Gieo chữ trên Cổng trời Krông Bông

Thứ Hai, 26/03/2007, 19:38

Trên Cổng trời Krông Bông (Đắk Lắk) nơi núi cao vực sâu, thâm sơn cùng cốc, vẫn có một ngôi trường mang tên Ea Rớt, ngày ngày, những đứa trẻ người Mông, Mường, Mán… tung tăng cắp sách đi học.

Chúng tôi vượt qua dốc Cổng trời thì đã gần trưa, dừng lại tìm gia đình ông thôn trưởng nằm chênh vênh giữa con dốc lớn. Chợt từ trong cửa rừng ùa ra một tốp trẻ thơ quần xanh, áo trắng lẫn với váy hoa khăn thêu rực rỡ.

Tôi ngỡ ngàng hỏi anh bạn đồng nghiệp đi cùng: Hình như là có lớp học? Một bé gái dừng lại, nói bằng tiếng Kinh rất sõi: "Dạ, trường cháu ở ngay trên đỉnh dốc đấy ạ!".

Chúng tôi hăm hở trèo lên, không tin nổi vào mắt mình là ở nơi thâm sơn cùng cốc này lại có một ngôi trường, ngày ngày, những đứa trẻ người Mông, Mường, Mán… tung tăng cắp sách đi học.

Thầy Bạch Xuân Anh tiếp chúng tôi trong căn nhà tập thể tuềnh toàng, chủ nhà phải đứng để nhường cái phản giữa nhà cho khách, các thầy cô vẫn vui vẻ kể về những vui buồn của nghề cõng chữ lên non. Hóa ra, đây là điểm trường Ea Rơt (Đắk Lắk), một phân hiệu của Trường Tiểu học Cư Pui 2.

Được thành lập từ năm 2002, với cơ sở vật chất ban đầu vỏn vẹn 3 phòng học tạm, một gian nhà tranh cho giáo viên tá túc. Đến năm nay, vừa dựng thêm được bốn phòng học nữa. Năm học 2006 - 2007 này, toàn trường đã có 7 lớp với hơn 200 học sinh từ khối lớp 1 đến khối lớp 5.

Cô Đỗ Thị Hằng, năm nay đã 54 tuổi đời, 37 tuổi nghề, kể: Ngày đầu vào đây, chưa rành tiếng đồng bào, giao tiếp với bà con phải nhờ đến người phiên dịch. Các bà mẹ người Mông hỏi gì cũng lắc đầu trả lời "chi pâu, chi pâu" (Không biết). Mỗi lần vào nhà học sinh để vận động các cháu đến trường lại phải nhờ anh cán bộ thôn đi cùng.

Thầy Võ Văn Thái bảo: Bà con dân bản cũng thương các thầy cô giáo lắm, có miếng thịt tươi hay nhà có việc đều mời thầy cô đến cùng uống rượu chung vui. Trường có 4 giáo viên thì cả bốn đều đã có gia đình. Hầu hết các cô thầy vào đây đều đi một mình, để lại gia đình ngoài trung tâm huyện.

Mùa nắng, đường khô ráo thì cuối tuần có thể về thăm nhà, còn mùa mưa, có khi cả tháng không về, muốn về phải cuốc bộ hơn 20 cây số đèo dốc và hơn 20 cây số đường đất nữa! Thầy Bạch Xuân Anh vui vẻ nói: "Bí quyết cắm bản của giáo viên ở đây là trữ thật nhiều cá khô, mì tôm để ăn dần!".

Trong sổ theo dõi của trường, mỗi học sinh bỏ học được khoanh tròn bằng một dấu mực đỏ. Thầy Anh cho biết: Học sinh ở đây đi học theo mùa, mùa nắng rỗi việc nhà thì đến lớp, mùa mưa lại theo bố mẹ lên rẫy. Thêm nữa, đó là nạn tảo hôn, học sinh 13, 14 tuổi đã bỏ học lấy chồng lấy vợ là chuyện thường tình. Hầu hết cư dân ở Ea Rơt đều là đồng bào Mông, Dao, Mường… từ ngoài Tuyên Quang, Hà Giang, Thanh Hóa di cư vào.

Mặc dù các thầy cô thường xuyên đến nhà động viên các em đi học nhưng chuyện một số em bỏ lớp lấy chồng lấy vợ vẫn thường xảy ra. Trò chuyện với chúng tôi, cô Hằng cứ tiếc mãi trường hợp em Vũ Thị Sông và em Kháng Thị Dua. Đó đều là những học sinh giỏi của trường nhưng chỉ học hết lớp 4 đã nghỉ học lấy chồng, cô thầy nói thế nào cũng không đi học nữa!

Ông thôn trưởng Lò Khải Phù nói với chúng tôi rằng: "Nhờ có cái trường cái lớp mà bọn trẻ biết tiếng phổ thông, biết giữ vệ sinh, vâng lời cha mẹ. Trước mắt, vẫn còn một số gia đình do kinh tế khó khăn hoặc do quan niệm lạc hậu đã không kiên quyết cho trẻ đến trường! Nhưng, trong tương lai, con cái của đồng bào chúng tôi sẽ được học cái chữ nhiều hơn, học cao hơn nữa để xây dựng bản làng".

Chia tay với những phòng học tranh tre lộng gió trên Cổng trời Ea Rơt, chúng tôi thầm khâm phục những thầy cô giáo đang ngày đêm miệt mài gùi chữ lên non. Dù là mùa mưa sạt rừng hay mùa nắng mờ đỏ bụi con đường lên núi, những ngọn đuốc vẫn lặng thầm thắp sáng ước mơ cho các thế hệ tương lai. Tôi nhớ mãi câu nói của thầy Bạch Xuân Anh: Dù khó khăn vất vả thì vẫn bám trụ nơi đây bởi vì đó chính là con đường mà mình đã chọn!

Tuấn Thiện
.
.
.