Hà Nội: Nguy cơ cao bùng phát dịch tiêu chảy cấp

Thứ Ba, 18/03/2008, 15:42
PGS.TS Nguyễn Đức Hiền, Viện trưởng Viện CBTN&NĐQG cảnh báo, vào thời điểm sắp bước sang mùa hè này, dịch tiêu chảy cấp có nguyên nhân từ phẩy khuẩn tả có nguy cơ cao bùng phát trở lại.

Chỉ sau hơn ba tháng Bộ Y tế công bố hết dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, Hà Nội lại xuất hiện 7 bệnh nhân được Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia (CBTN&NĐQG) xác định dương tính với phẩy khuẩn tả. Trong số này, đã có 5 bệnh nhân điều trị ổn định và xuất viện, còn 2 bệnh nhân phải điều trị.

Bệnh nhân Trần Huy Khanh, 40 tuổi, ở Thịnh Liệt, Hoàng Mai cho biết, bữa sáng 9/3, anh ăn tiết canh lợn, trưa ăn cơm bình thường, đầu giờ chiều thì anh thấy mệt, sau đó bị đi ngoài liên tục. Sáng 10/3, anh Khanh được đưa vào cấp cứu tại Viện CBTN&NĐQG với biểu hiện chân tay co quắp, không đi lại được, cơ thể mất nước trầm trọng, trụy mạch.

Sau gần 24 giờ được các bác sỹ tiến hành cấp cứu, anh Khanh phải truyền 18,5 lít nước. Kết quả xét nghiệm cho thấy, mẫu bệnh phẩm của anh Khanh dương tính với phẩy khuẩn tả.

Cùng mắc bệnh như anh Khanh, ông Nguyễn Xuân Hòa, 58 tuổi, ở Minh Khai, quận Hai Bà Trưng cho biết, ông là người ăn uống khá cẩn thận, hầu như chỉ ăn uống ở nhà, nhưng tối 6/3, ông đi liên hoan (thịt chó, mắm tôm, rau sống) cùng mấy người bạn.

Ngay tối đó, ông Hòa đã thấy mệt, hơi tức bụng. Đến sáng 8/3, ông Hòa bị tiêu chảy liên tục và phải nhập Viện CBTN&NĐQG trong tình trạng chân tay co quắp, đi đứng loạng choạng, mất nước trầm trọng,…

Hầu hết bệnh nhân tiêu chảy cấp như anh Khanh, ông Hòa đều nhập viện khá muộn, khi cơ thể đã bị mất nước trầm trọng, kéo theo nhiều triệu chứng nguy hiểm. Hiện nay, tất cả các bệnh nhân đã được điều trị ổn định và ra viện, chỉ còn 2 bệnh nhân phải nằm viện. Cẩn trọng hơn, Viện CBTN&NĐQG đã chuyển mẫu bệnh phẩm của 7 bệnh nhân nói trên sang Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để tiến hành xét nghiệm thống nhất.

PGS.TS Nguyễn Đức Hiền, Viện trưởng Viện CBTN&NĐQG cảnh báo, vào thời điểm sắp bước sang mùa hè này, dịch tiêu chảy cấp có nguyên nhân từ phẩy khuẩn tả có nguy cơ cao bùng phát trở lại.

Đặc biệt, trong điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được đảm bảo, không ít người dân chủ quan, lơ là thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, các bệnh đường tiêu hóa thường gia tăng vào lúc thời tiết nắng nóng, nguy cơ bùng phát dịch càng cận kề.

Viện CBTN&NĐQG đã chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, khu vực điều trị cách ly... dự phòng dịch bùng phát trở lại. Ngay cả việc uống vaccin tả cũng chỉ đạt hiệu quả khoảng 70%, cách phòng bệnh tốt nhất với người dân vẫn là ăn chín uống sôi, rửa tay bằng xà phòng và tránh ăn thực phẩm tươi sống, không đảm bảo vệ sinh

T.Loan
.
.
.