Giữ ”mắt biển” trên đỉnh núi Hai Cô

Chủ Nhật, 05/09/2010, 11:30
Do quen với việc đi lại trên đường trường bằng phẳng nơi phố thị nên hành trình xuyên rừng vượt núi của chúng tôi lên đỉnh Hai Cô thăm 5 chàng "lính ngự lâm" ngày đêm giữ cho mắt biển luôn rực sáng, khá gian nan.

Ông Mai Xuân Thủy, trưởng làng chài Hồ Đắng nằm đối diện cửa rừng vào đỉnh núi, người tình nguyện dẫn đường đi trước vừa dùng rìu phạt bụi rậm mở lối vừa khích lệ tinh thần mọi người: "Bận nào lên núi cũng vất vả hết đó. Mùa nắng thì khô cổ họng, còn mưa thì muỗi mòng, rắn rết tùm lum. Nhưng khi đến đích, cảm giác ngồi giữa gió mây lồng lộng nghe anh em trên ấy kể chuyện mắt biển thú vị lắm!".

Ngọn đèn không tắt

Núi Hai Cô thuộc địa phận xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là một phần trong quần thể Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu. Tuy nằm trên tuyến đường được nhiều khách lữ hành gọi thi vị là "cung đường bồng lai" vì đi ngang qua những khối núi trùng điệp với nhiều dáng hình kỳ lạ, phía đối diện là những bãi bờ hoang sơ quanh năm sóng vỗ rì rào… nhưng hầu như chẳng ai biết được phía sau cánh rừng rậm rì kia, trên đỉnh núi cao khoảng 100m so với mặt biển có những người đàn ông quanh năm sống trong tòa nhà cổ được xây dựng từ thời Pháp thuộc, làm nhiệm vụ canh giữ ngọn đèn hải đăng có tên gọi Ba Kiềm đặng soi đường dẫn lối cho tàu thuyền ngoài khơi xa.

Ngày lại ngày, những người "lính" giữ đèn biển dẫn lối chính xác tàu thuyền nơi khơi xa.

Chợp mắt khoảng 30 phút sau bữa cơm dã chiến cùng cư dân làng chài với cá đánh bắt từ biển tươi roi rói và rau xanh các loại hái ven rừng xanh um trông rất bắt mắt, chúng tôi cùng ông Thủy rời làng chài Hồ Đắng, băng ngang đường, từ từ dấn sâu vào khoảng rừng mênh mông trước mặt.

Lúc này 2h chiều, dù bị cây rừng tầng tầng lớp lớp che chắn nhưng những vạt nắng chói chang vẫn phát huy uy lực với tiết trời hanh khô đến ngột ngạt. Nhiều năm sống bên biển bên rừng đã cho ông Thủy nhiều kinh nghiệm đi rừng. Ông chặt và phân phát cho chúng tôi những cây gậy dài khoảng 1,5m dặn khi đi thì vạt mạnh hai bên để rắn độc nghe động mà lủi vào sâu, gặp đoạn dốc thì chống gậy lấy sức, ai leo không nổi thì cứ nắm đầu gậy để bạn kéo đi.

Vượt rừng khoảng 100m đầu, chúng tôi bắt gặp một tấm bảng ghi dòng chữ "Trạm hải đăng Ba Kiềm" cùng mũi tên chỉ thẳng vào lối mòn càng vào sâu càng lên cao. Chờ mọi người chụp hình lưu niệm xong, ông Thủy bảo mọi người còn 2km đang chờ phía trước và giục mọi người tích cực dấn bước bởi nếu xuống núi lúc tối trời rất nguy hiểm, vì đó là thời điểm rắn độc ra khỏi hang săn mồi, muỗi mòng tích cực đeo bám mùi người để hút máu.

Lầm lũi bám chân ông Thủy qua nhiều mô đá nhấp nhô, qua những ghềnh gộp rễ cây vắt ngang đường còn vương vãi mảng da của những con rắn hổ chúa lột vào giai đoạn tăng trưởng, khi cảm giác rờn rợn xâm chiếm, khi cổ họng khát khô do nước mang theo không còn nữa và khi cái chân không thể nhấc nổi với cơ thể mệt mỏi, rã rời thì chúng tôi đặt chân lên bậc đá cuối cùng của đỉnh núi Hai Cô.

Đó là một quần thể gồm nhiều ngọn núi và "tòa lâu đài" mà nhiều người đồn đại áng trên khối núi lớn nhất. Đón khách giữa khung cảnh bình yên, lộng gió khá lãng mạn, đưa chúng tôi đi thăm tòa nhà, anh Võ Ngọc Dương, trạm trưởng tâm tình chưa khi nào các anh đón nhiều khách đông vui như hôm nay và khái quát những thông tin cơ bản về nguồn gốc của ngọn hải đăng: "Theo lịch sử của ngành Hàng hải, hải đăng có nguồn gốc từ đất nước Hy Lạp. Thời cổ, trước lúc ra khơi, người đi biển hẹn thời gian quay về và dặn người nhà đốt lửa làm tín hiệu cho họ định hướng vào bờ. Do quá nhiều gia đình đốt lửa nên người đi biển khó xác định, thế nên họ sáng chế cách báo hiệu bằng ngọn đèn. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, từ được đốt bằng than củi, khí gas, sau này đèn biển mà anh em chúng tôi quen gọi mắt biển hoạt động bằng năng lượng mặt trời, máy phát điện".

Lên trên đỉnh ngọn hải đăng, nơi có mắt bắt là những thấu kính khổng lồ được ghép chặt vào nhau nhiều năm qua vẫn lặng lẽ ngày đêm soi đường dẫn lối cho người đi biển, anh Dương cho biết tùy vùng biển, độ cao, tầm chiếu xa ở mỗi vùng mà ngành Hàng hải quy định màu sắc, chu kỳ chớp nháy của ngọn đèn mỗi nơi khác nhau. Với ánh sáng phát ra từ Hải đăng Ba Kiềm, ghe tàu ở cách bờ 30km vẫn nhìn thấy rõ. "Ban ngày, người đi biển căn cứ vào màu sắc của ngọn đèn để định hướng vị trí, biết mình ở hải phận nào, khoảng cách bao xa. Còn ban đêm thì căn cứ tín hiệu đèn chiếu xa. Hải đăng là ngọn đèn không bao giờ tắt".

Đường lên Hải đăng Ba Kiềm (Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải II).

Tâm tình người giữ đèn

Trạm Hải đăng Ba Kiềm có 5 anh em đến từ 3 miền Bắc - Trung - Nam. Tuy quê quán, độ tuổi, hoàn cảnh mỗi người mỗi khác nhưng cả thảy anh em đều có điểm chung yêu công việc cũng như cuộc sống bình dị gắn bó với thiên nhiên, với sóng gió rì rào không khi nào dứt. Người lớn tuổi và thâm niên nhất là anh Lê Nguyên Phú (53 tuổi) với gần 30 năm giữ đèn tại nhiều trạm hải đăng trên khắp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Nhỏ tuổi nhất là anh Trần Nam Giang, chưa đến 30 tuổi nhưng cũng có gần 10 năm bám đèn bám núi. Anh Phạm Văn Lân, tổ trưởng tổ vệ sinh đèn biển tâm tình, anh em đều có vợ con ở thành phố Vũng Tàu, thị xã Bà Rịa nhưng thường thì nửa tháng, có khi cả tháng trời mới gặp mặt do đặc thù công việc vừa bảo vệ, duy trì ánh sáng của ngọn đèn vừa làm nhiệm vụ duy tu trạm, phát quang cây rừng, bụi rậm…

Anh nói: "Ngày làm việc của chúng tôi bắt đầu từ 0h mỗi ngày. Về đêm đòi hỏi anh em trong ca trực phải thức để giữ cho đèn luôn chớp nháy theo chu kỳ. Nếu chỉ cần một chút lơ là, bất cẩn, ánh đèn không chớp thì tàu thuyền sẽ mất phương hướng, hậu quả sẽ rất khó lường. Vào mùa khô, công việc không đến nỗi vất vả nhưng khi mưa xuống, những đêm giữ đèn rất gian nan. Bước ra khỏi phòng, cứ mỗi lần leo giàn lên đến mắt biển thì gió thổi mạnh như muốn hất mình bay đi xuống vực thẳm".

Trạm trưởng Võ Ngọc Dương cho biết thiên nhiên trên đỉnh Ba Cô rất khắc nghiệt với 6 tháng nắng, 6 tháng mưa. Mùa nắng không khí khô khốc đến rạc người. Để tiết kiệm nước (bể hứng vào mùa mưa), các anh phải rời núi xuống làng chài Hồ Đắng tắm giặt nhờ. Mùa mưa, nước ngọt được sử dụng thoải mái nhưng lại lo chuyện gió, lốc.

Nhất là vào mùa gió chướng vào 3 tháng cuối năm, cuồng phong từ đại dương thổi vào ầm ầm mang theo sương muối, hanh khô rất khó chịu. "Mưa xuống cũng là lúc các loài côn trùng như muỗi mòng phát triển, lại có sự hiện diện lúc nhúc của nhiều loài rắn độc. Ở đây rắn nhiều vô kể, mà toàn các loài rắn hổ dữ dằn không hà. Giữa đêm rắn bò vào trạm kể sao cho hết chuyện. Cũng may là rắn độc nhưng hiền, ngửi mùi người là chúng bỏ đi thôi".

Anh Nguyễn Việt Nhân, tổ trưởng tổ công đoàn, thì có tâm tình khác. Anh nói từ khi bước chân vô nghề gác đèn, thời gian mà các anh ở bên mắt biển nhiều gấp trăm, gấp ngàn lần thời gian dành cho vợ con. "Như mình còn đỡ bởi có bà xã làm chung nghề hiện gác đèn ở biển Vũng Tàu nên thấu hiểu, sẻ chia công việc với chồng. Với các anh em còn lại, ai cũng có những nỗi niềm riêng. Có anh vợ hai lần chuyển dạ nhưng chưa khi nào ở cạnh bên lúc bà xã "đi biển".

Dứt lời, anh chuyển giọng hóm hỉnh: "Cũng may trước khi tiến hành lễ cưới tụi mình làm công tác tư tưởng chu đáo nên các bà cảm thông. Chứ có người chồng đi biền biệt, việc lớn việc nhỏ gì đều do mình gánh vác, lúc cần sẻ chia, khích lệ thì cũng chỉ vò võ một mình, nếu không thương chồng thì có người vợ nào chấp nhận cảnh sống như vậy".

Chuyến vượt núi thăm ngọn hải đăng Ba Kiềm hôm ấy đã mang đến cho chúng tôi những xúc cảm rất lạ về tình đất, tình người cũng như cảm được lòng yêu nghề và nỗ lực vượt khó, tình cảm đồng nghiệp chân thành của những người "lính" giữ đèn trên đỉnh núi Hai Cô. Chiều tà, mọi người trong đoàn bùi ngùi rời ngọn hải đăng, mang theo ánh nhìn lưu luyến và đôi tay vẫy chào tiễn biệt không ngừng của trạm trưởng Võ Ngọc Dương.

Lúc này trời xâm xẩm tối, cả đoàn xuống núi chẳng ai nghĩ ngợi gì đến chuyện rắn độc đón đường, bởi có lẽ trong tâm khảm mọi người, hình ảnh 5 chàng "lính ngự lâm" ở "pháo đài" Ba Kiềm đang lung linh, như mắt thần đang rực sáng soi đường dẫn lối cho tàu thuyền trên biển

Nguyễn Thành Dũng
.
.
.