Giao thông miền Trung sau bão, lũ: Lại bắt chẹt và “bán” khách

Thứ Hai, 05/10/2009, 14:15
Sau những ngày bị chia cắt do mưa lũ, tuyến QL1A đoạn qua khu vực miền Trung (tại tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi) vừa thông xe trở lại thì hàng loạt nhà xe trung chuyển hành khách các tuyến đường Đà Nẵng - Quy Nhơn, Đà Nẵng - Quảng Ngãi,... và ngược lại ồ ạt hoạt động trở lại. "Ăn theo" bão, lũ, các nhà xe đua nhau tăng giá, bắt chẹt, "bán" khách.

Tuyến đường từ TP Đà Nẵng đi TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) và ngược lại chỉ dài hơn 300km nhưng có gần một trăm xe khách các loại tham gia vận chuyển hành khách. Từ lâu tuyến đường này đã trở thành nỗi kinh hoàng của các hành khách do các xe "đua tốc độ", phóng nhanh, vượt ẩu. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường lực lượng, phương tiện để kiểm tra, thanh tra nhưng các nhà xe vẫn tìm nhiều "biện pháp" để trốn tránh, luồn lách qua mặt lực lượng Quản lý giao thông.

Tự ý tăng giá cước

Sau những ngày bị chia cắt do mưa lũ, tuyến QL1A đoạn qua khu vực miền Trung (tại tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi) vừa thông xe trở lại thì hàng loạt nhà xe trung chuyển hành khách các tuyến đường Đà Nẵng - Quy Nhơn, Đà Nẵng - Quảng Ngãi,... và ngược lại ồ ạt hoạt động trở lại.

Sáng 2/10, chúng tôi vừa có mặt trước Bến xe khách Đà Nẵng thì đã bị các phụ xe tranh giành hành lý, lôi kéo lên xe khách BKS 43S-7844, có treo biển đi Quy Nhơn. Ngay sau khi rời bến, xe BKS 43S-7844 chạy lòng vòng trên QL1A từ Ngã Ba Huế đến Bến xe Đà Nẵng để bắt khách. Nhiều xe trung chuyển hành khách khác cũng xảy ra tình trạng tương tự. Các xe này chỉ dừng lại khi có khách và tăng tốc bỏ chạy khi phát hiện ra xe tuần tra của lực lượng CSGT Công an TP Đà Nẵng.

Khi chạy đến cầu vượt Hòa Cầm (Đà Nẵng), tranh thủ lúc không có mặt của lực lượng CSGT, xe khách BKS 43S-7844 dừng lại khá lâu ngay dưới chân cầu để đón khách. Tại khu vực Ngã Ba Huế và cầu vượt Hòa Cầm, mỗi xe khách đều bố trí nhiều "cò" để đón khách và nắm thông tin về các xe chạy cùng tuyến, thông tin về hoạt động của các lực lượng tham gia quản lý giao thông.

Trong sáng 2/0, xe khách BKS 43S-7844 đã nâng giá cước đối với hành khách từ Đà Nẵng đi Quy Nhơn lên 90.000 đồng/người (ngày thường 70.000 đồng/người), khách từ Đà Nẵng đi Quảng Ngãi cũng bị tăng giá cước từ 50.000 đồng lên 60.000 đồng/người (ngày thường 40.000 đồng/người).

Cũng trong sáng 2/0, xe khách BKS 43S-0111 cũng tăng giá cước đối với hành khách từ Đà Nẵng đi Quy Nhơn lên 80.000 đồng/người, cao hơn ngày thường10.000 đồng. Điều đáng nói là cả hai xe khách nói trên "bắt" khách từ Đà Nẵng đi Quy Nhơn nhưng chỉ chở đến TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) thì "bán" lại cho các xe BKS 77H-9846.

Theo quan sát của chúng tôi, xe khách BKS 43S-0111 thường chỉ chạy đến TP Quảng Ngãi nhưng sau khi rời Bến xe Đà Nẵng thường treo biển đi Quy Nhơn và bắt khách đi tuyến đường này để "bán" lại cho các xe khác.

Các xe dù thường xuyên tụ tập đón khách trước Bến xe Trung tâm Đà Nẵng.

Cần thay đổi ý thức đón xe từ phía hành khách

Tuyến đường từ Đà Nẵng đến Quy Nhơn không chỉ có Ngã Ba Huế, Hòa Cầm mà còn có khu vực hai đầu cầu Trà Khúc, ngã ba vào TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), ngã năm Hồ Le (gần Bến xe khách trung tâm Quy Nhơn) là những điểm nóng về  giao thông.

Nếu tại khu vực TP Quảng Ngãi nóng về tình trạng sang chuyển, "bán" khách thì ở hai đầu còn lại nóng về tình trạng nhà xe "quần đảo" đón khách, "cò" xe,... Các cơ quan chức năng đã nhiều lần ra quân lập lại trật tự giao thông tại những khu vực này nhưng rồi "vẫn đâu lại đấy".

Hầu hết các xe vận chuyển khách trong tuyến từ Đà Nẵng đến Quy Nhơn đều sử dụng xe 16 chỗ ngồi nhưng theo phản ánh của hành khách thì nhà xe bao giờ cũng chở quá số người quy định và tình trạng bắt chẹt, "bán" khách dọc đường thường xuyên xảy ra, nhất là các xe xuất phát từ Bến xe trung tâm Đà Nẵng. Tình trạng này khiến cho những công ty vận tải kinh doanh hợp pháp phải chịu thiệt thòi, hành khách ngày càng bị o ép, mất lòng tin.

Do các tài xế thường "xi-nhan" với nhau khi phát hiện ra địa điểm làm việc của CSGT, Thanh tra giao thông nên các lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn khi xử lý các xe vi phạm về tốc độ và chở quá số người quy định.

Thiết nghĩ, để việc lưu thông trên tuyến đường này được an toàn, không chỉ cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, mà còn đòi hỏi rất nhiều vào ý thức tham gia giao thông của hành khách, nhất là thói quen thường xuyên bắt những "xe dù" ở gần nhà thay vì mua vé tại bến.

Nếu hành khách kiên quyết không đón xe bừa bãi dọc đường thì liệu các xe dù, bến cóc có tồn tại được không?

Hoàng Minh
.
.
.