Hà Nội: Mùa mưa lại lo ngập úng

Thứ Sáu, 10/05/2013, 07:43
Trận mưa chỉ kéo dài chừng quá nửa tiếng vào tối 3/5 nhưng đường phố Hà Nội nhiều đoạn biến thành sông. Đường ngập, xe chết máy... là những “thảm cảnh” không hề hiếm gặp ở Thủ đô mỗi khi có mưa lớn. Dự án thoát nước giai đoạn I đã hoàn tất, giai đoạn II đã đi gần cuối chặng đường, tại sao năng lực thoát nước vẫn dậm chân tại chỗ?
>> Mưa trên 70mm Hà Nội sẽ ngập cục bộ

Phát sinh nhiều điểm ngập úng

Ngoài khoảng 20 điểm ngập úng hầu như năm nào cũng nằm trong danh sách “đen”, mùa mưa năm nay, Hà Nội lại xuất hiện thêm những điểm ngập úng mới. Điều đáng chú ý là những điểm này lại ở những tuyến đường lớn, hiện đại. Theo dõi các điểm ngập úng trong trận mưa tối 3/5 thể hiện rất rõ điều này. Mới mưa được chừng 20 phút, đường Phan Kế Bính đã ngập. Đường Liễu Giai - con đường từng được bình chọn là đường đẹp nhất Việt Nam đoạn cắt với Phan Kế Bính mênh mông nước.

Thật khó tin, trong nội thành Hà Nội lại có những “con sông” sâu và rộng như vậy. Hàng chục, hàng trăm người điều khiển phương tiện đi qua đây bị “đứt gánh”. Xe chết máy, người ngã..., giao thông hỗn loạn. Trong khi những người đang đi giữa đường gặp mưa khốn khổ vì ngập thì những nhiều hộ dân ở con phố này cũng phải chạy mưa do nước tràn vào nhà. Bàn ghế, tủ lạnh... được kê lên cao để tránh ướt nhưng mỗi khi có chiếc ôtô nào đó “liều mình” lao vào dòng nước đen thì nước lại dềnh lên, ập vào đồ đạc.

Một trong những điểm ngập úng nặng tại Hà Nội.

Mặc áo mưa đứng nhìn dòng nước đen kịt trước mặt, bác Khuyên cho biết, trước kia, khi mương Phan Kế Bính còn lộ thiên, đoạn đường này không bao giờ ngập. Từ khi cống hóa, cửa hàng, siêu thị, bãi trông giữ xe “mọc” lên trên mặt mương thì cứ mưa là đường lại ngập.

Không chỉ trong nội đô, đường Nguyễn Xiển - Một trong những đoạn nằm trên trục vành đai 3 (Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng) cũng ngập nặng. Những dòng phương tiện đường bộ nối đuôi nhau lội nước trong khi nước mỗi ngày một lên cao. Không ai hiểu, tại sao trên trục đường mới, hiện đại, mới mưa ít phút mà đã ngập úng thế này. Đường Phạm Văn Đồng, đoạn qua trụ sở Bộ Công an và Công ty Cầu 7 cũng bị ngập nặng. Khu vực Tương Mai, quận Hoàng Mai cũng chìm trong biển nước...

Ngập úng không phải vì... không có cống thoát nước

Ngày 8/5, trao đổi với ông Quảng Xương, Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội (gọi tắt là Công ty Thoát nước Hà Nội) chúng tôi được biết, năng lực thoát nước ở Hà Nội đã được cải thiện sau khi các hạng mục trong dự án thoát nước giai đoạn I và một phần của giai đoạn II được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trong mùa mưa năm nay lại phát sinh thêm một số điểm ngập mới. Nghịch lý ở chỗ là tại các tuyến đường này đều có hệ thống cống đã được đầu tư, xây dựng.

Nạo vét hồ Bảy Mẫu. Ảnh: Cao Hồng.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập tại phố Phan Kế Bính, ông Xương cho biết, đây là đoạn mương được cống hóa do một công ty tư nhân. Hiện tại, hệ thống thoát nước ở đây chưa bàn giao cho Công ty Thoát nước quản lý, bảo trì. Tuy nhiên, trước tình trạng ngập úng nặng tại khu vực này nên từ năm 2012 và đầu năm 2013, Công ty Thoát nước buộc phải “xin” chủ đầu tư dự án này là Công ty Đa quốc gia để được nạo vét, khơi thông dòng chảy.

Điều gì khiến cho năng lực thoát nước tại khu vực này kém đi sau cống hóa đoạn mương này? Theo chúng tôi được biết, đoạn mương Phan Kế Bính do Công ty Đa quốc gia cống hóa có chiều dài khoảng 300m. Mặc dù có chiều dài khiêm tốn nhưng hệ thống cống ở đây phải đi qua hai nút cổ chai tại vị trí Phan Kế Bính - Nguyễn Văn Ngọc; Phan Kế Bính - Linh Lang.

Tại hai nút cổ chai này vốn dĩ đã tồn tại  hai loại cống tròn 3D2000 và 2D2000. Khi đầu tư cống hóa mương Phan Kế Bính nhưng không nâng cấp hai cống này đã tạo ra sự không đồng bộ và hình thành 2 nút cổ chai ở vị trí của hai cống nêu trên. Việc không đồng bộ trong đầu tư, nâng cấp cống khi cống hóa mương Phan Kế Bính khiến cho việc tiêu thoát nước gặp khó khăn. Đấy có còn chưa kể theo quy chuẩn, 50m phải xây dựng một hố ga nhưng tại đây, phải 100m người ta mới có 1 hố ga. Khi nước không tiêu thoát được, đương nhiên dẫn đến việc tràn lên mặt đường như những gì đã xảy ra trong trận mưa tối 3/5.

Để giải quyết tình thế mỗi khi ngập úng tại phố Phan Kế Bính, Công ty Thoát nước ngoài việc cho công nhân mở hết nắp hố ga, chặn rác thải, công ty này còn phải điều động một xe bơm (cả thành phố có hai xe) để thực hiện việc tiêu thoát nước. Với cơ sở hạ tầng thoát nước như nêu ở trên, hy vọng giảm tình trạng ngập úng mỗi khi mưa lớn ở khu vực này nghe rất xa vời.

Cũng theo ông Xương, việc đường Nguyễn Xiển ngập nặng là do, hệ thống cống thoát nước được xây dựng rất hiện đại chạy dọc tuyến vành đai III hiện nay đang “đông cứng” chất thải xây dựng. Bê tông tươi được người ta xả trộm xuống cống chặn đứng mọi dòng chảy. Sau rất nhiều lần đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bàn giao nhưng chưa có phản hồi nên hệ thống thoát nước ở đây chưa được quản lý, nạo vét. Thế mới xảy ra việc, đường hiện đại, cống thoát nước hiện đại nhưng mới mưa đã ngập...

Hà Nội bắt đầu vào mùa mưa. Với những gì diễn ra như trong trận mưa đầu mùa vừa qua cho thấy, tình trạng ngập úng đang có dấu hiệu nghiêm trọng hơn năm trước. Nếu chỉ áp dụng giải pháp tình thế là cho công nhân đến mở nắp hố ga, ngăn chặn rác, tăng cường máy bơm cơ động (cả thành phố có 2 cái)... tại các điểm ngập úng thì bài điệp khúc “mùa này Hà Nội biến thành sông” sẽ được nhắc tới dài dài

Thái Tuấn - Việt Hà
.
.
.