Hà Nội: Cần sớm quản lý chặt dịch vụ cứu hộ giao thông

Thứ Năm, 05/03/2009, 14:35
Thực tế, khi tìm hiểu về những quy định hoạt động, quản lí, cấp phép, mức giá của cứu hộ giao thông, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên vì hoạt động này vẫn gần như bị thả lỏng. Ngoài con số trên dưới 15 xe cứu hộ của CSGT và Thanh tra giao thông, Đội đăng kí phương tiện (thuộc Phòng CSGT Công an Hà Nội) cho hay, không có một con số cụ thể về xe cứu hộ tư nhân.

Đội quản lí phương tiện lí giải, vì có thể, khi đăng kí, họ chỉ ghi xe có cần trục, cần cẩu chứ không nói rõ xe cứu hộ. Tương tự, đó cũng là câu trả lời mà chúng tôi nhận được từ Phòng Quản lí phương tiện (Sở GTVT Hà Nội). Theo ước tính của Phòng này, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 10 doanh nghiệp hoạt động cứu hộ với trên dưới 100 xe.

Đi tìm hiểu thực tế mới biết, điều kiện để hoạt động vận tải cứu hộ giao thông chỉ là có bằng kĩ sư ôtô. Giám đốc một doanh nghiệp cứu hộ vào loại sớm nhất của Hà Nội cho biết, trước đây, khi chính thức hoạt động, trong giấy phép đăng kí kinh doanh của doanh nghiệp này chỉ ghi là "dịch vụ kỹ thuật đặc biệt đường bộ". Mới đây, khi cứu hộ trở thành ngành kinh doanh chính, mới sửa giấy phép kinh doanh thành "Cứu hộ giao thông".

Cũng vì thế, theo vị này, hiện nay rất khó để xác định có bao nhiêu doanh nghiệp đăng kí hoạt động cứu hộ, với cụ thể bao nhiêu xe.

"Chẳng qua, những doanh nghiệp lớn hay ngồi lại với nhau, trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm, học hỏi nhau khi có mẫu xe mới, sự vụ đặc biệt nên chúng tôi ước tính Hà Nội, và một số tỉnh lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương... có trên dưới 20 doanh nghiệp hoạt động cứu hộ, với con số trên 200 xe, trong đó 95% là xe 2 tấn".

Đó là chưa kể, con số "ẩn giật" của những garage nhỏ lẻ, chỉ xuất hiện và ra đường cứu hộ khi có thời cơ, như trận lụt vừa qua, để "đục nước béo cò", làm mất uy tính của doanh nghiệp cứu hộ.

Thiết nghĩ, để hoạt động này sớm đi vào ổn định, quy mô, cơ quan chuyên ngành cần sớm xem xét việc xiết chặt quản lý đối với hoạt động cứu hộ giao thông, để những doanh nghiệp cứu hộ làm ăn chân chính có thể phát triển, còn người dân thì yên tâm hơn

T. Huyền
.
.
.