Gian nan cuộc chiến giúp người sau cai nghiện đoạn tuyệt ma túy

Thứ Bảy, 28/02/2009, 15:17
Số liệu thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM cho thấy, lượng người tái hòa nhập hiện có danh sách quản lý tại các quận, huyện chỉ chiếm 62,23%. Không ít cán bộ phòng chống tệ nạn xã hội than thở: Địa phương có người hồi gia đông cứ lo nơm nớp như đang ngồi trên khối thuốc, chỉ sơ sểnh là nó có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

Trên 1/3 người hồi gia sau cai nghiện tại TP HCM không nằm trong danh sách quản lý của các địa phương, trong đó có hàng ngàn người tự ý rời đi, chính quyền địa phương không quản lý được; hàng trăm trường hợp người tái hòa nhập bị xử lý hình sự vì tội cướp giật, buôn bán, tàng trữ ma túy, thậm chí giết người; hàng loạt tuyến, điểm, tụ điểm ma túy phức tạp được chuyển hóa nơi này tiếp tục "mọc" lên nơi khác không những gây mất an ninh trật tự phố phường mà còn làm tăng thêm những ánh mắt nghi ngại với những người tái hòa nhập thực sự muốn được hoàn lương.., khiến cuộc chiến chống lại cái chết trắng tại đây đã khó khăn càng chồng chất khó khăn.

Trăn trở muôn nẻo đường về

“Chị đừng đưa tên cậu ấy lên báo, lỡ chủ người ta biết lại đuổi việc thì khổ...", Cao Bảo Châu, cán bộ phường Cầu Kho, quận 1 cẩn thận dặn đi dặn lại chúng tôi về trường hợp của H.N.Đ.

Nhà Đ. có 3 anh em thì có đến 2 người từng sa vào con đường nghiện ngập, vừa được tái hòa nhập cộng đồng. Người duy nhất không nghiện cũng từng vào tù ra tội. Một lần tay đã nhúng chàm, khó gột sạch được vết nhơ. Với quá khứ của ba anh em, không nơi nào ở địa phương chịu nhận họ vào làm, dù được tổ chức đoàn thể khá tận tình giúp đỡ.

Nhưng, với quyết tâm làm lại cuộc đời, sau khi "gõ cửa" hết nơi này đến nơi khác, anh em Đ. cũng có việc làm. Đ. xin được một chân giữ xe ở một nhà hàng khu trung tâm thành phố. Hai người còn lại làm việc ở hai quận ngoại thành. Đồng lương không bao nhiêu, chỉ dao động từ 800.000 đồng/tháng đến 2 triệu đồng/tháng, ba anh em mới có một chiếc xe gắn máy đưa đón nhau về mỗi ngày.

Ngoài đi làm, Đ. còn tham gia sinh hoạt câu lạc bộ Bạn giúp bạn của phường. Đến nay, Đ. là một trong những gương mặt tích cực trong số người tái hòa nhập về địa phương. Tổ cán sự tình nguyện của phường cũng đã thống nhất, nếu sau một thời gian nữa, Đ. tiếp tục phấn đấu tốt sẽ đề nghị phường hỗ trợ, giúp vay vốn mua phương tiện đi làm...

Tuy nhiên, bên cạnh những người chí thú làm ăn như Đ., vẫn còn không ít những người hồi gia sống "bê bối", càng khiến người đời ác cảm với họ. Có cả ngàn lẻ chuyện dở khóc dở cười quanh các đối tượng hồi gia sau cai mà chúng tôi được nghe khi về thực tế tại các địa phương.

Có người được xét duyệt cho vay vốn làm ăn, chỉ được một thời gian, phương tiện làm ăn từ đồng vốn vay "bốc hơi" khiến người bảo lãnh cười như mếu. Khó khăn lắm mới sắp xếp được việc làm nhưng có khi chỉ được dăm bữa nửa tháng đã bỏ, chê lương thấp, đi cướp giật để có tiền mua đồ cho con mình không bị thua thiệt với con người ta...

Và những "khối thuốc nổ" tiềm tàng

Trở lại với Cầu Kho. Đây từng bị coi là một trong những tụ điểm ma túy phức tạp nhất trên cả nước nhưng sau 2 năm thành phố thực hiện thí điểm về phòng chống ma túy, đến quý 1 năm 2007, phường mới tạm yên. Ông Trần Văn Riều, cán bộ trong tổ cán sự tình nguyện phường nhớ lại: Thời kỳ cao điểm, người Cầu Kho ra đường là gặp... nghiện. Người nghiện tại địa phương có, người nghiện tứ xứ "nghe tiếng" Cầu Kho tìm về mua thuốc cũng nhiều...

Sau một thời gian ráo riết truy quét, phường có đến 222 đối tượng bị đưa vào các trung tâm cai nghiện. "Đi" lắm thì về cũng nhiều. Đến cuối năm 2008, Cầu Kho có 127 người được hồi gia. Quyết tâm giữ an ninh trật tự địa phương ổn định, ngay từ khi mới tiếp nhận danh sách người hồi gia, tổ cán sự tình nguyện địa phương đã phân công rõ ràng ai trực tiếp quan tâm, giúp đỡ đối tượng nào. Thiện chí đến giúp nhưng có khi chính cán bộ bị đuổi như đuổi tà.

Nhiều lần người của tổ cán sự tình nguyện đến thuyết phục người hồi gia đi kiểm tra sức khỏe, đến trung tâm tư vấn bị xua đuổi, gia đình tắt điện không tiếp, nói dối đi vắng, không cho tiếp cận. Có khi, ngay cả những người tưởng đã chí thú hoàn lương rồi nhưng đùng một cái cơ quan Công an báo về đã bị bắt về tội cướp giật, trộm cắp, buôn bán ma túy. Nỗ lực thế song đến nay chỉ có 69 người được địa phương quản lý, 47 người không có mặt tại địa phương và có đến 33 người thuộc dạng khó quản lý.

Khó quản lý, thậm chí không quản lý được số người hồi gia là tình trạng chung của nhiều địa phương. Số liệu thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố cho thấy, lượng người tái hòa nhập hiện có danh sách quản lý tại các quận, huyện chỉ chiếm 62,23%. Số tử vong, bỏ đi hẳn nơi khác là một lẽ, không ít đối tượng thoắt ẩn thoắt hiện, không quản lý được, thậm chí nhiều đối tượng tỏ ra "hợp tác" ở địa phương nhưng lại đi gây án ở nơi khác.

Thế nên, khi trao đổi với chúng tôi, không ít cán bộ phòng chống tệ nạn xã hội than thở: Địa phương có người hồi gia đông cứ lo nơm nớp như đang ngồi trên khối thuốc, chỉ sơ sểnh là nó có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

Cần sự đồng lòng, quyết tâm của các địa phương

Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố, kết thúc đề án thực hiện thí điểm quản lý và giải quyết việc làm cho người sau cai, thành phố tiếp nhận trở lại 14.538 người tái hòa nhập cộng đồng, trong đó có trên 3.700 người không trải qua đầy đủ giai đoạn quản lý sau cai nghiện, có nguy cơ dễ tái nghiện cao hơn.

Nỗ lực "kéo" người tái hòa nhập tránh xa ma túy, không mặc cảm với xã hội, thành phố đã có rất nhiều mô hình hoạt động phong phú: câu lạc bộ sức sống mới của Thành đoàn, CLB bạn giúp bạn, trợ vốn làm ăn, giúp tìm việc làm... Tuy nhiên, tất cả các giải pháp này chỉ mang tính hỗ trợ.

Yếu tố mang tính quyết định vẫn là bản lĩnh, quyết tâm của từng người được hồi gia. Được đoàn thể, chính quyền giúp đỡ nhưng nhiều người không làm chủ được bản thân, bị bạn bè rủ rê, buồn chán hoặc bệnh tật vẫn tìm đến thuốc. Đến nay, tổng số người tái nghiện thống kê được đã lên đến trên 1.300 người, chiếm 14,77%. Trong đó, nhiều nhất là ở quận 4, quận 8 và Bình Thạnh.

Số lượng người tái nghiện cao trong khi lượng người nghiện mới phát sinh cũng không giảm (năm 2008 tăng 27,16% so với năm 2007) càng khiến tình hình an ninh trật tự thành phố thêm phức tạp. Đã có 376 trường hợp người tái hòa nhập bị xử lý hình sự vì tội giết người, cướp giật, trộm cắp, gây rối trật tự công cộng. Thống kê của Công an thành phố cũng cho thấy, đến cuối năm 2008, trên toàn địa bàn có 30 tuyến, địa bàn, tụ điểm phức tạp về ma túy. Nhiều địa bàn đã được chuyển hóa nhưng dẹp nơi này lại mọc lên ở nơi khác.

Qua tìm hiểu của chúng tôi thì địa phương nào "làm rát", Công an, dân phòng trực 24/24h tại các tuyến, điểm bị liệt vào dạng cần đấu tranh, chuyển hóa, chúng lập tức dạt sang phường, xã khác. 

Lợi dụng địa bàn giáp ranh để hoạt động buôn bán, tiêm chích, đi sang địa bàn khác gây án... là đặc điểm chung của nhiều đối tượng. Thế nên, nếu không có sự phối hợp tốt giữa các địa phương, nếu từng địa phương chưa thực sự quyết tâm làm trong sạch địa bàn mình thì ma túy vẫn còn là nỗi ám ảnh đe dọa trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự cũng như tiếp tục tha hóa thêm nhiều công dân đang sinh sống tại chính địa phương mình

Ngọc Nguyễn
.
.
.