Hà Nội: Kiểm dịch gà còn mang nặng cảm tính

Thứ Hai, 17/01/2005, 08:55

Hiện nay, tại hầu hết các chợ, cách kiểm dịch gia cầm đều dựa vào việc phỏng vấn chủ gà lấy nguồn hàng từ đâu và nhận định gà "an toàn" thông qua  cách "trông mặt bắt hình dong". Gà được coi là khoẻ mạnh là gà có mào đỏ, mắt trong, còn gà bệnh là gà đứng ủ rũ, có dãi, mắt lờ đờ.

Cách kiểm dịch gà kiểu này còn rất nhiều kẽ hở vì chủ gà có thể khai gian nguồn gà, trà trộn các loại gà với nhau. Sáng 11/1, chúng tôi có mặt tại các chợ lớn trên địa bàn Hà Nội. Phần lớn các hộ kinh doanh đều khẳng định, mức tiêu thụ gà vẫn bình thường.

Theo quy định, gà được đưa về chợ đều có dấu kiểm dịch của thú y gắn trên lồng gà. Nhưng trên thực tế, để kiếm lời, nhiều người kinh doanh gà đã lén nhốt thêm gà nhập từ Trung Quốc vào các lồng.

Anh Vũ Anh Tuấn (Ban Quản lý chợ Hôm) trao đổi với chúng tôi: "Ngay chính cán bộ thú y cũng không thể phân biệt được đâu là gà Việt Nam, đâu là gà nhập lậu từ Trung Quốc về vì hình dáng bên ngoài của chúng giống hệt nhau".

Gà vẫn được vận chuyển và bán trên địa bàn Hà Nội.

Một cách rất đơn giản để quản lý nguồn gà là kiểm dịch dán tem lồng gà ngay tại hộ nuôi gia cầm, nơi gà được xuất đi bán, nhưng tiếc rằng ở đó lại chưa có cơ quan thú y nào thực hiện.

Ngoài số lượng gà được nhập tại các chợ đầu mối, chợ lớn, còn một số lượng lớn gà được tiêu thụ tại các chợ cóc. Đây chính là một trong những nguy cơ phát sinh dịch bệnh vì tại các điểm chợ cóc, việc kiểm dịch hầu như bị thả nổi.

Hà Nội hiện phải nhập 60% nguồn thực phẩm từ các tỉnh ngoài. Đây chính là một trong những nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất lớn. Qua khảo sát tại các chợ, chúng tôi thấy lông gà được các chủ hộ cho không người mua lông ngan, lông vịt.

Số lông gà này sẽ lại được vận chuyển về Hưng Yên và các tỉnh lân cận. Các bao lông gà, lông vịt bị "quên" không phun thuốc cứ thế ra khỏi chợ bắt đầu một "hành trình" mới.

Người bán gà tại các chợ hầu hết không đeo khẩu trang, găng tay như hướng dẫn của thú y. Nếu có dịch bệnh, họ sẽ là những người đầu tiên nhận rủi ro. Các chất dịch, nước rửa gà đều được xả thẳng xuống cống thải chính của chợ.

Hiện nay, tại các chợ, diện tích giết mổ tại các quầy đều rất chật. Nếu có khu giết mổ tập trung, nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ giảm. Đây là kiến nghị của các nhân viên thú y tại các chợ và của cả những chủ quầy kinh doanh gia cầm

Nam Chung
.
.
.