Hà Nội: Dự án nào cũng chậm, cơ quan chức năng lúng túng

Thứ Sáu, 19/10/2007, 08:00

Năm 2007, tổng mức đầu tư cho xây dựng cơ bản trên toàn TP Hà Nội là 7.867,3 tỷ, trong đó thuộc ngân sách thành phố là 6.692 tỷ và vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước là 6.493,2 tỷ. Nhưng qua 9 tháng, tổng mức chi cho xây dựng cơ bản mới đạt 2.142 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch.

Sáng 18/10, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội tổ chức giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố theo Nghị quyết của HĐND với hình thức chất vấn. Đây là lần đầu tiên HĐND thực hiện chất vấn giữa hai kỳ họp.

Tuy nhiên, hầu hết các thành viên đoàn giám sát và nhiều cử tri đều không hài lòng với phần trả lời chất vấn do thời gian chất vấn quá ngắn (chỉ trong buổi sáng), phần trả lời của các lãnh đạo UBND thành phố, sở vẫn còn chung chung, chưa chỉ ra những giải pháp cụ thể để giải quyết các tồn tại.

Tiến độ các công trình trọng điểm: Phải thay thế chủ đầu tư yếu kém

Năm 2007, tổng mức đầu tư cho xây dựng cơ bản trên toàn thành phố là 7.867,3 tỷ, trong đó thuộc ngân sách thành phố là 6.692 tỷ và vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước là 6.493,2 tỷ. Riêng vốn dành cho 5 dự án cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân, đường 5 kéo dài, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội, dự án mở rộng đường Láng - Hòa Lạc đã chiếm 3.563 tỷ đồng. Nhưng qua 9 tháng, tổng mức chi cho xây dựng cơ bản mới đạt 2.142 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Mạnh Hiển, các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do chỉ đạo các sở ngành đối với các chủ đầu tư thiếu kiên quyết. Một số quận, huyện chưa có chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt là chưa tháo gỡ những tồn tại của công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính. Một số chủ đầu tư còn yếu kém về năng lực điều hành và năng lực thực hiện dự án.

Tuy nhiên, theo ông Hiển, việc chậm giải ngân cũng có nguyên nhân khách quan như trong 9 tháng qua, biến động về giá vật liệu xây dựng đã tác động vào tổng mức đầu tư cộng với dự toán đầu tư đã được xác định. Một số nhà thầu gánh vác dự án lớn bị tác động mạnh.

Giải quyết vấn đề này, ngay từ đầu tháng 10, UBND thành phố đã tiến hành rà soát từng dự án, xác định tiến độ cụ thể từng công trình. Trong tháng 10 sẽ có cơ chế về GPMB, trong đó điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thành phố. Ngay đầu tháng 10, Chủ tịch UBND thành phố đã trực tiếp đi kiểm tra các công trình trọng điểm.

Phải di dân  nhà B6 Giảng Võ khẩn cấp như cứu hộ, cứu nạn

Nhiều khu chung cư đã xuống cấp, nguy hiểm nhưng khi triển khai các dự án xây chung cư mới lại "vấp" rất nhiều rào chắn, từ cơ chế đến tâm lý người dân, sự không đồng thuận giữa người dân và các chủ đầu tư.

Ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất (TNMTNĐ) Hà Nội cho biết, theo kết quả giám định của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng nhà khẳng định nhà B6 Giảng Võ không thể để người dân tiếp tục sống, rất nguy hiểm.

Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo quận Ba Đình khẩn trương tiếp xúc với người dân, thông báo tình trạng, sớm lập phương án để di chuyển các hộ dân ra khỏi đây.

Sở TNMTNĐ đã chủ trì cùng Sở Xây dựng, quận Ba Đình và quận Hai Bà Trưng thống nhất giám định, khẳng định khu nhà ở phường Thanh Lương có đủ điều kiện để chuyển các hộ dân từ B6 Giảng Võ đến ở.

"Đến cuối tháng 10, đầu tháng 11 sẽ triển khai di dân ra khỏi B6. Với những trường hợp khó khăn, chống đối thì sẽ phải xử lý hành chính kiên quyết chuyển các hộ dân ra khỏi khu nhà nguy hiểm", ông Hậu khẳng định. 

Đối với khu tập thể Nguyễn Công Trứ, các ngành chức năng và chủ đầu tư vẫn chưa thống nhất được phương án quy hoạch, kiến trúc dự án cải tạo chung cư Nguyễn Công Trứ nên dự án này vẫn chưa thể triển khai.

Các đại biểu yêu cầu thành phố phải có kế hoạch cụ thể đến 2010, người dân sẽ có mấy khu nhà mới để sinh sống? Ông Hậu cho rằng, khó nhất là thỏa thuận với hộ dân tầng 1. Ông Hậu khẳng định đến năm 2010, các dự án cải tạo, xây mới nhà chung cư ở Kim Liên, Thượng Đình và Nguyễn Công Trứ sẽ hoàn thành.

Kết thúc buổi chất vấn, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo khẳng định, từ tháng 11 sẽ hoàn thiện quy chế đầu tư tái thiết nhà, phê chuẩn thành quy định chung. Nhưng nhà nguy hiểm như B6 Giảng Võ thì không thể bàn bạc được, mà giống như cứu hộ cứu nạn, phải di dời theo luật.

Thành phố đã chuẩn bị quỹ nhà để di dời, còn một số hộ tầng 1 chưa muốn đi, đến một lúc sẽ phải buộc cưỡng chế hành chính, nếu không sẽ ảnh hưởng tính mạng, phải đảm bảo an toàn chung.

Sau 4 buổi làm việc, nhiều đại biểu vẫn chưa hài lòng với chất lượng buổi chất vấn bởi những vấn đề đang nổi cộm nhất của thành phố chưa được đề cập đến như ùn tắc giao thông, chính sách dãn dân, cấp sổ đỏ, giải phóng mặt bằng…

Tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long cũng ì ạch không kém. Trước những câu hỏi chất vấn của các đại biểu, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND thành phố lý giải, một số công trình như văn hoá cấp đặc biệt, như Bảo tàng HN cần rất nhiều thủ tục. Công tác quy hoạch làm chậm tiến độ như dự án nhà máy nước sử dụng nước mặt sông Hồng. Còn công trình đường vành đai 1 vướng GPMB đoạn từ ô Đông Mác đến đê Nguyễn Khoái.

Một số đại biểu đã đặt câu hỏi, nếu việc chậm tiến độ do năng lực của các chủ đầu tư thì thành phố cần có biện pháp, chế tài xử lý cụ thể từng cá nhân, đơn vị. Đơn cử như một số dự án thành phố đã có quyết định giao cho giám đốc các Sở làm chủ đầu tư công trình.

Các ý kiến đều thống nhất, nếu các chủ đầu tư yếu kém về năng lực thì sẽ chuyển đổi chủ đầu tư khác. Bởi trách nhiệm chính vẫn là từ các chủ đầu tư.

Ngọc Yến
.
.
.