến đường bị thắt cổ chai vì khi thi công, một số hộ dân tổ 20 phường Dịch Vọng Hậu đưa đơn kiến nghị về quy hoạch con đường.

Việc này Ban quản lý dự án đã tham mưu cho UBND quận tổ chức họp dân, đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc giải đáp thắc mắc nhưng người dân không thỏa mãn. Khi được hỏi, tại sao theo thiết kế lòng đường rộng 11m, vỉa hè mỗi bên 5m, mà thực tế sau khi thi công vỉa hè bên 5m, bên lại có 4m, thậm chí có chỗ 7 - 8m?

Ông Tuyến nói: "Tôi không thể trả lời được vấn đề này, vì chúng tôi chỉ biết thực hiện theo đúng quy hoạch của thành phố".

Vậy tại sao đường đang thẳng đến cửa nhà hàng Trung Dũng lại quẹo trái sâu 3m khiến con đường bị bẻ cong, và làm như thế liệu có đẹp cho cảnh quan đô thị? Ông Tuyến cũng chỉ một mực nói rằng: Chúng tôi làm theo quy hoạch thành phố. Hơn nữa, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, do đặc điểm dân cư qua các thời kỳ nên quy hoạch bị bẻ cong như vậy!

Những câu trả lời trên khiến chúng tôi - những phóng viên đã cất công tìm hiểu cũng chưa thật thỏa mãn. Trong khi đó, những người dân mà cơ nghiệp của họ chỉ có căn hộ nhỏ trước khi di dời lại chưa biết mình sẽ được định cư ở đâu? Mức đền bù cho mỗi m2 nhà mình là bao nhiêu? Số tiền đó có đủ mua một căn hộ khác hay không?

Khi phóng viên hỏi kỹ về nơi tái định cư cho các hộ dân tổ 20, ông Tuyến mới cho biết: Dự kiến sẽ tổ chức cho họ tái định cư tại khu chung cư ở phường Dịch Vọng, khoảng 80 căn hộ.

Trả lời phóng viên Báo CAND, những người dân nơi đây bày tỏ luôn sẵn sàng phục vụ dự án, nhưng cần phải làm sáng tỏ những vấn đề như đã nêu.

Ông Đoàn - Tổ trưởng dân phố cam kết: Tất cả chúng tôi là cán bộ, đảng viên, nhiều người công tác trong lực lượng vũ trang nghỉ hưu, ai cũng đồng tình ủng hộ dự án. Cái mà chúng tôi cần là phải công khai, minh bạch các khâu làm dự án. Nếu thống nhất như vậy thì tại sao những câu hỏi dân nêu ra lại không được trả lời thỏa đáng?

Chìa khóa để mở nút cổ chai con đường đẹp, góp phần giải tỏa ách tắc giao thông của một phần Hà Nội nằm chính ở chỗ cần công khai, minh bạch

Nhóm PV điều tra
.
.
.