Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội:

Giám sát việc thi hành pháp luật về trật tự giao thông

Thứ Năm, 20/12/2007, 15:17
Sáng 19/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về chương trình công tác và chương trình hoạt động giám sát năm 2008.

Trong nhiều nội dung giám sát, đáng chú ý Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ tiến hành giám sát chuyên đề về việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Việc giám sát nội dung này sẽ được triển khai thực tế và kết hợp với chất vấn, trả lời chất vấn tại phiên họp tháng 4/2008 của UBTVQH.

Dự kiến đầu tháng 5/2008 khai mạc kỳ họp thứ ba Quốc hội khoá XII

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho biết, kỳ họp thứ ba Quốc hội khoá XII dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 6/5/2008 và bế mạc vào ngày 13/6/2008. Quốc hội sẽ dành 22/32 ngày làm việc cho công tác xây dựng pháp luật.

Kỳ họp sẽ xem xét thông qua 23 dự án luật, trong đó đáng chú ý là Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Dân sự (phần liên quan đến lãi suất huy động và cho vay vốn của tổ chức tín dụng) và Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Phòng chống ma tuý…

Một nội dung giám sát đáng chú ý khác, dự kiến UBTVQH sẽ giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về vay và trả nợ trong xây dựng cơ bản sử dụng vốn Nhà nước ở địa phương. Trong năm 2008 UBTVQH sẽ tiến hành giám sát để đánh giá được đầy đủ, cụ thể việc vay và trả nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản, là vấn đề trong thực tế vẫn còn những vướng mắc, bức xúc, chưa tạo điều kiện để đẩy nhanh tốc độ phát triển của các địa phương.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH tán thành với nội dung công tác giám sát trên, nhưng đề nghị bổ sung một số vấn đề nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm.

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đề nghị cần  triển khai giám sát thêm về công tác tư pháp, bởi đây là nội dung công việc mà Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đẩy mạnh, không thể xem nhẹ.

Kết quả tổng hợp ý kiến mới đây từ các Đoàn đại biểu Quốc hội cho thấy thực tế việc xét xử oan sai và xử giám đốc thẩm còn nhiều. Do vậy, tới đây cần tăng cường giám sát công tác xét xử của ngành Toà án.

Ông Trần Thế Vượng cũng dẫn ra số liệu vụ án hành chính được thụ lý xét xử hằng năm trên cả nước chỉ hơn hơn 700 vụ, trong khi cả nước có khoảng 700 toà án cấp quận, huyện và 64 toà hành chính cấp tỉnh. Như vậy bình quân mỗi năm, mỗi toà án chưa thụ lý nổi một vụ án hành chính

Đinh Tuấn
.
.
.