Giáp Tết, tín dụng "đen" vào mùa

Thứ Sáu, 04/01/2008, 10:50
Tết Nguyên đán Mậu Tý đang đến rất gần, sức mua trên thị trường đang "nóng" dần lên. Những ông chủ doanh nghiệp kinh doanh cỡ lớn còn có tài sản thế chấp để vay vốn tại các ngân hàng, còn giới tiểu thương không phải ai cũng có thể.., nên họ phải tìm đến những đầu mối cho vay tín dụng "đen".

Lân la khắp chợ trung tâm TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên suốt buổi sáng đầu năm 2008, tôi đã có cuộc tiếp xúc với nhiều hộ tiểu thương để tìm hiểu về thị trường tín dụng "đen".

Bà Nguyễn Thị Lan - tiểu thương ở hàng rau quả tâm sự, thông thường chị em tiểu thương vay vốn của các đầu nậu với mức lãi suất mỗi tháng 6%, nhưng thời điểm giáp Tết, những người cho vay đã chuyển hướng từ cho vay theo tháng sang dạng cho vay góp mỗi ngày để tiền không bị mất giá mà lãi suất cao hơn.

Đơn cử như vay 10 triệu đồng với mức lãi suất mỗi tháng 7%, thì đầu nậu làm một phép tính chia cho 30 ngày trong tháng, mỗi ngày người vay tiền phải trả góp 357.000 đồng.

Những tiểu thương lớn buôn may bán đắt vay vốn theo kiểu này còn có khả năng cầm cự nổi, chứ những hộ tiểu thương nhỏ chỉ bán lẹt phẹt cân cá, mớ rau hay trái cây sẽ lâm vào cảnh đổ nợ nếu vay năm, ba triệu đồng.

Tôi hỏi: "Sao cô không vay vốn từ ngân hàng lãi suất nhẹ hơn?". Bà Lan thở dài rồi cười chua chát: "Chú tính, tiểu thương mua bán nhỏ, không có giấy phép kinh doanh, không có tài sản để thế chấp thì làm sao với tay tới ngân hàng được".

Tương tự, bà Lê Thị Minh - một tiểu thương mua bán cá tâm sự: "Mỗi ngày ngồi chợ kiếm lãi năm, ba chục ngàn cũng chỉ đủ lo cái ăn cho gia đình, nên khi vay tiền trả góp mỗi ngày với lãi suất cao như thế thì tiểu thương vấp phải không ít khó khăn".

Thật vậy, qua tìm hiểu được biết trên địa bàn TP Tuy Hòa hiện có 5 ngân hàng thương mại và 4 quỹ tín dụng nhân dân. Tuy nhiên đến thời điểm này chỉ có hai đơn vị triển khai thực hiện việc cho vay vốn trong giới tiểu thương, đó là Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (Sacombank) tại Phú Yên và Quỹ tín dụng nhân dân Châu Thành.

Đến đầu tháng 1/2008, con số dư nợ cho vay trong giới tiểu thương tại hai cơ sở tín dụng này đã lên trên 10 tỷ đồng, trong đó Chi nhánh Sacombank chiếm khoảng 70%.

Vấn đề đáng nói là hai tổ chức tín dụng này cũng chỉ giải ngân cho những hộ tiểu thương có giấy phép kinh doanh ở chợ trung tâm TP Tuy Hòa và một số hội viên quỹ tín dụng, không ít tiểu thương còn lại phải tìm kiếm nguồn vốn kinh doanh từ dịch vụ tín dụng "đen".

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Giám đốc Quỹ tín dụng Châu Thành - bà Diệp Thị Phượng cho biết: "Vì sự hạn hẹp về nguồn vốn cho vay, nên Quỹ tín dụng Châu Thành chỉ hoạt động trong giới hạn ba địa phương là phường 4, 5 và 6, tiểu thương ở các xã, phường khác trong TP Tuy Hòa chưa thể tiếp cận được nguồn vốn vay ở đây".

Không riêng ở chợ Trung tâm TP Tuy Hòa mà những ngày giáp Tết, tín dụng "đen" cũng đã xâm nhập tại một số chợ khác trong nội thành Tuy Hòa như chợ Phú Lâm ở phường Phú Lâm, chợ Tân Hiệp, chợ Mai ở phường 2, chợ Phước Hậu ở phường 9…

So với TP Tuy Hòa, sức mua bán những ngày giáp Tết ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa tăng vọt nhiều lần so với ngày thường. Và đương nhiên những hộ tiểu thương ở các chợ Đầm, phường Vạn Thạnh; chợ xóm Mới ở phường Tân Lập; chợ Vĩnh Hải ở phường Vĩnh Hải; chợ Phước Thái ở phường Phước Long… cũng không thoát khỏi cảnh vay nợ tín dụng "đen".

Nói tới tín dụng "đen" ở thành phố biển Nha Trang, rất nhiều người phải nhắc đến những đường dây cho vay nặng lãi đã và đang hoạt động ngầm. Thường thì kết cục những con nợ bị thiệt thòi vì lãi mẹ đẻ lãi con dẫn đến nợ nần phát sinh chồng chất, không ít người trong số họ bị xiết nợ, cưỡng đoạt tài sản.

Đã đến lúc cần có một cơ chế mở để tiểu thương ở các chợ có thể với tay tới những khoản vay từ các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân. Đó cũng là một trong những giải pháp kích cầu phát triển thương mại, tạo điều kiện ổn định đời sống cho các hộ tiểu thương và khống chế hoạt động tín dụng "đen" hoành hành

Hữu Toàn
.
.
.