Gian nan phòng chống ma tuý qua đường hàng không

Chủ Nhật, 05/04/2015, 14:03
Trong cái nắng như đổ lửa những ngày đầu tháng 4, chúng tôi có mặt tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng hàng không lớn nhất Việt Nam, đồng thời đây cũng là một trong những tuyến điểm nóng bỏng nhất trong mặt trận đấu tranh phòng chống ma tuý, hàng cấm và vũ khí nóng qua đường hàng không trong thời gian qua.

Sức nóng của thời tiết cộng với áp lực hàng hoá và hành khách xuất nhập cảnh qua cửa khẩu, mỗi ngày lên tới 180-200 chuyến bay xuất nhập cảnh, với 20-22 nghìn lượt hành khách đang hàng ngày dồn lên vai các lực lượng đang hoạt động tại Cảng, trong đó có lực lượng hải quan đang ngày đêm góp phần đảm bảo an toàn cho những chuyến bay.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất Tống Lê Dân cho biết, trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận và xử lý từ 500-600 tờ khai hải quan với kim ngạch lên tới vài triệu USD. Các mặt hàng qua đây, chủ yếu là hàng nhỏ, lẻ, gọn nhẹ có giá trị cao.

Theo chủ trương mở cửa hội nhập, tạo thông thoáng trong quản lý, giảm thời gian thông quan trên hệ thống xuống mức thấp nhất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý, doanh nghiệp được thuận lợi thì áp lực đối với công chức hải quan lại tăng lên, trong đó công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, hàng cấm, đặc biệt là ma tuý lại tăng gấp bội.

Lý giải vấn đề này, ông Tống Lê Dân cho hay, cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất hiện là cửa ngõ, tuyến đường trung chuyển đi các nước, vận chuyển nhanh, gọn nhẹ nên đường hàng không vẫn là lựa chọn tối ưu của các đối tượng vận chuyển, buôn bán ma tuý, vũ khí, hàng cấm.

Do vậy, đơn vị gặp nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép các chất ma tuý với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, liều lĩnh của các đối tượng trong và ngoài nước.

Trong năm 2014, đơn vị đã phát hiện và bắt giữ 10 vụ vận chuyển ma tuý, tiền chất ma tuý. Trong đó, heroin là 6,06169kg; cocain: 11,47kg; thuốc lắc MDA: 49.500 viên; thuốc hướng thần (Tramadol): 30.000 viên; tiền chất Pseudoephedrine: 2kg.

Gần 50.000 viên ma tuý tổng hợp bị thu giữ.

Theo ông Dân cho biết, trong số các vụ phát hiện thì có cả người nước ngoài tham gia vận chuyển, với thủ đoạn tinh vi.

Đơn cử, vào ngày 5/6/2014, Chi cục phối hợp với Đội Kiểm soát phòng chống ma tuý, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh lập biên bản bắt giữ hành khách Sriwalai Yuwadee, quốc tịch Thái Lan, số hộ chiếu AA3264576 (cấp ngày 9/4/2013), nhập cảnh trên chuyến bay EY441 từ Abu Dhabi tới Tân Sơn Nhất, vận chuyển trái phép 2,99kg cocaine.

Số cocaine này được đóng trong 1 gói nylon giấu dưới tấm lót đáy valy. Trước đó, đơn vị bắt giữ vụ vận chuyển trái phép từ Việt Nam đi Australia trong đó hàng hoá có tên khai báo là “chứng từ thương mại và quần áo, balô du lịch” với tổng trọng lượng là 96,0kg, trong đó có 2kg tiền chất Pseudoephedrine - tiền chất để sản xuất ma tuý được cất giấu trong 7 hộp trà, cà phê, ca cao.

Đặc biệt, trong năm 2014, ghi nhận những thủ đoạn cất giấu ma tuý mới đặc biệt tinh vi. Cụ thể, vào lúc 17h ngày 23/8/2014, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh phối hợp với Cục C47B- Bộ Công an và Đồn Công an CKSBQT Tân Sơn Nhất, kiểm tra hành lý của hành khách quốc tịch Nga Dapirka Maria, quá cảnh từ Singapore đến Tân Sơn Nhất.

Qua kiểm tra phát hiện 2,78kg cocain được cất giấu trong hành lý ký gửi. Số cocain này được đóng trong 4 túi nylon, trong đó 2 túi được giấu trong thành của túi xách và 2 túi giấu trong bìa của cuốn sách.

Còn vào ngày 29/9/2014, kiểm tra hành lý của hành khách Srithambun Amawasri - quốc tịch Thái Lan nhập cảnh từ Abu Dhabi về TP.Hồ Chí Minh, phát hiện 1,73kg cocain được cất giấu trong hành lý.

Gần đây nhất, trong tháng12/2014 đơn vị phát hiện 4 vụ trong đó 3 vụ vận chuyển heroin  và 49.500 viên thuốc lắc MDA. Ngày 1/12/2014, phát hiện hành khách tên Loke Dah Lee, sinh năm 1976, quốc tịch Singapore, vận chuyển trái phép 2,89kg heroin trong khi làm thủ tục xuất cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để đi Cao Hùng-Đài Loan.

Số heroin này được cất giấu trong nhân của các hạt đậu phộng và kẹo (2 gói  kẹo và 2 gói đậu phộng đều được ép chân không), nhằm qua mặt cơ quan chức năng.

Tiếp đó, ngày 10/12/2014, Đội Thủ tục hành lý xuất khẩu phối hợp với Tổ kiểm soát ma tuý qua soi chiếu, kiểm tra đã phát hiện bà Nguyễn Thị Hương, sinh ngày 30/1/1943, số hộ chiếu N2854944, quốc tịch Australia, làm thủ tục xuất cảnh đi Australia, đã vận chuyển trái phép 2,792kg heroin, được cất tinh vi trong 6 bịch nylon với 5 lớp bọc bên ngoài.

Đánh giá về công tác quản lý rủi ro, ông Dân cho rằng, việc khai thác kinh doanh vận chuyển hàng hoá, hành khách giữa quốc tế và quốc nội, các chuyến bay nối chặng quốc tế và nội địa là rất phức tạp, chỉ có khu vực làm thủ tục hải quan cho hành khách xuất, nhập cảnh, hàng hoá xuất, nhập khẩu là có khu vực riêng biệt còn lại các khu vực khác không có sự phân cách rõ ràng giữa quốc tế và quốc nội, việc quản lý hoạt động về hải quan trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, đơn vị cũng đã nhận được sự phối hợp tốt với các đơn vị chức năng trong và ngoài ngành, tạo thành một thế trận vững chắc trên địa bàn, đánh mạnh vào các đường dây, đối tượng vận chuyển trái phép các chất ma tuý, hạn chế tối đa việc thẩm lậu ma tuý qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất.

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 5 năm qua, Cục đã phát hiện và bắt giữ 27.226 vụ vi phạm, trị giá hàng vi phạm 2.144,6 tỷ đồng, trong đó có 146 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; 1.593 vụ gian lận thương mại, đặc biệt trong đó bắt giữ 2.862 vụ vận chuyển trái phép chất ma tuý, tiền chất, tân dược có chất gây nghiện, hướng thần (tổng cộng 308.249 viên và 362,78kg).

Riêng trong năm 2014, tại chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện và bắt giữ 10 vụ vận chuyển ma tuý, tiền chất ma tuý. Trong đó, heroin là 6,06169 kg; cocain: 11,47kg; thuốc lắc MDA: 49.500 viên; thuốc hướng thần (Tramadol): 30.000 viên; tiền chất Pseudoephedrine: 2kg.

Lưu Hiệp - Đức Thắng
.
.
.