Hà Nội (mới) chính thức đi vào hoạt động: Bộn bề công việc cần làm ngay

Thứ Sáu, 01/08/2008, 14:18
Trong ngày đầu tiên Nghị quyết của Quốc hội về mở rộng Thủ đô Hà Nội chính thức có hiệu lực, kỳ họp đầu tiên của HĐND TP sau khi sáp nhập đã khai mạc. Bộn bề công việc được đặt lên bàn nghị sự, hàng loạt quyết sách mới về những vấn đề quan trọng của Thủ đô trong thời gian tới sẽ được 162 đại biểu bàn thảo kỹ lưỡng.

Ổn định bộ máy nhân sự

Kỳ họp hợp nhất HĐND TP Hà Nội và tỉnh Hà Tây (nhiệm kỳ 2004-2009) sẽ diễn ra trong hai ngày 1 và 2/8. Ngày làm việc đầu tiên sẽ được dành trọn để các đại biểu HĐND bầu các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên thường trực HĐND, trưởng, phó, thành viên các ban HĐND và bầu các chức danh của UBND (chủ tịch, các phó chủ tịch, thành viên UBND).

Theo bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, trong ngày 2/8, các đại biểu sẽ tập trung vào các nội dung quan trọng: Công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh liên quan; thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ KT-XH, điều chỉnh ngân sách TP Hà Nội 5 tháng còn lại năm 2008.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, khi hợp nhất Hà Nội - Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và một số xã của Lương Sơn (Hòa Bình), số lượng biên chế các cấp sẽ được giữ nguyên để đảm bảo tính ổn định trong công tác điều hành bộ máy Hà Nội mới.

Bộ Chính trị cũng đã cho phép Hà Nội tăng cường thêm 1 Phó Bí thư và 1 Phó Chủ tịch tại các quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội mới, trong đó Phó Bí thư phụ trách công tác cơ sở Đảng, Phó Chủ tịch phụ trách đô thị.

Những con dấu quan trọng đã đổi xong trong ngày 31/7

Đúng 8h sáng 31/7, các đơn vị hành chính sự nghiệp của tỉnh Hà Tây như Văn phòng Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh và các Sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể cấp tỉnh Hà Tây đã nộp con dấu cũ về Phòng PC13 - CATP Hà Nội. Ước tính, sẽ có khoảng 20.000 con dấu các loại được thu hồi để cấp và đổi mới.

Theo ông Lưu Tiến Định, Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội, toàn bộ con dấu của các cơ quan, đơn vị hành chính hợp nhất với Hà Nội sẽ được đổi vào cuối chiều 31/7. Và từ ngày 1/8, tất cả các đơn vị này đều phải sử dụng con dấu mới theo quy định. Tuy nhiên, theo ông Định, do số lượng con dấu quá lớn nên một số đơn vị sẽ có thêm thời gian chuyển tiếp được phép dùng con dấu cũ.

Theo quy định của Bộ Nội vụ, đối với cấp huyện, xã thuộc tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc), 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), trong thời gian chờ khắc và đổi con dấu mới tiếp tục được sử dụng con dấu hiện hành trong khi giao dịch, xử lý công việc liên quan đến người dân. UBND TP Hà Đông, TP Sơn Tây và UBND các phường, xã thuộc hai thành phố này cũng sẽ tiếp tục sử dụng con dấu hiện hành đến khi Chính phủ có quyết định mới về tổ chức và tên gọi của hai thành phố nói trên.

Nhiều cơ quan chưa kịp di chuyển trụ sở trước 1/8

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc cho biết, từ 1/8, bộ phận một cửa, văn thư của Sở sẽ chính thức hoạt động tại 38 Tô Hiệu, TP Hà Đông. Tại đây sẽ có 2 Phó Giám đốc Sở (1 của Sở NN&PTNT Hà Nội (cũ) và 1 của Sở NN&PTNT Hà Tây) thường trực để tiếp dân, giải quyết những vấn đề liên quan. Tuy nhiên, do đơn vị đang ở trụ sở 38 Tô Hiệu trước đây là Sở Tài chính tỉnh Hà Tây chưa hoàn thành việc di chuyển đến trụ sở mới nên các phòng, ban khác của Sở này vẫn chưa thể di chuyển đến. Ngay cả Hội Nông dân TP Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự phải chờ đợi để chuyển đến trụ sở mới.

Thủ đô Hà Nội (mới) sẽ có 334.470,02ha diện tích đất tự nhiên và 6.232.940 nhân khẩu, được hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Lĩnh (Vĩnh Phúc) và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (huyện Lương Sơn, Hòa Bình). Mật độ dân số 1.863 người/km2 (trước đây là 3.490 người/km2), Hà Nội (mới) sẽ có thêm 2 dân tộc thiểu số là dân tộc Dao và dân tộc Mường. Thủ đô Hà Nội (mới) sẽ có 29 đơn vị hành chính cấp quận, huyện (bao gồm cả hai TP Hà Đông và Sơn Tây).

Ngày 30/7, UBND TP Hà Nội (cũ) và UBND tỉnh Hà Tây đã tiếp nhận 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Trung và Yên Bình của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) về với Hà Nội (mới). Theo đó, toàn bộ địa giới hành chính của xã Đông Xuân sẽ được sáp nhập vào địa giới của huyện Quốc Oai (thuộc tỉnh Hà Tây hiện nay). Ba xã còn lại là Tiến Xuân, Yên Trung và Yên Bình sẽ sáp nhập vào huyện Thạch Thất (thuộc tỉnh Hà Tây hiện nay).

Ngọc Yến
.
.
.