"Giờ chết" trong ngày

Thứ Ba, 08/01/2008, 12:11
Theo nhận định của nhiều cảnh sát giao thông, từ 18h - 24h là khoảng thời gian các phương tiện tham gia lưu thông không còn sôi động nhưng số vụ TNGT xảy ra tại thời điểm này vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất trong ngày.

Đa số người tham gia giao thông về đêm có tâm lý chủ quan hoặc sẵn sàng bỏ qua các quy tắc ATGT khiến họ đã phải trả giá. Nhất là trong thời điểm gần Tết, lưu lượng người tham gia giao thông đông nên nguy cơ về việc gia tăng số vụ TNGT về đêm là điều đáng báo động.

Bóng tối đồng hành cùng TNGT

21h ngày 6/1, một chiếc xe ôtô không biển do anh Lê Văn Diễn (30 tuổi, trú tại Tứ Lộc - Hải Dương) điều khiển lao vun vút trên đường Ngô Gia Tự hướng Cầu Chui.

Vài phút sau, tại ngã ba Ngô Gia Tự - Đức Giang, người dân sống bên đường bàng hoàng khi nghe tiếng phanh gấp của người chủ xe ôtô sau khi va vào chiếc môtô đi ngược chiều do anh Vũ Văn Thắng (47 tuổi, trú tại Dương Quảng Hàm, Hà Nội) điều khiển. Khi mọi người chạy đến cứu thì thấy anh Thắng (người điều khiển xe máy) đã tắt thở còn người ngồi sau xe thì bất tỉnh trên đường.

Trước đó, vào một đêm cuối tháng 12/2007, trên đường đê qua địa bàn xã Hương Mạc, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh, người dân cũng không quên cảnh chiếc xe máy chở hai đang đi bỗng đổ sập xuống đường do đâm phải bờ đê. Kết quả là anh Mạc Văn Công (26 tuổi, xã Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh) tử vong, còn người bị thương là Lê Văn Quyến (18 tuổi, xã Đoan Bái, Hiệp Hòa, Bắc Giang).

Theo kết luận của cơ quan điều tra, vụ tai nạn thứ nhất là do người điều khiển thiếu quan sát khi tham gia giao thông còn vụ TNGT thứ hai là do người điều khiển xe tự gây ra, mà nguyên nhân trực tiếp là do xe chạy với tốc độ quá nhanh, hậu quả càng nghiêm trọng bởi cả hai nạn nhân đều không đội MBH. Có thể nói, hai vụ tai nạn này chỉ là một trong số rất nhiều vụ xảy ra vào ban đêm trong thời gian gần đây.

Theo thống kê từ Phòng CSGT một số tỉnh cho thấy, trong các vụ TNGT, số vụ xảy ra trong khoảng thời gian 18h - 24h luôn chiếm tỷ lệ cao nhất. Như ở Hải Phòng, tỷ lệ này trong năm 2007 là 40%; Nghệ An là 39,1%, Quảng Ninh là 49,5%, Bắc Ninh khoảng 50,4%,  Hải Dương chiếm tỷ lệ 40% tổng số TNGT (cá biệt như huyện Chí Linh, từ đầu năm đến nay có tới 44/88 vụ TNGT (50% xảy ra ban đêm).

Qua phân tích cho thấy, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT ban đêm chủ yếu do người tham gia giao thông chủ quan, xem thường các quy tắc ATGT. Bởi ngay cả ở các tuyến đường thường xuyên có đèn chiếu sáng, vẫn xảy ra nhiều vụ TNGT ban đêm. Như tại Hải Phòng, các tuyến đường trong nội thành chiếm tới 42,3% tổng số vụ TNGT.

Còn tại Hà Nội, một số tuyến ngoại ô như đường Phạm Văn Đồng (đoạn qua huyện Từ Liêm), Láng - Hòa Lạc (đoạn qua huyện Từ Liêm) cũng hay xảy ra TNGT tự gây.

Theo Trung tá Trần Văn Mỹ, Đội trưởng Đội CSGT huyện Từ Liêm, chỉ tính từ ngày 3/4/2007 đến nay, trên đường Phạm Văn Đồng xảy ra 3 vụ TNGT ban đêm, làm chết 3 người, 1 người bị thương; đường Láng - Hòa Lạc xảy ra 2 vụ làm chết 2 người. Còn trên địa bàn do Đội CSGT số 5 phụ trách (quận Long Biên, Gia Lâm) có tới 45/73 vụ (62%) TNGT, huyện Từ Liêm cũng trên 40% xảy ra vào ban đêm.

Cần tăng cường công tác tuần tra kiểm soát ATGT vào ban đêm

TNGT thường xảy ra vào ban đêm chiếm một tỷ lệ không nhỏ, nhưng đến nay, hầu hết các địa phương, ngành chức năng vẫn chưa có sự quan tâm, đánh giá đúng vấn đề này.

Tuy nhiên, theo Thượng tá Trần Sơn (Cục CSGT Đường Bộ - Đường sắt), nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông về đêm là do sự chủ quan và thiếu kỹ năng điều khiển của người điều khiển phương tiện.

Điều đáng chú ý là không chỉ người điều khiển môtô, xe máy mà ngay cả những lái xe ôtô đều có tâm lý chủ quan khi tham gia giao thông về ban đêm vì họ cho rằng đây là thời điểm đường vắng, ít bị CSGT bắn tốc độ nên tha hồ phóng xe, điều này rất dễ gây tai nạn.

Một nguyên nhân khác nữa cũng dễ nhận thấy là do nhiều đoạn đường, vị trí bất hợp lý về hạ tầng giao thông  nhưng không kịp thời được khảo sát, khắc phục đã tạo ra những điểm đen TNGT ban đêm.

Điển hình, trên đoạn từ Km 130+200 đến Km131+280 QL1A mới (địa phận xã Quang Châu, Việt Yên, Bắc Giang) thường xuyên xảy ra TNGT ban đêm. Đây là vị trí chuyển tiếp từ đường một chiều (có dải phân cách cứng, được lưu thông tốc độ cao, ít xung đột giao thông) sang đoạn đường hai chiều (từ địa phận Bắc Giang) nhưng lại không có đèn chiếu sáng, tín hiệu cảnh báo, cưỡng bức giảm tốc độ.

Hay tại điểm đen tại Km 4 QL5 (trước cổng Công ty May 10, Hà Nội), là điểm mở cho phép quay đầu xe, có hàng ngàn công nhân đi qua mỗi đêm nhưng không hề có đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu…  

Thượng tá Trần Sơn cũng nhấn mạnh: Theo quy luật người và phương tiện tham gia giao thông sẽ tăng đột biến trong dịp Tết cả về ban ngày lẫn ban đêm.

Vì vậy, để giảm tải các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra về đêm, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra kiểm soát để kịp thời xử lý nghiêm những trường hợp lái xe vi phạm. Các chiến sĩ CSGT cũng cần sử dụng tối đa các máy đo tốc độ, máy đo độ cồn vào ban đêm.

Đối với các đoạn đường thường xảy ra tai nạn về đêm, chính quyền địa phương cần nghiên cứu các phương án như lắp thêm đèn, hay chỉnh sửa đường đi, lắp biển báo để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông

Thanh Huyền
.
.
.