Giữ gìn di sản văn hoá

Thứ Năm, 14/08/2008, 11:14
Đưa chúng tôi về thôn Đắk Son II, xã Phú Văn, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước anh Điểu Sơn - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Phú Văn cho biết: "Thôn Đắk Son II có 150 hộ, 885 người là đồng bào dân tộc Stiêng. Có nhiều gia đình Stiêng có tới 9 - 10ha điều hoặc các loại cây ăn trái khác. Thu nhập bình quân 50 triệu đồng/người/năm, nhiều hộ đã xây được nhà. Ở thôn Đắk Son II, số hộ Stiêng nghèo còn rất ít.

Điều đáng mừng là người Stiêng ở đây rất có ý thức việc giữ gìn di sản văn hóa dân tộc. Họ xem đây vừa là thực hiện công tác bảo tồn vừa là trách nhiệm phải lưu giữ những giá trị đích thực tinh thần của cha ông đã tạo nên qua bao đời mới có".

Ở thôn Đắk Son II vẫn còn 12 hộ Stiêng giữ được cồng chiêng trong nhà. Hồ hởi khi thấy khách muốn tìm hiểu về việc gia đình mình lưu giữ cồng chiêng, ông Điểu Xá đưa chúng tôi vào một căn phòng, chỉ vào bộ cồng chiêng cổ rồi khoe: "Bộ cồng chiêng này đã có từ trước năm 1900, do ông bà tổ tiên tôi lưu truyền lại. Nó là của quý nên dù nghèo khổ đến đâu cũng phải giữ lại cho con cháu. Bán đi là có tội với già làng, với bà con trong thôn sóc và với tổ tiên. Chỉ những ngày lễ hội lớn, tôi mới mang bộ cồng chiêng này ra sử dụng. Xong, lau sạch rồi mang cất kỹ".

Rời nhà Điểu Xá, anh Điểu Sơn đưa chúng tôi đến nhà bà Điểu Thị Rơm. Tuy đã 68 tuổi nhưng bà Rơm trông rất khoẻ mạnh, căn nhà ông bà Rơm đang ở có cấu trúc hiện đại vào loại nhất nhì trong thôn. Bên cạnh những vật dụng đắt tiền trong nhà, bà Rơm còn có một tài sản vô giá nữa, đó là khung dệt vải thổ cẩm.

Hàng ngày, ngoài việc lên nương rẫy, chăn dắt 10 con trâu béo khoẻ, bà Rơm còn rất chú tâm tới việc đan quì và dạy cách dệt thổ cẩm cho con cháu trong nhà và những thiếu nữ Stiêng trong thôn Đắk Son II.

Bà Rơm tâm sự: "Càng già, càng thấy ca dao, sử thi của người Stiêng là hay và nhiều ý nghĩa. Những lời hát ru của mẹ năm xưa lúc nào cũng còn vang vọng trong tôi. Thế nhưng, bọn trẻ ngày nay còn ít người biết. Chúng nó chỉ thích nghe hát trên đài và tivi. Tôi nghĩ phải tìm cách dạy lại tụi nó những lời ca, điệu hát của người dân tộc Stiêng. Nếu không, có lẽ chúng nó sẽ quên mất hết".

Trong thôn Đắk Son II, ngoài đội cồng chiêng thường xuyên luyện tập để tham gia các kỳ hội diễn, hiện có 4 phụ nữ Stiêng biết đọc ca dao, hát sử thi như bà Điểu Thị Rơm.

Vì vậy, đêm đêm UBMTTQ Việt Nam xã Phú Văn và Phòng Văn hóa Thông tin huyện Phước Long thường cử cán bộ về thôn Đắk Son II vận động bà Rơm cùng những phụ nữ Stiêng khác mở lớp dạy đan gùi, dạy dệt thổ cẩm và hát ca dao, sử thi cho đến tận đêm khuya.

Chia tay với bà con Stiêng ở xã Phú Văn, chúng tôi nhớ mãi lời nói của già làng Điểu Thời: "Người Kinh có câu "Một cánh én nhỏ không thể làm nên mùa xuân". Để giữ gìn di sản văn hóa quý báu của người Stiêng, một người là không làm được, phải có nhiều người Stiêng cùng làm"

Ngọc Ánh
.
.
.