Hà Nội: Lúng túng giải quyết nhà, đất siêu mỏng

Thứ Năm, 14/06/2007, 13:12
TP Hà Nội có chủ trương hợp khối những ngôi nhà siêu mỏng, đất siêu hẹp thế nhưng thực tế, nếu để người dân tự làm việc này thì sẽ không có kết quả vì giá đất quá cao, đến hơn 100 triệu đồng/m2. Giải pháp TP thu hồi rồi bán lại theo khung giá đất chung đang được ủng hộ nhưng chưa có kế hoạch triển khai.

Khi hỏi ông Trần Việt Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa về việc thực hiện chỉ đạo của thành phố, ông cho biết, trước khi thu hồi, quận đang chỉ đạo phường Nam Đồng vận động các hộ liền kề hợp khối. Trong tháng 6, nếu hộ nào không hợp khối được sẽ tiến hành thu hồi đất. Khó khăn trong hợp khối hiện nay là việc tranh chấp quyền lợi giữa hộ bên trong và hộ mặt tiền có đất siêu mỏng. Hộ bên trong muốn ra mặt tiền, hộ bên ngoài muốn bán giá cao. Nếu không vì quyền lợi của đôi bên thật khó đi đến thống nhất.

Khi thành phố buộc phải thu hồi thì mức đền bù được áp theo giá giải phóng mặt bằng. Phần đất thu hồi sẽ sử dụng vào mục đích công cộng. Như vậy, hộ bị thu hồi sẽ thiệt do tiền đền bù thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Còn hộ bên trong mất hoàn toàn cơ hội được ra mặt tiền.

Lâu nay, khi đi đường tôi ít để ý đến khu nhà nằm trên một dẻo đất có hai mặt tiền, một bên là đường Mới, một bên là mặt ngõ Xã Đàn II. Dẻo đất này giáp với đường Nguyễn Lương Bằng nên vị thế rất đắc địa. Chỉ khi đi tìm hiểu về đất siêu mỏng ở tuyến đường mới mở này, tôi mới phát hiện đầu và cuối dẻo đất này đều có những mảnh đất siêu mỏng hình tam giác. Tam giác ở phần đầu có diện tích khoảng 20m2. Tam giác khu cuối có diện tích khoảng 4m2 đang là quán nước chè.

Tôi tạt xe vào uống nước mới hay chủ quán tên Lợi. Anh cho biết chiều dài của mảnh đất này khoảng 2,5m, chỗ rộng nhất hơn 1m, chỗ hẹp nhất chỉ vài cm. Đây là diện tích còn lại của mảnh đất 120m2 nay đã bị thu hồi để mở đường. Nhà nước đền bù 16,5 triệu/m2 và bố trí tái định cư cho gia đình anh. Do đang còn một căn nhà ở ngõ Xã Đàn II nên vợ chồng anh về đấy ở và mưu sinh bằng quán nước này.

"Chỗ này đáng giá trăm triệu đấy", anh nói. Có lẽ, để khẳng định vai trò chủ sở hữu nên anh đổ bê tông và kiếm được 30.000đ - 40.000đ/ngày nhờ bán nước. Tôi hỏi anh có ý định bán diện tích nhà cho nhà liền kề, anh bảo không. "Nếu hợp khối thì khi xây dựng, hình thù cũng rất kỳ quái". Anh cũng chẳng quan tâm đến giá đất mặt tiền hiện nay được đồn thổi 130 - 150 triệu/m2.

Tôi ngạc nhiên và thán phục khi nghe người đàn ông nhặt nhạnh từng 500đ/chén trà nói: "Nếu Nhà nước thu hồi mảnh đất này, đường sẽ được làm rộng ra, tai nạn ít đi. Tôi không thể vì lợi ích cá nhân mà giữ nó khư khư". Trước khi rời quán nước của anh Lợi, tôi được anh cho biết khu này đã có quyết định thu hồi. Rồi đây, đường sẽ được mở rộng ra, mảnh đất hình tam giác rộng 4m2 của anh Lợi không còn nhưng hành động sẵn sàng hiến đất phục vụ lợi ích chung của anh thật đáng ghi nhận.

Người ở mặt tiền cứng tay, người ở trong rắn mặt!

Xây tường, xây nhà siêu mỏng để giữ đất, để làm giá là hiện tượng dễ nhìn thấy khi đi trên tuyến đường mới mở rộng thênh thang này. Theo chúng tôi được biết, riêng địa bàn phường Nam Đồng có 44 trường hợp đất siêu mỏng.

Hiện nay, có khoảng 20 trường hợp đã hợp khối, số còn lại đang trong quá trình vận động. Để tìm hiểu việc thỏa thuận bán, mua giữa hộ có đất siêu mỏng ngoài mặt đường và hộ bên trong, tôi đã có cuộc trao đổi trực tiếp với các hộ dân liền kề dãy 6 ki-ốt có chiều rộng thấp nhất không quá 60cm, cao nhất không quá 3m.

Trong số 6 hộ này, hộ bà Trần Ngọc Diệp may mắt nhất khi chỉ bị ki-ốt siêu mỏng chắn 1/2 mặt trước, phần còn lại là cổng đi ra đường. Bà Diệp cho biết, để mở được cổng ra đường Mới, bà phải trả 72 triệu đồng cho diện tích 1,6m2 của chủ đất liền kề phía trước.

Hiện tại, diện tích đang án ngữ trước nhà bà chỉ khoảng 1,4 - 1,5m2, chiều rộng nhất chỉ 20cm, bà vẫn chưa thể mua được vì chưa thống nhất về giá cả. Phần ki-ốt án ngữ trước nhà bà Phùng Thanh Bình khoảng 4m2 với chiều dài 3,8m. Rất thích được ra mặt đường nhưng chỉ đồng ý trả số tiền vừa phải, không chấp nhận trả giá đội lên quá cao, đó là ý kiến của bà Bình.

Khi tôi đặt vấn đề nếu mua phần đất này, diện tích 70m2 bà đang ở sẽ nâng giá trị lên rất nhiều, bà Bình đồng ý với ý kiến này nhưng lại cho rằng đất bà chỉ dùng để ở, không có nhu cầu bán nên giá trị của nó tăng bà không quan tâm nhiều. Hơn nữa, diện tích đất siêu mỏng này chỉ có thể bán cho nhà bà(!). Ai cũng có thế mạnh của mình. Bên mua độc quyền. Bên bán độc tôn. Nếu cả hai không đi đến thống nhất, rất khó gỡ mối rối này.

Hộ bà Nguyễn Thị Hảo cũng bị diện tích khoảng 5m2 ki-ốt án ngữ trước mặt. Cũng như các hộ lân cận, gia đình bà chưa tìm được tiếng nói chung với chủ diện tích đất này. Nếu chủ đất cứ đòi giá 130 triệu đồng/m2 thì gia đình bà không thể mua được.

Bà Thanh Bình nêu ý kiến, thành phố cứ thu hồi phần diện tích đất này, các hộ liền kề sẽ mua theo khung giá đất của thành phố. Đó là giải pháp tốt nhất trong tình hình hiện nay. Đây là tuyến đường lớn, mới mở nên chưa có khung giá đất. Rất có thể nay mai thành phố sẽ đấu giá để tìm ra khung giá áp cho đất mặt tiền của khu phố này.

Chúng tôi có cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Dân, một trong những chủ nhân của 1/6 ki-ốt siêu mỏng nêu trên, ông khẳng định rất thiện chí trong việc hợp khối. Trong cuộc gặp tại UBND phường Nam Đồng cuối tháng 3, ông chỉ nhận được lời đề nghị mua diện tích 7,5m2 của mình với giá cao hơn giá Nhà nước 5 triệu đồng.

Trên địa bàn phường Nam Đồng vẫn còn hơn 20 trường hợp chưa thể thống nhất đi đến hợp khối. Có nhiều nguyên nhân, những trường hợp chúng tôi nêu ở trên chỉ là một vài ví dụ. Không chỉ riêng phường Nam Đồng, cũng trên tuyến đường Mới này nhưng ở phường Phương Liên cũng đang tồn tại những trường hợp tương tự. Cá biệt, có nơi người ta còn xây cả bức tường để giữ đất.

Nếu thành phố và các ngành chức năng không sớm đưa ra giải pháp thích hợp, không biết đến bao giờ nhà siêu mỏng mới được giải quyết

Cao Hồng
.
.
.