Giáo dục mầm non và nhóm trẻ gia đình: Chưa được quan tâm

Thứ Hai, 21/03/2005, 07:16
Theo bà Lê Thị Thu - Chủ nhiệm ủy ban Dân số gia đình và bảo vệ bà mẹ trẻ em, thì ngành Giáo dục và các ban, ngành dường như đã "bỏ lơi" hệ thống giáo dục mầm non, chưa coi đây là một cấp học trong hệ thống giáo dục.

Do vậy kinh phí xây dựng, đất dành cho các trường mầm non còn rất hạn chế, đặc biệt là vấn đề học phí và sự "mềm dẻo" về thời gian đón trẻ. Nhiều gia đình gửi trẻ gần nhà nhưng phụ huynh phải đi làm rất xa, thường phải đón trẻ trễ, một trong những quy ước "bất thành văn" đang diễn ra tại các nhà trẻ công lập là đón muộn thì phải "bồi dưỡng" cho cô giáo. Có nơi “chi phí” này lên tới 200.000 đồng/tháng và tổng chi phí cho một trẻ học trường mầm non có cơ sở lên tới trên 700.000 đồng/tháng.

Việc các nhà trẻ nghỉ vào thứ 7 cũng gây khó khăn cho nhiều người. Vì nhiều nơi, nhất là những người làm ăn tự do không thể có "chế độ" nghỉ thứ 7. Hơn nữa, trường công chỉ nhận trẻ từ 1 tuổi trở lên. Trong khi đó, cán bộ công chức Nhà nước chỉ được nghỉ đẻ 4 tháng là tối đa.

Ngoài ra, còn rất nhiều khó khăn đối với các đối tượng là dân nhập cư như: hộ khẩu, giấy tờ tùy thân… Vì vậy, khả năng con em của những đối tượng này được vào trường công là rất ít.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, trong năm 2005, một loạt trường mầm non sẽ được khánh thành với kinh phí gần 117 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 56 tỷ. Đây là một tín hiệu đáng mừng của chủ trương xã hội hóa giáo dục. Nhưng ngoài việc xây dựng trường còn phải quan tâm tới sự tiện lợi và bỏ bớt các rào cản về qui định, điều kiện đối với mọi đối tượng.

Theo Sở Giáo dục - Đào tạo Tp. Hồ Chí Minh, hiện trong thành phố có 496 trường, bao gồm cả mẫu giáo và mầm non. Số trường mầm non công lập là 389 trường. Tuy nhiên, ở các cơ sở mầm non này còn đang tồn tại quá nhiều bất cập. Nơi thì quá tải, có nơi lại không đủ số lượng trẻ. Tp. Hồ Chí Minh hiện có 365 NTGĐ hoạt động không phép

Huyền Nga
.
.
.