Giao thông đường thủy ở ĐBSCL: Cần loại bỏ tư duy “ăn xổi ở thì”(!)

Thứ Tư, 23/07/2014, 12:20
Đó là là phát biểu của ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT tại Hội nghị nâng cao hiệu quả vận tải thủy nội địa và kết nối các phương thức vận tải khu vực ĐBSCL, vừa được Bộ GTVT kết hợp cùng Ban chỉ đạo tổ chức sáng 21/7 tại TP Cần Thơ.

“Hiện chúng ta xây dựng 10km đường hoặc 1 cây cầu phải tiêu tốn đến hàng ngàn tỉ đồng. Do vậy, cần phải giảm sự tốn kém này bằng việc nâng cao hiệu quả vận tải đường thủy nội địa – một lĩnh vực vốn có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Một trong những thực tế khiến người đứng đầu ngành GTVT băn khăn chính là lĩnh vực vận tải đường thủy nội địa tại ĐBSCL có tiềm năng rất lớn,  cước vận tải đường thủy nội địa hiện rẻ hơn rất nhiều so với nhiều phương thức vận tải khác (như bằng đường bộ, đường hàng hải,…) thế nhưng vận tải thủy nội địa chưa được quan tâm, khai thác đúng mức, có hiệu quả. “Trách nhiệm này trước hết thuộc về Bộ GTVT và Cục Đường thủy nội địa”, Bộ trưởng Đinh La Thăng bày tỏ.

Vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện thủy tại chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ.

Giải thích nguyên nhân chưa có sự đầu tư và phát triển tương xứng cho việc phát triển vận tải thủy nội địa, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng là do có một số địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa nhận thức đúng, đầy đủ về vận tải thủy nội địa. “Do vậy, cần loại bỏ tư duy ăn xổi ở thì”, ông Thăng nói.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, cần sớm hoàn thiện chiến lược, quy hoạch, xây dựng thể chế, chính sách, chấn chỉnh, tháo gỡ những quy định chưa thật sự hợp lý, theo hướng thuận lợi nhất, tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp vận tải, tạo điều kiện cho đường thủy nội địa phát triển. “Quản lý nhà nước mình phải chủ động đến với người dân, đến với doanh nghiệp, để cảm nhận sự khác nhau giữa các phương thức vận tải, từ đó có những tham mưu, đề xuất đúng, phù hợp”, Bộ trưởng Đinh La Thăng lưu ý. Trong quá trình thực hiện, cần có sự phối hợp chặt chẽ, tránh giẫm lên nhau giữa lĩnh vực đường thủy nội địa với hàng hải. Tiếp tục đẩy mạnh việc kết nối các phương thức vận tải.

Trong thời gian trước mắt, cần tập trung đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện các dự án kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa đang được triển khai đúng quy hoạch, tiến độ và chất lượng.

Trước ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Đinh La Thăng, nhiều tham luận của các đơn vị, doanh nghiệp được trình bày tại Hội nghị cũng “gặp nhau” ở đánh giá: Vận tải thủy nội địa tại ĐBSCL được xem là phương thức vận tải có chi phí thấp nhất, an toàn nhất, ít chiếm dụng đất, ít gây ô nhiễm môi trường. Từ đó, cùng kiến nghị cần đẩy mạnh sự tăng trưởng và gia tăng thị phần của vận tải thủy nội địa trong vận tải hàng hóa, tiếp tục cải thiện tính bền vững, an toàn và hiệu quả của đường thủy nội địa; cũng như xây dựng một khuôn khổ, chính sách công bằng cho thị trường vận tải thủy nội địa, nhằm đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh giữa các ngành vận tải trong khu vực.

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, ĐBSCL có hệ thống sông ngòi, kênh, rạch dài gần 27.000km, mật độ 0,67km/km2, trong đó có 13.000km đường thủy sử dụng được cho vận tải với khoảng 7.000km đã được đưa vào cấp quản lý. Toàn vùng có khoảng 160.000 phương tiện vận tải thủy với tổng trọng tải hàng hóa khoảng 5 triệu tấn, sức chở trên 300.000 hành khách. Tỉ trọng khối lượng vận tải hàng hóa trong vùng bằng đường thủy nội địa tăng từ 30% năm 2005, lên 50% năm 2009 và 62% năm 2012; lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa trong khu vực  đạt 51,5 triệu tấn/năm...

Thái Bình
.
.
.