Hà Nội - Những nẻo đường xuân

Thứ Tư, 02/02/2011, 08:11
Chỉ không đầy nửa thế kỷ mà Hà Nội đã làm rạng rỡ gương mặt 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sau Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, người Hà Nội lại bước vào một thời kỳ mới trước một thế giới đầy biến động, thách thức và thuận lợi đan xen.

Với người Hà Nội, mùa xuân năm Bính Tuất - 1946 được ghi dấu là "Mùa xuân đầu đời Hà Nội". Người chính gốc Hà Nội cũng như người cư ngụ nhiều đời ở Hà Nội đều bảo thế! Cũng phải thôi, bởi từ mùa xuân này, người Hà Nội mới thực sự là những công dân của một quốc gia độc lập, tự tay cầm lá phiếu bầu cử Quốc hội, ngày 6/1/1946, khẳng định đất nước mình là một quốc gia có chủ quyền.

Các cụ cao niên kể rằng, mùa xuân năm ấy, người Hà Nội ăn Tết to hơn, và cũng chưa từng có cảnh người Hà Nội rủ nhau ăn Tết chung, và mở rộng cửa nhà mình trong ba ngày Tết. Trong nhà, ngoài phố pháo nổ râm ran, rắc cánh hồng trải khắp mặt đường. Dọc theo các tuyến phố, cờ đỏ sao vàng tầng thấp, tầng cao rạng rỡ sắc trời. Đêm xuân Hồ Gươm, pháo bông in hoa trên mặt nước, pháo thăng thiên kẻ vẽ màn mây.

Đứng trên ban công tầng 2 nhà số 8 phố Lý Thái Tổ, Bác Hồ ngắm cảnh đêm xuân đầu tiên Hà Nội. Ánh mắt Người cười. Bàn tay Người vẫy. Chưa bao giờ thấy Bác vui như thế, bởi lẽ sau 30 mùa xuân sống trên đất người, bây giờ Bác mới được sống lại một mùa xuân đậm đà bản sắc dân tộc. Những ngày vào xuân năm ấy, theo lời kêu gọi của Người, người dân Hà Nội tốp năm, tốp bảy, rủ nhau đi quyên tiền góp gạo, phá bỏ cái tệ xưa ràng buộc "Cơm ai người nấy ăn", "Đèn ai nhà nấy rạng" kề vai, sát cánh, chung lo việc nước.

Trước bàn thờ Tổ quốc, đơn sơ chỉ là lá cờ đỏ sao vàng, ảnh Cụ Hồ Chí Minh với khẩu hiệu "Tổ quốc trên hết" và bộ lư đỉnh đồng, các bà, các chị mang vàng đến, tháo cả đồ nữ trang - những kiềng, xuyến, dây chuyền, nhẫn, hoa tai, góp vào "Tuần lễ vàng kiến quốc". Cả trăm năm mới thoát đời nô lệ, nay mới có "Mùa xuân đầu đời", chẳng người Hà Nội nào xót của riêng tư. Có độc lập tự do rồi sẽ có tất cả, cốt sao vun bón cuộc đời để những mùa xuân Hà Nội lên đời bằng người...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tại lễ khai mạc 1000 năm Thăng Long.

Nhưng tiếc thay, sau mùa xuân ấy, người Hà Nội lại phải cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ để rồi mùa xuân Ất Mùi (1955) xôn xao tin Bác Hồ và Chính phủ trở về Thủ đô. Nội thành, ngoại ô, người Hà Nội tất bật chuẩn bị - chuẩn bị cho cuộc mít tinh lớn, tập dượt đội ngũ diễu hành theo từng khối. Các chàng trai, cô gái bảnh bao, duyên dáng, xắn quần, túm vạt áo dài đổ ra đường phố làm tổng vệ sinh, dọn bỏ tất cả những gì của một thời tạm bị chiếm còn đọng rớt lại.

Chiều đến, họ tụ họp tập hát, tập đàn, tập kịch, đón chào "Ngày xuân Hà Nội lên đời". Trung đoàn Thủ đô - những người con của Hà Nội - 9 năm kháng chiến gian khổ, dạn dày khói lửa, vốn quen với mũ nan lợp vải, lưới giắt lá ngụy trang, áo vải sợi đôi thô ráp, dép lốp cao su, bây giờ xúng xính trong quân phục mới, thắt lưng da, mũ cối, sao lon óng ánh, tập duyệt binh, đi đều, đi nghiêm, da chân rộp phỏng mà chỉ thấy vui được lên đời, được biểu dương lực lượng giữa Thủ đô trong mùa xuân lên đời... Còn các chiến sĩ An ninh - Biệt động thành Hà Nội, những gia đình cơ sở cách mạng bỗng cảm thấy mình lên đời khi không còn bị mật thám bám đuổi, rình rập, săn lùng; hoan hỉ lục tìm tất cả những gì phải cất giấu trong gần 3.000 ngày để trưng bày cho thỏa nỗi khát khao.

Có một câu chuyện diễn ra ngày ấy, giờ đây kể lại khiến ai cũng xúc động. Đó là chuyện ông Bùi Hưng Gia, chủ cửa hiệu Di Đà ở phố Hàng Trống, một nhà tư sản cỡ lớn ở Hà Nội. Đến bây giờ người ta mới biết gia đình ông là cơ sở đi về, là nơi che chắn cán bộ kháng chiến nội thành. Ngày đại quân ta về tiếp quản Thủ đô, ông kéo con cháu lên tầng thờ Phật tổ cốt để cho xem khung ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập và lá cờ đỏ sao vàng mà ông đã cất giấu kỹ càng từ ngày kháng chiến toàn quốc (19/12/1946). Ông mở chai sâm banh và nói:

- Ta chúc mừng Cụ về Thủ đô. Ta chúc mừng mùa xuân này Hà Nội lên đời. Sung sướng quá!

Và suốt ngày hôm ấy, ông đi vận động các công thương gia - các nhà tư sản Hà Nội lập thành một khối diễu hành trong ngày xuân đón Bác Hồ... Cũng trong ngày vui ấy, cụ Độ ở Cao Bá Quát, ông Đào Văn Hưng ở phố Hàng Vải và nhiều "ông Ký", "ông Phán" bây giờ là công chức lưu dung cũng thổ lộ tâm tình đều chung một ý lớn.

Đại lễ hội thơ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Ngày xuân ấy 1/1/1955 nhìn cảnh duyệt binh - diễu hành, người Hà Nội và các tỉnh lân cận Hà Đông, Bắc Ninh, Hà Nam... đứng chật hè phố, lề đường, hò reo, vẫy cờ, tung hoa, tôi đã thấy biết bao người miệng cười mà ánh mắt cứ rưng rưng...

Ký ức Hà Nội, về những mùa xuân, không chỉ riêng Hà Nội, mà cả nước tự hào khi nhắc đến mùa xuân Quý Sửu - 1973, sau hơn năm, trải qua hàng trăm cuộc họp kín, họp mở, Hoa Kỳ đã buộc phải đặt bút ký Hiệp định Paris (27/1/1973) cuốn cờ rút khỏi đất nước ta, sau trận hàng chục pháo đài bay B52 của chúng tan xác trên bầu trời Hà Nội. Trận quyết chiến - chiến lược ấy đã đập tan dã tâm xâm lược của đế quốc Mỹ. Hà Nội và miền Bắc đã không trở về thời kỳ đồ đá như họ từng huênh hoang tuyên bố, mà đã vút lên đỉnh cao trong tầm nhìn của thế giới, chói sáng trên bầu trời châu Á - Thái Bình Dương, làm nên "Mùa xuân huy hoàng Hà Nội".

Từ khắp năm châu trên trái đất này, bạn bè và những người có lương tri trên thế giới tới tấp gửi lời chúc mừng Hà Nội, chúc mừng Việt Nam, chúc mừng đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chiến thắng kẻ thù sừng sỏ nhất thế giới trong thế kỷ XX. Hà Nội của chúng ta là thế! Trong chiến tranh là tọa độ lửa, trong chiến thắng là tọa độ của lương tâm, phẩm giá con người. Những phi công lái máy bay Mỹ đã phải thốt ra cửa miệng khi ở trại giam chúng mệnh danh là "Hintơn - Hà Nội". Nhiều người khi trở về Mỹ đã gửi lời tri ân được thức tỉnh lương tâm từ Hà Nội.

Hà Nội của chúng ta là thế! Trong chiến thắng huy hoàng, càng nhận thức rõ "Cả nước vì Hà Nội - và Hà Nội có nghĩa vụ với cả nước". Trong mùa xuân huy hoàng ấy, những đoàn quân, những chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô năm xưa, và những chàng trai tuổi 20 Hà Nội, đã hăm hở đi mở đường xuân theo lời dạy của Bác Hồ. Mỹ đã cút, ngụy đã nhào để... "Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn". Con đường hướng tới miền Nam. Cái đích phải đến là Sài Gòn. Và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm Ất Mão - 1975 đã là niềm tự hào của cả dân tộc, là mùa xuân thời đại, rực rỡ tên vàng "Việt Nam - Hồ Chí Minh".

Vui sướng và tự hào biết mấy Hà Nội ơi! Chỉ không đầy nửa thế kỷ mà Hà Nội đã làm rạng rỡ gương mặt 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sau Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, người Hà Nội lại bước vào một thời kỳ mới trước một thế giới đầy biến động, thách thức và thuận lợi đan xen. Những người nước ngoài đến Việt Nam - Hà Nội, từ các nguyên thủ quốc gia, các chính khách, nhà đầu tư đến du khách đều chung nhận xét... "Hà Nội Việt Nam ngày nay là nơi ổn định - an toàn, là nơi đáng tin cậy nhất". Trong sự ổn định và an toàn đó, Hà Nội được đóng vai trò tiên phong, tiến vào công nghiệp hóa - hiện đại hóa mở đường Xuân thế kỷ với tất cả những gì là truyền thống và tinh hoa của người Hà Nội, để là tấm gương trong cho cả nước soi chung.

Cứ mỗi mùa xuân đến, mỗi người chúng ta lại xao xuyến, tự hào biết mấy về những chặng đường xuân huy hoàng Hà Nội!

Tùng Thanh (Báo CAND Tết 2011)
.
.
.