Công bố Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo:

Giảm mạnh môn học bắt buộc ở nhà trường phổ thông

Thứ Sáu, 20/09/2013, 09:35
Chiều 19/9, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Bộ GD&ĐT đã thông báo những nội dung chính trong Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục vào đào tạo”.
>> Cấu trúc chương trình 12 năm vẫn là phù hợp nhất

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ tư duy, quan điểm đến mục tiêu, hệ thống, chương trình giáo dục. Đổi mới căn bản và toàn diện không có nghĩa là làm lại tất cả, từ đầu mà cần vừa củng cố, phát huy các thành tựu và điển hình đổi mới, vừa kiên quyết chấn chỉnh những lệch lạc, những việc làm trái quy luật, phát triển những nhân tố tích cực mới…

Tích hợp nhiều môn học thành một môn học

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận, chương trình giáo dục hiện nay đang quá tải, do nhiều nguyên nhân: Do sách viết phải đảm bảo tính khoa học nên đã có quá nhiều kiến thức hàn lâm; do khi xây dựng chương trình bị cắt khúc, không có tính liên thông giữa các môn học nên nhiều kiến thức bị thừa; mặt khác mục tiêu của chương trình hiện hành là giáo dục toàn diện, học sinh nào cũng học giống nhau mà thiếu sự phân hóa cũng gây quá tải; do mục tiêu đề ra coi trọng kiến thức dẫn đến hệ lụy là nhồi kiến thức.

 Để giảm tải học hành, Đề án đổi mới giáo dục đã đề xuất phương án tích hợp và phân hóa các môn học. Có thể tích hợp nội dung có liên quan trong một môn học (ví dụ các nội dung về môi trường, năng lượng, biến đổi khí hậu, kỹ năng sống, dân số, sức khỏe sinh sản…) vào nội dung của mỗi môn học tùy theo đặc trưng của từng môn. Đồng thời, tích hợp nhiều lĩnh vực thành một môn học với hai mức độ; giảm số môn học bắt buộc; tăng số môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục dành cho học sinh tự chọn. Một số môn học như Lý, Hóa, Sinh được tích hợp thành môn Khoa học; Sử, Địa, Giáo dục đạo đức và công dân tích hợp thành môn Khoa học xã hội. Nếu như cấp tiểu học hiện nay phải học 11 môn học + 3 hoạt động thì sau năm 2015, khi có chương trình mới, học sinh sẽ chỉ phải học 3 - 6 môn học + 4 hoạt động; cấp THCS cũng sẽ giảm từ 13 môn học xuống còn 8 môn; cấp THPT giảm từ 13 môn học xuống còn 3 môn bắt buộc, 3 môn tự chọn và 4 hoạt động. Song song với chương trình mới thì SGK cũng sẽ được biên soạn đồng thời và thí điểm đồng thời ở cả 3 cấp nhằm rút ngắn thời gian thí điểm, chỉ khoảng 3 - 4 năm, không làm theo cách cuốn chiếu như vừa qua, thời gian thí điểm quá dài.

Vấn đề chất lượng và hiệu quả giáo dục luôn phải được đặt lên hàng đầu. Ảnh minh họa: CTV.

Thực học, thực nghiệp có trị được bệnh thành tích?

Trả lời câu hỏi của PV Báo CAND: Bộ sẽ có giải pháp gì để khắc phục triệt để bệnh thành tích và giáo dục không thực chất; đồng thời để chuyển hẳn sang giáo dục chất lượng, không chạy theo giáo dục số lượng như hiện nay? Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ: Ngành Giáo dục đã kiểm điểm nghiêm túc và thẳng thắn về bệnh thành tích. Do đó, giải pháp sẽ được huy động tổng thể, trong đó chú trọng vấn đề quản lý chất lượng đầu ra ở các trường, tăng cường thanh tra, kiểm tra, đổi mới thi và cách đánh giá. Một điều rất quan trọng là sẽ tăng cường tuyên truyền nhằm đổi mới quan niệm của người dân về việc học, học là để cho mình, thực học, thực nghiệp, học để làm nghề chứ không phải học, thi vì bằng cấp…

Trong Đề án đổi mới, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ sắp xếp lại hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên theo hướng khắc phục tình trạng phân tán; hình thành các trường sư phạm khu vực. Các trường sư phạm chỉ làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nghiên cứu khoa học. Không giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đối với một số cơ sở đào tạo sư phạm hiện nay nếu xét thấy không còn phù hợp. Tập trung xây dựng một số trường sư phạm, sư phạm kỹ thuật trọng điểm. Xây dựng và thực hiện cơ chế điều hòa, phối hợp trong quá trình phát triển và hoạt động của các trường sư phạm, sư phạm kỹ thuật theo mục tiêu, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên phạm vi cả nước. Có cơ chế tuyển sinh và cử tuyển riêng để tuyển chọn được những người có năng lực phù hợp vào ngành sư phạm…

Thu Phương
.
.
.