Giao thông thuận lợi, thông thoáng hơn khi có cầu vượt nhẹ

Thứ Bảy, 05/05/2012, 11:45
Hai cây cầu vượt nhẹ đầu tiên của Hà Nội đã chính thức thông xe được 10 ngày. Thời gian tuy không dài, song hiệu quả mà nó mang lại là khá lớn. Giao thông thông thoáng hơn, không còn cảnh ùn tắc, cũng không còn cảnh người dân ngao ngán mỗi khi lưu thông qua tuyến đường Chùa Bộc-Tây Sơn-Thái Hà, Thái Hà-Láng Hạ-Huỳnh Thúc Kháng.
>>Sau lễ thông xe 2 cầu vượt nhẹ, giao thông đang dần được cải thiện

Hiệu quả bước đầu có thể coi như động lực thúc đẩy việc triển khai hàng loạt cây cầu  vượt nhẹ, góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc ở nhiều điểm nóng về giao thông trên địa bàn Thủ đô. 

10 ngày không ùn tắc, va quệt hay tai nạn giao thông

Đó là những nhận định sát thực của Trung tá Nguyễn Văn Tà - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 3, đơn vị phụ trách địa bàn quận Đống Đa, nơi hai cây cầu vượt nhẹ đầu tiên của Hà Nội vừa mới được khánh thành và đưa vào hoạt động. Đồng chí đội trưởng chia sẻ thêm: nếu như trước kia, nút giao đường Láng – Thái Hà, Chùa Bộc-Thái Hà được coi là điểm nóng hay xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông, mỗi ngày đội phải bố trí hơn chục cán bộ chiến sĩ túc trực ở các điểm này để phân luồng, xử phạt vi phạm, và cán bộ chiến sĩ nào đến lượt trực tại chốt này đều có cảm giác ngao ngán, thì nay có thể nói vui là “nút giao thông vàng”.

Vàng vì lẽ, khi đã có cầu vượt, người tham gia lưu thông có thêm diện tích, thêm sự lựa chọn, nên thay vì chen lấn, leo cả xe lên vỉa hè, giờ họ đi lại thông thoáng, ý thức hơn. Như một hiệu ứng dây chuyền, khi đường thoáng hơn, thì ùn tắc không xảy ra, Cảnh sát giao thông vì thế cũng đỡ vất vả. Nay, mỗi ngày đội chỉ cần bố trí vài ba người đứng chốt.

Ôtô, xe máy lưu thông trên cầu vượt nhẹ. Ảnh: Đức Anh.

Do thiết kế mặt cầu chỉ rộng 9m, lại chia thành hai làn xe, những ngày đầu đưa vào sử dụng nhiều người lo ngại khi có một tai nạn nhỏ xảy ra thì dễ dẫn đến hiện tượng ùn tắc kéo dài ngay trên mặt cầu, song Trung tá Nguyễn Văn Tài lý giải: Trước khi đưa vào hoạt động, phương án giao thông đã được liên ngành Công an, giao thông họp bàn kỹ. Từ dưới gầm cầu, phía hai đầu cầu cho đến trên cầu, vạch sơn, đèn tín hiệu, biển báo đã được lắp đặt và quy định rõ ràng. Cầu chỉ dành cho xe máy, ôtô dưới 9 chỗ với tốc độ di chuyển tối đa là 25km/h. Do đó tai nạn sẽ được hạn chế hơn. Trên thực tế, 10 ngày qua, hoạt động trên hai cây cầu này diễn ra khá suôn sẻ: Không ùn tắc, không va quệt và không tai nạn.

Sẽ nhân rộng xây cầu vượt lắp ghép nhẹ ở cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Từ những dấu hiệu khả quan bước đầu, tại cuộc họp chiều 3/5 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã yêu cầu ngay trong năm 2012, Sở GTVT phải khởi công và hoàn thành 7 cầu vượt. Ngoài cầu vượt Nam Hồng (đã khởi công) sẽ có 6 cầu vượt lắp ghép nhẹ được khởi công trong quý 2 và hoàn thành vào cuối năm gồm: Cầu vượt nút giao Nguyễn Chí Thanh - Láng, tháng 5 khởi công, hoàn thành cuối tháng 12; cầu Lê Văn Lương - Láng, tháng 5 khởi công, hoàn thành vào tháng 10; Riêng 4 cầu tại nút Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, Bạch Mai - Lê Thanh Nghị và Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai trong tháng 5 sẽ hoàn thành thiết kế để có thể khởi công xây dựng vào tháng 6 và hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 12. Để các cầu vượt hoàn thành theo đúng tiến độ TP đặt ra, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi yêu cầu các sở ngành rút ngắn thủ tục hành chính, bố trí vốn đầy đủ để các dự án sớm được triển khai.

Ôtô, xe máy lưu thông trên cầu vượt nhẹ.

Tương tự mới đây,  tại thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín cũng đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài chính, Xây dựng hoàn tất thủ tục, chọn nhà thầu có đủ năng lực để khởi công xây dựng 2 cầu vượt nhẹ tại Hàng Xanh và ngã tư Thủ Đức vào tháng 6 tới. Đây là 2 nút giao thông có mật độ cao và thường xuyên ùn tắc.

Theo đề xuất 2 cầu này sẽ được sử dụng cho xe 2 bánh, ôtô dưới 9 chỗ và xe buýt. Bước đầu, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đề nghị làm cầu vượt dài 256 m, rộng 7,5m ở nút giao thông Hàng Xanh, cùng trục đường với Điện Biên Phủ. Đối với cầu vượt ở ngã tư Thủ Đức dự kiến dài 328m, rộng 9m và hướng từ đường Lê Văn Việt đến Võ Văn Ngân. Dự kiến sau khi 2 cầu vượt này hoàn thành, TP Hồ Chí Minh sẽ xây thêm 2 cầu vượt nhẹ tại nút giao thông Lăng Cha Cả và bùng binh Cây Gõ.

Nhận xét sơ bộ về hiệu quả của những cây cầu vượt nhẹ, nhiều người dân cho rằng những chiếc cầu này đã có tác dụng làm giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút trọng điểm. Thậm chí, các chuyên gia giao thông còn cho rằng, lẽ ra Hà Nội phải làm những chiếc cầu này từ lâu thay vì làm 3 cây cầu vượt "hoành tráng" vừa gây tốn kém về tiền bạc, vừa mất nhiều thời gian...

Hà Nội: Sẽ tiếp tục phân làn trên một số tuyến phố

Theo Sở GTVT, trong quý 2 này, ngoài việc tiếp tục duy trì phân làn phương tiện tại 4 tuyến đã triển khai, đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức phân làn phương tiện trên 2 tuyến là Yên Phụ - Trần Quang Khải - Trần Nhật Duật; Hoàng Quốc Việt.
 
Để việc phân làn có hiệu quả, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT Công an TP cho rằng, phải bố trí đầy đủ lực lượng Thanh tra Sở GTVT làm nhiệm vụ hướng dẫn, phân luồng trên 2 tuyến; xén hè, mở thêm các vịnh cho xe buýt vào đón khách, đồng thời xử lý nghiêm các xe buýt vượt đèn đỏ, lấn làn, dừng đỗ đột ngột giữa đường để đón, trả khách.

PV

Thanh Huyền
.
.
.