Giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông: Bắt đầu từ trường học

Thứ Hai, 09/11/2009, 08:04
Qua thực tế việc tuyên truyền cho thấy, học sinh càng nhỏ tuổi thì càng có ý thức tiếp thu và chấp hành luật giao thông. Ngay các cháu bé lớp mẫu giáo lớn cũng tỏ ra tiếp thu tốt và luôn "nhắc nhở" bố mẹ, anh, chị mình không được vượt đèn đỏ, phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy trên đường. Ý thức chấp hành luật giao thông nói riêng và pháp luật, kỷ luật nói chung, nếu được rèn luyện từ bé, thì sẽ ăn sâu và bền vững.

Những con số đáng lo ngại về an toàn giao thông

Theo số liệu của Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt, hiện nay bình quân mỗi ngày xảy ra 31,3 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 30,1 người, bị thương 20,2 người. "Đóng góp" vào thực trạng đáng lo này, có một phần lỗi không nhỏ của học sinh, sinh viên. 

Theo đánh giá của Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt, tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn diễn biến phức tạp. Riêng Tháng an toàn giao thông năm 2009 tại Hà Nội, đã có 600 trường hợp vi phạm là học sinh các trường phổ thông. Tại Đà Nẵng, trong 5 năm (2003 - 2008), có gần 2.000 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm an toàn giao thông, trong đó 1.300 trường hợp bị xử phạt hành chính và 7 trường hợp bị khởi tố do vi phạm luật giao thông gây hậu quả nghiêm trọng.

Các lỗi chủ yếu mà học sinh, sinh viên vi phạm là: không đủ độ tuổi điều khiển mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông, không giấy phép lái xe; vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng; không đội mũ bảo hiểm, học sinh đi xe đạp dàn nhiều hàng ngang lấn chiếm lòng đường...

Học sinh Trường Tiểu học Thịnh Hào (Hà Nội) trong giờ học an toàn giao thông.

Cũng theo Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt, một vấn đề bức xúc trong xã hội vẫn chưa được giải quyết triệt để là tình trạng đua xe trái phép; đối tượng tham gia chủ yếu là những người trong độ tuổi đi học...

Hãy bắt đầu từ trẻ em

Cũng như nhiều trường học khác của Hà Nội, Trường Tiểu học Thịnh Hào, quận Đống Đa hằng tuần đều có một tiết học về an toàn giao thông dành cho các em học sinh. Được tham dự một buổi học với các em lớp 3A, chúng tôi nhận thấy, các em đều tỏ ra hào hứng với môn học này, vì nó sinh động và rất thiết thực. Qua những giờ học như vậy, các em nắm bắt được các quy tắc cơ bản khi đi bộ trên đường, khi được cha mẹ chở đi học bằng mô tô, xe máy...

Bà Trần Tú Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thịnh Hào cho biết: "Việc giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông cho các em học sinh là rất cần thiết, nhằm giúp các em an toàn hơn trong cuộc sống. Nhà trường thường xuyên quan tâm đến việc này và mong muốn sẽ có những buổi học ngoại khóa do các đồng chí Cảnh sát giao thông hướng dẫn".

Đem vấn đề này trao đổi với một cán bộ Đội Điều tra tai nạn và hướng dẫn an toàn giao thông, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, chúng tôi được đồng chí Lương Đình Hợi, cán bộ trực tiếp làm công tác tuyên truyền, hướng dẫn luật giao thông cho biết: Trong năm 2009, đơn vị đã tổ chức được 28 buổi học ngoại khóa cho khối trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội, với hơn 25.000 lượt học sinh tham gia...

Qua thực tế việc tuyên truyền này cho thấy, học sinh càng nhỏ tuổi thì càng có ý thức tiếp thu và chấp hành luật giao thông. Ngay các cháu bé lớp mẫu giáo lớn cũng tỏ ra tiếp thu tốt và luôn "nhắc nhở" bố mẹ, anh, chị mình không được vượt đèn đỏ, phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy trên đường. Ý thức chấp hành luật giao thông nói riêng và pháp luật, kỷ luật nói chung, nếu được rèn luyện từ bé, thì sẽ ăn sâu và bền vững. Làm được như vậy sẽ tạo ra những lớp công dân sống có kỷ luật, luôn có ý thức tuân thủ pháp luật

Duy Hiển
.
.
.