Giữ gìn bình yên thôn bản và phát triển kinh tế

Chủ Nhật, 20/09/2020, 09:48
Xã Cai Bộ, huyện Quảng Hoà, hiện nay có 570 hộ, 2.700 khẩu với 7 xóm hành chính, là một trong những xã còn nhiều khó khăn, đường đi vào các xóm chủ yếu là đường mòn, có hộ ở những xóm chỉ có đi bộ. Người dân nơi đây chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng và làm nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi là chính...


Vui mừng chia sẻ với chúng tôi về việc bán 2 lứa lợn đem lại hiệu quả kinh tế cao vừa qua, chị Hoàng Thị Uyển, xóm Kim Bảng, xã Cai Bộ, huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng cho biết, chưa năm nào chị bán 2 lứa lợn mà được nhiều tiền như vậy, khi xuất chuồng bán được giá 85.000 đồng/1kg lợn hơi. 

Với 2 đàn lợn đem lại thu nhập cho gia đình tới 150 triệu đồng. Đây chỉ là một trong những thu nhập từ chăn nuôi đem lại cho hộ gia đình chị Uyển, một hội viên hội phụ nữ đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, chăn nuôi, từng bước làm giàu cho gia đình và hỗ trợ những hội viên khác cùng vươn lên ổn định cuộc sống.

Xã Cai Bộ, huyện Quảng Hoà, hiện nay có 570 hộ, 2.700 khẩu với 7 xóm hành chính, là một trong những xã còn nhiều khó khăn, đường đi vào các xóm chủ yếu là đường mòn, có hộ ở những xóm chỉ có đi bộ. Người dân nơi đây chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng và làm nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi là chính.

Trong những năm qua, nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội huyện, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư, sản xuất và phát triển chăn nuôi lợn, trâu bò, gà đã từng bước nâng cao đời sống, nhiều hộ thoát nghèo.

Từ trung tâm xã vào xóm Nà Tẩu với quãng đường khoảng 8km nhưng hơn nửa là chúng tôi phải đi bộ, nhiều đoạn sau cơn mưa lầy lội, trơn trượt. Trưởng xóm Nà Tẩu Hoàng Văn Hình cho biết, xóm Nà Tẩu có 52 hộ, các nhà dân nằm rải rác, mỗi cụm dân cư có vài hộ. Khó khăn nhất hiện nay ở đây là đường xá, người dân đi lại chủ yếu đi bộ. Nếu có xe máy thì phải gửi ở chỗ có đường đi lại, xa nhà dân sinh sống.

Chị Hoàng Thị Uyển giới thiệu ruộng lúa nếp đặc trưng của Cai Bộ đang vào lúc trổ bông

Ông Triệu Văn Bằng, 65 tuổi, ở xóm Nà Tẩu cho biết, thời gian qua, dưới xã, huyện đến bản tuyên truyền vận động người dân sản xuất các loại cây trồng để trở thành hàng hoá và có giá trị kinh tế, bên cạnh đó liên kết với các đơn vị, công ty liên kết với các DN để bao tiêu sản phẩm, tạo thêm thu nhập bền vững cho người dân. UBND xã còn phối hợp với các ban, ngành xuống tận nơi hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân về các biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, phòng chống đói, dịch bệnh và dự trữ thức ăn cho đàn gia súc.

“Hiện, gia đình đang chăn nuôi lợn, gà và mấy con trâu, bò. Ngoài trồng lúa nếp thơm, còn trồng thêm bí thơm, ngô để gia tăng thêm thu nhập. Cuộc sống của người dân trong xóm hiện giờ cũng khá hơn rất nhiều, bà con hỗ trợ nhau trong sản xuất. Trong xóm gia đình nào cũng tự giác, chủ động trong việc tham gia các phong trào bảo vệ ANTQ, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế hộ gia đình”, ông Bằng nói.

Chị Hoàng Thị Uyển cho biết thêm, gia đình chị trước đây là hộ nghèo, cuộc sống ở vùng cao khó khăn vô cùng, cả gia đình chỉ biết trồng lúa trên một diện tích đất ít ỏi, mỗi năm thu được khoảng 20 gánh thóc nên cuộc sống đã khó càng thêm khó khăn hơn.

Từ năm 2011, huyện có chủ trương thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cộng với 50 triệu từ nguồn vốn hỗ trợ cho vay của ngân hàng chính sách xã hội huyện, tôi chuyển đổi một phần đất trồng ngô, lúa sang trồng cây thuốc lá. Do áp dụng đúng quy trình kỹ thuật vào sản xuất, mỗi năm thu nhập từ cây thuốc lá khoảng 40 - 50 triệu đồng.

Tận dụng các sản phẩm ngô, khoai lang, sắn, mỗi năm nuôi 2 - 3 lứa lợn thịt, mỗi lứa từ 8 - 10 con, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Năm nay lợn hơi được giá, từ đầu năm tới nay, gia đình đã xuất 2 lứa lợn thu về trên 150 triệu đồng. Ngoài ra, còn nuôi thêm ong lấy mật, chăn nuôi thêm trâu, bò, gà vịt mỗi năm cũng mang lại thu nhập hơn 100 triệu. Vừa qua, gia đình bán 1 con trâu được 30 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Cai Bộ Bế Văn Ngọc cho biết, Cai Bộ hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn, trong chương trình thực hiện nông thôn mới đến nay xã mới đạt 7/19 tiêu chí gồm quy hoạch điện; giao thông; lao động việc làm; tổ chức sản xuất; giáo dục và đào tạo; y tế. Cuộc sống người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, đường xá đi tới các xóm còn vất vả, nhiều xóm các hộ đi lại chỉ có đường mòn nhỏ. Tuy nhiên, về cơ bản đời sống của người dân ở đây đã bắt đầu được cải thiện.

Nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế hộ gia đình vươn lên làm giàu, từng bước đổi thay cuộc sống trên vùng đất này. Bên cạnh phát triển kinh tế, xã Cai Bộ còn thực hiện tốt và đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Theo đó, Công an xã đã đẩy mạnh việc xây dựng, củng cố mô hình tự quản về an ninh trật tự. Chủ tịch UBND xã Cai Bộ Bế Văn Ngọc cho biết, mô hình “Tổ an ninh tự quản” đang được các xã đẩy mạnh thực hiện.

Đơn cử, mô hình “Tổ an ninh tự quản” tại xóm Thình Phù đi vào hoạt động đã mang lại hiệu quả tích cực. Xóm Thình Phù có 35 hộ với 152 nhân khẩu. Xóm có đường tỉnh lộ 207 đi qua là địa phận giáp với huyện Hạ Lang nên tình hình an ninh trật tự có nhiều phức tạp. Tuy nhiên, khi đưa mô hình vào hoạt động, người dân đồng lòng, đoàn kết và ủng hộ thực hiện, ANTT của xóm được đảm bảo. Ý thức của người dân được nâng lên rất nhiều. Người dân đã cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng để lực lượng chức năng nắm bắt được tình hình ANTT trên địa bàn.

Đơn cử như xóm đã báo cho lực lượng chức năng về những nghi vấn của một số đối tượng thực hiện hành vi trộm bình ắc quy và dây tiếp đất trong trạm phát sóng Vinaphone và Viettel trên đỉnh Khau Mòn. Với thông tin này, xóm được Chủ tịch UBND huyện và xã Cai Bộ tặng giấy khen. 

Hiện, Tổ tự quản về ANTT xóm Thình Phù tiếp tục làm tốt công tác tự quản, tự bảo vệ, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng chống các tệ nạn xã hội xâm nhập; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về công tác ANTT, thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; là điểm sáng trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, tạo sức mạnh lan tỏa trong cộng đồng địa phương nói riêng và đóng góp vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc nói chung.

Lưu Hiệp
.
.
.