Gian nan đường đến trường của trẻ nhiễm HIV

Chủ Nhật, 27/05/2012, 19:35
Có một thực tế là hiện nay trẻ nhiễm HIV vẫn phải nhận nhiều ánh mắt kỳ thị, thiếu thiện cảm từ xã hội. Vấn đề đi học, tái hòa nhập cộng đồng trở thành một trong những rào cản lớn nhất mà các em khó lòng vượt qua được.

Chúng tôi đến Trung tâm GDLĐ XH số 2 (Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội) vào một buổi chiều nắng gắt, khi các em nhỏ trong Trung tâm vẫn còn ngồi học trong lớp ghép tạm bợ và thiếu thốn nhiều cơ sở vật chất. Đó là 2 phòng trong dãy nhà cấp 4 cũ kỹ của Trung tâm, dùng làm phòng học cho các em cấp 1, là nơi đọc sách của Phòng chăm sóc nuôi dưỡng trẻ mượn tạm làm phòng học cho các em cấp 2. Bàn ghế thô sơ, không gian học đơn giản, nhưng ánh lên trong những đôi mắt non trẻ ấy là những tia sáng đầy hy vọng…

Vẫn còn nhiều phụ huynh kỳ thị

Bắt đầu từ năm 2006, Trung tâm tiến hành mở lớp học nội trú cho trẻ em nhiễm HIV, song về mặt xã hội cũng như khả năng giao tiếp ứng xử trong mỗi em được phát triển đẩy đủ, không còn cách nào khác là phải đưa các em hòa nhập cộng đồng. Năm học 2008 - 2009, Trung tâm đã thử đưa một số em “có H” ra học tại Trường Tiểu học Yên Bài B. “Nhưng niềm vui của các em chẳng được bao lâu, sau 2 tuần hứng chịu sự phản đối gay gắt từ phía phụ huynh học sinh, các em đành lủi thủi ôm cặp quay trở lại Trung tâm”- Trưởng phòng chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ, Trung tâm GDLĐXH số 2 Nguyễn Thị Thanh cho biết.

Trẻ nhiễm HIV ở Trung tâm GDLĐXH số 2 phải học lớp ghép 2 trình độ.

Hiện tạị, những học sinh tiểu học của Trung tâm vẫn thuộc quân số của Trường Tiểu học Yên Bài B, nhóm học sinh cấp 2 thuộc Trường THCS Yên Bài B. Tuy nhiên các em tiểu học chỉ được đến trường vào sáng thứ 2 đi để chào cờ cùng các bạn, sau đó lại phải quay lại Trung tâm học. Còn học sinh THCS duy nhất ngày thứ 2 được học tại trường, các ngày còn lại đều học ở Phòng chăm sóc nuôi dưỡng trẻ. Trung tâm phải bố trí học ở phòng đọc sách chứ không hề có lớp riêng. Các cô giáo của các trường hằng ngày vẫn thay nhau vượt quãng đường 5km vào Trung tâm dạy.

Cũng theo chị Thanh, tất cả các em đều được giáo dục về cách tự phòng tránh lây nhiễm cho bản thân và người xung quanh, không chơi những trò chơi vận động quá mức, có thể gây tổn thương bạn bè như đuổi bắt, vật nhau… Thậm chí các em từ lớp 4, lớp 5 là đã nhận thức và ý thức được về cách bảo vệ và phòng tránh lây nhiễm cho người khác nên việc các em học chung với các bạn là điều hết sức bình thường.

Em Phạm Đình Đức (14 tuổi), một trong những học sinh giỏi của Trung tâm tâm sự: “Con mong muốn được hòa nhập vào trường học để cố gắng học thật tốt, sau này kiếm nhiều tiền, để quay trở lại báo đáp công ơn của các cán bộ và các mẹ…”

Đến nay dù thời gian đến trường ít, chủ yếu học ở Trung tâm nhưng các em vẫn bị nhiều phụ huynh và học sinh kỳ thị, xa lánh. Chính các em cũng thường đặt những câu hỏi với các mẹ và các cán bộ như: “Tại sao con chỉ được đến trường vào ngày thứ 2? Tại sao con lại bị các bạn hắt hủi, xa lánh?” Những câu hỏi ấy cứ xoáy sâu vào tâm trí những đứa trẻ nhiễm HIV và đeo đẳng những cán bộ tận tụy nơi đây.

Giải pháp hiện tại là lớp ghép 2 trình độ

Trung tâm GDLĐXH số 2 không có phòng học chính thức cho các em mà phải mượn tạm phòng đọc sách của Phòng chăm sóc nuôi dưỡng trẻ. Môi trường ở Trung tâm cũng khác nhiều so với bên ngoài, không đủ điều kiện cơ sở vật chất, không có tiếng trống trường, không có sân chơi… Hoạt động dạy học cũng khác với thông thường, do không đủ giáo viên và học sinh nên các em phải học lớp ghép, 2 trình độ một lớp.

“Gọi là giải pháp thì hơi to tát nhưng thực ra mình cố gắng sắp xếp giờ dạy và môn học cho phù hợp để 2 lớp có thể cùng học mà không ảnh hưởng lẫn nhau. Chẳng hạn đến giờ tập đọc thì cho cả 2 lớp đọc nối tiếp nhau”. Cô giáo Phùng Thị Hà (37 tuổi), giáo viên tiểu học công tác ở Trung tâm từ năm 2008 cho biết. Tuy chủ động khắc phục hoàn cảnh nhưng đôi lúc cả cô và trò vẫn gặp những bất cập. Cô Hà giải thích: “Có nhiều vấn đề với các con lớp 3 là kiến thức mới nhưng các con lớp 5 là kiến thức cũ. Trong quá trình giảng dạy đôi khi cô giáo mới chỉ nêu vấn đề gợi mở để các em lớp 3 suy nghĩ thì các anh chị lớp 5 biết trước nên đã nói ra mất rồi…”

Từ kinh nghiệm 4 năm dạy trẻ nhiễm HIV ở Trung tâm 02, các cô giáo đều thống nhất một điều rằng, không có 1 giáo trình nào có thể áp dụng phù hợp với lớp ghép cả, đó chỉ là sự vận dụng linh hoạt trong hoàn cảnh không có lớp để học, để hoạt động giảng dạy có thể diễn ra bình thường.

Cô giáo Đinh Thị Thủy đang tận tình hướng dẫn cho các em tập viết.

Học sinh thì đa dạng kể cả về nhận thức và sức khỏe, việc dùng thuốc ARV cũng ảnh hưởng nhiều đến khả năng tiếp thu của các em nên cô giáo phải dạy rất chậm, hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ, làm mẫu và làm đi làm lại nhiều lần. Cô giáo Đinh Thị Thủy đã có thâm niên 22 năm trong nghề chia sẻ: “Đối với các con “có H” mình phải quan sát sắc mặt các con để dạy, quan sát cả thời tiết, sức khỏe. Khi thời tiết giao mùa, mệt mỏi các con không học được thì mình phải giảm giờ học, tăng giờ chơi hoặc tăng nói, giảm viết, tăng vận động, tổ chức sinh hoạt nhóm… chứ không thể dạy bài bản như các cháu bình thường được”.

Tuy khó khăn, gian nan nhiều như vậy nhưng vẫn có nhiều trẻ vượt lên hoàn cảnh, học tập tốt và gặt hái nhiều thành tích. Đã có nhiều em đạt HSG cấp huyện, dự thi vở sạch chữ đẹp cấp huyện như em Phạm Đình Đức, Tố Uyên… Đặc thù học sinh ở môi trường này tính tư duy, bứt phá như học sinh ở ngoài là không có, tuy nhiên các em có ưu điểm là nói năng rất chuẩn mực, tuyệt đối không hề nói bậy. Kể cả khi ra trường học cách giao tiếp cũng rất ngoan ngoãn, lễ phép và tình cảm nên được các cô giáo hết sức quý mến.

Bởi thế, hơn ai hết chính những người giáo viên nơi đây cũng mong muốn trẻ nhiễm HIV ở Trung tâm 02 được cắp sách tới trường như bao trẻ em khác. “Hoặc ít ra thì các em cần được học trong một không gian trường ra trường lớp ra lớp, có đủ cơ sở vật chất…”. Cô giáo Thủy nhấn mạnh. Đó cũng là mong ước của chị Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Phòng Chăm sóc nuôi dưỡng trẻ, cũng như bao cán bộ, mẹ nuôi khác ở Trung tâm 02: “Bản thân mình luôn có một mong muốn trẻ được cắp sách đến trường, bởi vì đó là khao khát chính đáng của trẻ.”

Tuy gặp khó khăn, bệnh tật, không được đến trường như bao bạn bè nhưng các em vẫn vươn lên học tập tốt.

Hè sắp đến rồi, hàng ngàn trẻ em ở Thủ đô Hà Nội sẽ có cơ hội học thêm các môn ngoại khóa như như bơi lội, đàn, hát... để trau dồi kỹ năng sống và phát triển về thể chất. Còn với trẻ nhiễm HIV việc được đến trường, được học theo chương trình đã là khó, làm sao dám mơ ước những môn học xa hơn. Hè đến, mới thấy các em thật là thiệt thòi

Quỳnh Vinh – Trần Hằng
.
.
.