Giữa mùa lũ, miền Trung đã phải lo hạn nặng

Thứ Ba, 18/12/2012, 13:37
Mặc dù chưa kết thúc mùa mưa bão nhưng miền Trung lại đang phải hứng chịu đợt khô hạn gay gắt. Sự bất thường của thời tiết đang khiến người dân các địa phương này lo ngại, họ sẽ phải trải qua đợt hạn hán lịch sử tái diễn của mười năm trước với thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ông Bùi Minh Tăng cho biết, mặc dù mùa mưa ở Trung Bộ đến giữa tháng giêng mới kết thúc, tuy nhiên khó có khả năng còn xảy ra mưa lũ lớn, do vậy các hồ đập thuỷ lợi và thuỷ điện hầu như không còn lượng nước bổ sung.

Thậm chí, trong mùa lũ, dòng chảy trung bình tháng trên hầu hết các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên đều nhỏ hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 45-50%, một số tỉnh nhỏ hơn tới 70% như tỉnh Hà Tĩnh, các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa. Dòng chảy trên sông Mê Kông luôn thiếu hụt hơn so với TBNN từ 10-40%. Đỉnh lũ tại các trạm thượng nguồn sông Mê Kông thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 0,5-1,5m.

Nông dân miền Trung lại đối mặt với nguy cơ mất mùa vì hạn hán.

Đặc biệt, ở khu vực Trung Bộ từ nay đến tháng 2, do đã về cuối mùa mưa, nên khả năng xảy ra mưa lũ lớn gần như không có. Như vậy, các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên sẽ phải chịu đựng cảnh hạn hán, thiếu nước gay gắt từ nay đến tháng 9. Dòng chảy trên các sông tiếp tục bị thiếu hụt nghiêm trọng, do vậy hạn hán sẽ diễn ra trên diện rộng kết hợp với xâm nhập mặn xuất hiện sớm và sâu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất.

Còn theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, số đợt mưa tại các tỉnh Trung Bộ năm nay ít, riêng trong 2 tháng mùa mưa (tháng 10 và 11) từ Quảng Trị đến Ninh Thuận tổng lượng mưa thiếu hụt từ 70 - 90% so với TBNN. Do mưa ít, nên dòng chảy trung bình mùa lũ năm 2012 trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận thấp hơn nhiều năm khoảng 57%, đặc biệt trong 2 tháng mùa lũ trên các sông ở khu vực này hầu như không có lũ về, dòng chảy thiếu hụt từ 60 - 80%.

Cũng bởi vậy mà các hồ chứa thuỷ lợi đều nằm trong tình trạng “đói” nước từ 30 – 50%, các tỉnh Tây Nguyên thiếu từ 15 - 30% so với dung tích thiết kế. Đặc biệt các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đăk Lăk thiếu hụt tới 60 - 80%. Với kế hoạch gieo cấy 610.000 ha vụ Đông xuân, vụ mùa 354.000 ha và vụ hè thu 370.000 ha thì lượng nước hiện tại của khu vực miền Trung và Tây Nguyên này sẽ không thể đảm bảo cung cấp đủ. Thậm chí, ngay từ vụ Đông xuân, lượng nước để tưới tiêu đã thiếu hụt.

Trong buổi họp tại Bộ NN&PTNT mới đây, ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Bình Định cho biết, địa phương này là địa phương bị hạn nặng nề nhất. Trong số diện tích lúa đã xuống giống của Bình Định, đã có gần 11.000 ha đã bị thiếu nước, người dân phải dùng các biện pháp bơm tưới và đến cuối vụ nếu không có mưa thì diện tích bị thiếu nước sẽ tăng lên trên 20.000 ha.

Bên cạnh đó, diện tích cây trồng cạn toàn tỉnh có 12.000 ha thì khả năng khô hạn tới 6.000 ha. Trước tình hình hạn hán được dự báo nghiêm trọng trong năm 2013, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các địa phương phải xây dựng kịch bản chống hạn, xâm nhập mặn; nghiêm túc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng theo hướng thích nghi với tình hình thiếu nước tưới.

Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo Tổng cục Thuỷ lợi phải nắm bắt được tình hình hạn hán để tham mưu cho Bộ trong công tác chỉ đạo chống hạn, đồng thời phối hợp với Tập đoạn Điện lực Việt Nam lên lịch mở nước và thông báo cho người dân biết, đây là biện pháp rất quan trọng

Chi Linh
.
.
.