Giảm tải bệnh viện: Cần “cởi trói” nhiều quy định ngành để bệnh nhân được “đổi đời”

Thứ Sáu, 18/07/2014, 13:25
Trong chuyến khảo sát của đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu tới thăm các bệnh viện (BV) tại TP Hồ Chí Minh tuần qua nhằm đánh giá công tác giảm tải BV, đánh giá của đoàn về nguyên nhân cốt lõi mà 2 nơi gồm BV Chợ Rẫy và BV ĐHYD TP Hồ Chí Minh kéo dài tình trạng quá tải vì các giải pháp đã thực hiện mới mang tính “chữa cháy”. Trong khi bàn về những giải pháp lâu dài, mang tính đột phá lại gặp nhiều khó khăn do đụng phải nhiều qui định của ngành, mà chưa dễ thực hiện một sớm một chiều.

4h sáng nhân viên đã phải dậy tới bệnh viện

Qui định nghe mệt mỏi này đang được áp dụng tại BV ĐHYD TP Hồ Chí Minh nhằm đáp ứng việc giảm tải. Được biết, riêng tại tòa nhà A của BV đã được mở rộng và nâng cấp từ 2006 tới nay, lượng bệnh nhân (BN) khoảng 3.000 - 4.000 người/ngày, quá đông nên BV đã tăng cường bàn khám từ 20 bàn lên 68 bàn khám, phục vụ việc khám chữa bệnh, khám cận lâm sàng. Như vậy đã tăng thêm 44 bàn khám, cộng thêm đầu tư 11 phòng siêu âm, 5 phòng nội soi và 12 khu lấy xét nghiệm, cùng trang bị máy Citi Scaner, máy chụp “cộng hưởng từ” MRI hiện đại nhất. Tuy nhiên cũng không khác với tình trạng như khoa Khám bệnh của BV Chợ Rẫy, 9h hàng ngày, tại đây người đi lại đã rất khó khăn vì quá đông.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Bắc, Phó GĐ BV cho biết, để mỗi bác sĩ có được thời gian nhiều hơn khi khám cho BN, lãnh đạo BV đã ra qui định làm việc từ 4h sáng. Để vào 5h thì trừ khoa Nhi, còn tất cả các khoa - phòng đều đã phải đón tiếp BN. 6 h đồng loạt các bàn khám đã hoạt động. Những thời điểm quá đông thì sẽ làm việc thông tầm. Hiện khu A đã có 28 quầy đón tiếp BN. Và 7h30 các quầy này đã “trống”. Tức khâu làm thủ tục cho BN đã xong. Công nghệ thông tin (CNTT) được áp dụng triệt để. Trong đó là việc in mã vạch trên tất cả giấy tờ nhằm giảm thời gian đi lại cho BN. Kể cả hóa đơn cũng đều in mã vạch. Khi BN trở lại chỉ cần mang một trong các loại giấy tờ là kiểm tra được thông tin ngay trên máy quét, từ đó nhận ngay số thứ tự, vào khám.

Khu B -  BV ĐHYD TP Hồ Chí Minh vào 11h, bệnh nhân vẫn ngồi ngoài nắng chờ vào khám bệnh.

Ngoài ra BV có thêm lực lượng điều dưỡng và thư ký y khoa để nắm đầy đủ thông tin về BN trước khi đưa vào gặp bác sĩ. Song vào thời điểm 11h khi đoàn công tác của Bộ Y tế ghé thăm, giờ cao điểm qua từ lâu nhưng các khu vực khoa phòng nơi này đều đông nghẹt người. Ở khu B đã được cải tiến trong khâu thủ tục, trang bị một mái che dù rất lớn nhưng nhiều BN vẫn phải ngồi ngoài nắng chờ đợi.

Đi tìm một giải pháp hợp lý

Chia sẻ với lãnh đạo 2 BV trên, Bộ trưởng nói: “Khi đưa được thêm 1.000 giường vào BV K (Ung bướu) ngoài Hà Nội gần đây, có thể nói là BN tại đây đã được đổi đời. Nhiều người lầm tưởng là phòng dịch vụ nhưng đều là diện BHYT”. Theo Bộ trưởng, việc quá tải ở các BV khu vực TP Hồ Chí Minh nan giải hơn nhiều. Trong đó, cái khó là phải “đẩy” được một lượng rất lớn trong tỉ lệ 80 % số BN lên Chợ Rẫy; và 75% từ tỉnh chạy lên BV ĐHYD mà đa số là bệnh thông thường về đúng nơi, đúng chỗ.

PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy cho hay, dù áp dụng nhiều biện pháp nhưng số lượng BN không bớt đi mà lại có phần tăng. Riêng BN nội trú từ đầu năm tới nay đã vượt hơn 61 ngàn lượt BN. Hơn 2.400 BN nội trú/ngày trong khi số giường thực kê chỉ có 800 giường. Để BN không phải nằm ghép BV đã thực hiện kê được thêm 600 giường bằng băng ca. Nhưng tỉ lệ nằm ghép vẫn còn 15,8%. Tổ chức mở thêm các phòng mổ để phục vụ lượng BN ở các chuyên khoa ngoại khoa.

Với đề án đưa bác sĩ xuống tuyến dưới (1816), và BV vệ tinh, thì BV Chợ Rẫy đã làm khá nhiều: Chuyển giao 15 kỹ thuật cho 4 BV vệ tinh: BV Thống Nhất- Đồng Nai, Đa khoa Đồng Nai, BV Tiền Giang và BV Khánh Hòa; chỉ đạo tuyến cho 10 BV phía Nam; hỗ trợ chuyên môn cho 6 BV... Kể cả dung biện pháp chuyển BN trở lại tuyến dưới khi thấy phù hợp. Ở Khoa khám bệnh Chợ Rẫy, đã có 55 phòng khám và thực hiện mở rộng thêm  được 93 bàn khám. Dù BV đã có 5 máy citi, 3 máy chụp Mri nhưng do hoạt động công suất quá lớn nên chỉ cần 1 máy citi bị hỏng, BN ùn ứ liền.

Để “giải tỏa” được việc BN vượt tuyến vì cho rằng toa thuốc BV tuyến trên “tốt” hơn toa thuốc dưới BV tuyến dưới, tại buổi làm việc với 2 BV trên, ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: Hội đồng thuốc và Cục Quản lý & khám chữa bệnh Bộ Y tế đã bàn bạc và thống nhất thời gian tới sẽ lưu ý tăng cường quản lý về dưới tuyến cơ sở. Theo đó, các thuốc nội khoa đề nghị cho phép sử dụng ở tuyến dưới thống nhất với tuyến trên. Trừ các kỹ thuật ứng dụng mới thực hiện phân tuyến. Sau khi có chẩn đoán bệnh ở BV tuyến trên, kể cả có kết quả xét nghiệm về gen, tế bào vẫn đưa BN về tuyến dưới, cho thuốc và quản lý BN ở tuyến dưới.

Cũng theo ông Lê Văn Khảm, nếu ở tuyến xã không có bác sĩ điều trị nhưng y sĩ đủ khả năng điều trị  bệnh cho BN thì cũng được phép nhưng thông qua giám đốc y tế địa phương, đảm bảo an toàn về chuyên môn cho người bệnh .

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng, thời gian tới, các bệnh nội khoa và bệnh thông thường bộ phận BHXH và Bộ Tài chính bàn bạc thống nhất về phác đồ, thuốc điều trị bệnh phải như nhau. Làm việc này cũng là nâng cao trình độ, tay nghề cho bác sĩ tuyến dưới, xóa bỏ sự phân biệt đối xử không nên có trong khám chữa bệnh. Việc cơi nới diện tích, thêm giường bệnh… đều không phải là giải pháp hợp lý, BV vệ tinh, đề án đưa BS về tuyến dưới mới là quan trọng. Thời gian tới cũng cần loại bỏ những thủ tục có tính chất “hành” BN như phải đi photo lại các thẻ BHYT, giấy chuyển viện. Các BV phải tự bố trí từng bàn photo miễn phí cho BN

Huyền Nga
.
.
.