Giúp việc gia đình sẽ là hoạt động chuyên nghiệp

Thứ Ba, 23/08/2011, 09:09
Sau nhiều tranh cãi và quan điểm khác nhau về nghề lao động giúp việc gia đình (GVGĐ), tới đây Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ chính thức đưa các quy định cụ thể, có tính chất pháp lý, để quản lý loại hình công việc đang ngày càng có nhu cầu lớn trong xã hội.

Đây sẽ mở ra cơ hội để hình thành một thị trường lao động GVGĐ lành mạnh, có lợi cho cả người thuê và người làm nghề GVGĐ. Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Đức San, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, lâu nay người lao động GVGĐ vẫn chỉ là hoạt động đơn lẻ, tự phát, dựa vào nhu cầu. Bộ LĐ-TB&XH đã có điều tra số lượng người GVGĐ hay chưa? Và khi được đưa vào Bộ luật Lao động thì hoạt động GVGĐ sẽ được điều chỉnh như thế nào?

Ông Đặng Đức San:  Hiện tuy đã có một số cuộc điều tra về số lượng người GVGĐ nhưng kết quả chưa đáng tin cậy. Chắc chắn trong thời gian tới sẽ phải có điều tra tổng thể. Đưa vấn đề này vào Bộ luật, phải đưa ra được khái niệm thế nào là người giúp việc gia đình? Quan niệm về GVGĐ? Họ vào làm việc với nhà chủ dưới hình thức nào?

Người giúp việc gia đình sẽ được đào tạo và được đảm bảo quyền lợi, chế độ như những công việc khác.

Điều quan trọng là khi đưa vào Bộ luật thì hoạt động thuê người GVGĐ cần phải có hợp đồng lao động giữa hai bên, đồng thời người GVGĐ cũng phải được đóng và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Ở đây Bộ luật chỉ điều chỉnh những người làm nghề GVGĐ là người đi làm thường xuyên và hưởng lợi từ nghề này.

PV: Như vậy thì có thể thấy rõ là GVGĐ sẽ được công nhận là một nghề chính thức được pháp luật bảo vệ?

Ông Đặng Đức San: Phải coi những người GVGĐ là những người lao động như những người lao động khác đi làm việc ở công trường, nhà máy. Người thuê phải đối xử bình đẳng, và người giúp việc phải có trách nhiệm và phải được đào tạo.

PV: Đào tạo lao động GVGĐ chắc chắn là một hướng đi đúng để có được đội ngũ GVGĐ chuyên nghiệp, nhưng nếu đào tạo thì sẽ đào tạo ở đâu? Và sẽ có những cơ chế nào để những người làm nghề này chịu đi học khi mà trước đây có một số trung tâm mở ra đào tạo mà không có người theo học?

Ông Đặng Đức San: Hiện nay có nhiều trung tâm đã đào tạo người GVGĐ. Người ta đã dạy từ những công việc nhỏ nhất như quét nhà, rửa bát… Tất cả những công việc nhà, việc lái xe, đưa đón các thành viên trong gia đình nhà chủ… cũng cần có kỹ năng. Có nghề đó thì sẽ hình thành những trung tâm để đào tạo.

Hơn nữa khi có những quy định rõ ràng trong Bộ luật Lao động sửa đổi, đồng thời sẽ được cụ thể hóa trong Nghị định về người GVGĐ thì xã hội sẽ có những thay đổi. Những người làm nghề này cũng sẽ thay đổi quan điểm và đi học để làm nghề. Nghề này là công việc thường xuyên và họ được hưởng lợi từ nó. 

PV: Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực, thì hoạt động thuê người giúp việc gia đình sẽ được điều tiết như  thế nào, thưa ông?

Ông Đặng Đức San: Sau khi có quy định tại Bộ luật, thì hoạt động này sẽ phải có văn bản chặt chẽ. Vì lao động GVGĐ là loại hình công việc khá đặc biệt, dễ bị lạm dụng. Người GVGĐ gần như là người nhà của chủ nhà, chứ không giống như các lao động khác.

Ví dụ như công nhân thì làm việc hết giờ là về, còn đằng này người giúp việc được chủ nhà giao toàn bộ nhà, ở trong nhà chủ cả ngày, cả đêm. Thế nên càng cần có sự ràng buộc về mặt pháp lý và người GVGĐ phải thực sự chuyên nghiệp. Hai bên phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản.

Hiện tại, các quy định về GVGĐ vẫn đang được các cơ quan liên quan xây dựng Bộ luật vẫn đang bàn về việc hợp đồng bằng văn bản, hay hợp đồng bằng miệng. Tuy nhiên, chúng tôi đang hướng về hợp đồng bằng văn bản. Còn những lao động GVGĐ mà hai bên thỏa thuận chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, có tính chất tạm thời, thì cũng sẽ có quy định có thể hợp đồng bằng miệng.

PV: Vấn đề được nhiều người quan tâm là những điều khoản gì sẽ được quy định trong hợp đồng lao động GVGĐ để người làm nghề này yên tâm họ được bảo vệ hơn?

Ông Đặng Đức San: Đấy là quy định về thời giờ làm việc. Người thuê lao động GVGĐ phải dành cho người GVGĐ thời gian nghỉ phép, có ngày nghỉ. Trong trường hợp người GVGĐ có nhu cầu đi học, chủ sử dụng phải tạo điều kiện. Theo tôi đối xử tốt với người giúp việc thì chủ sử dụng sẽ có lợi cho họ. Trong hợp đồng cũng sẽ có quy định rõ về trách nhiệm của người GVGĐ.

PV: Vậy thì nếu có tranh chấp giữa chủ sử dụng và người GVGĐ thì tòa án nào sẽ đứng ra giải quyết?

Ông Đặng Đức San: Khi xảy ra tranh chấp, nếu là vấn đề tranh chấp lao động, thì ra tòa án lao động, tranh chấp dân sự thì ra tòa dân sự

Thu Uyên (thực hiện)
.
.
.