Giảm 1,2 triệu người tham gia bảo hiểm y tế: Do quá nhiều thủ tục hành chính

Thứ Tư, 13/05/2015, 08:27
Giảm 1,2 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là con số rất đáng quan tâm sau 4 tháng triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, với qui định bắt buộc người dân phải tham gia BHYT. Việc sụt giảm này đang đe dọa mục tiêu đến hết năm 2015, 75% dân số nước ta có thẻ BHYT. Điều này được Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam xác nhận tại cuộc họp tổ chức tại Hà Nội ngày 12/5.

Hết năm 2014, cả nước có 64.470.000 người dân tham gia BHYT, chiếm 71,6% dân số thì đến tháng 4/2015, chỉ còn 63.250.000 người. Trong đó, giảm nhiều nhất là những người phải tự bỏ tiền mua thẻ BHYT chiếm tới 15%.

Lý giải nguyên nhân của sự sụt giảm đáng kể này, ông Vũ Xuân Bằng, Phó Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho rằng, đó là do một bộ phận người dân và chính quyền địa phương chưa hiểu hết các quy định của Luật: “Một số địa phương thực hiện các quy định một cách máy móc nên thủ tục đăng ký mua thẻ BHYT còn phiền hà.

Luật BHYT sửa đổi quy định từ ngày 1/1/2015 bắt buộc phải tham gia BHYT theo hộ gia đình, nhưng với những người đi công tác xa, công tác nước ngoài thì căn cứ vào đâu để lập danh sách mua thẻ BHYT theo hộ gia đình cho những người trong gia đình họ ở nhà? Vì thế, chính quyền  địa phương yêu cầu người dân phải photo giấy tạm trú, tạm vắng và thẻ của những người đã tham gia BHYT để chứng minh. Chính những thủ tục phiền hà đó đã góp phần làm giảm tỷ lệ người tham gia BHYT”. 

Nằm ghép trong bệnh viện đều là người bệnh BHYT.

Ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho rằng: Công văn 777/BHXH-BT ngày 12/3/2015 của BHXH Việt Nam hướng dẫn: “Đối với người đang tham gia BHYT vẫn có tên trong sổ hộ khẩu (như đi nước ngoài, ly hôn….) thì trưởng thôn/bản/tổ yêu cầu hộ gia đình phải xuất trình giấy tạm vắng, giấy ly hôn… để chứng minh”. 

Nhưng quy định này không thực hiện được, vì khi một người đi khỏi địa bàn thì địa phương cấp giấy tạm vắng cho người đó mang đến đăng ký tạm trú tại nơi khác nên gia đình không có giấy tạm vắng của người đó để trình. Ngoài ra, tham gia theo hộ gia đình, dù được giảm mức đóng BHYT từ 30-50% thì một gia đình có 5 người sẽ đóng khoảng gần 2 triệu đồng/năm. 

Với người dân ở nông thôn, đây là khoản tiền lớn nên nhiều người đã không tham gia. Các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng chưa quyết liệt trong vận động người dân tham gia BHYT nên nhiều tỉnh chỉ có 34% số dân tham gia BHYT, thậm chí, ngay đối tượng phải tham gia BHYT bắt buộc là học sinh thì có tỉnh chỉ đạt 75% mà chưa có giải pháp khắc phục.

Nhưng, nhìn rộng ra, số lượng người đóng BHYT giảm còn có nguyên nhân nữa cần được nhắc đến. Đó là việc thanh toán chi phí vượt quỹ, vượt trần còn chậm, còn nhiều vướng mắc, như ở Phú Yên, Bạc Liêu, Bến Tre vv… 

Trong công tác tổ chức khám, chữa bệnh (KCB) và chuyển tuyến BHYT vẫn có những vướng mắc như giấy xác nhận “Đang chờ cấp, đổi thẻ BHYT” không có thông tin nơi đăng ký KCB ban đầu nên bệnh viện (BV) không có căn cứ xác định người bệnh đi KCB có đúng tuyến hay không. 

Một số đối tượng chính sách khi đổi thẻ BHYT thì có giấy xác nhận đang chờ cấp, đổi thẻ BHYT, nhưng giấy này lại không phải do cơ quan BHXH cấp nên khi đi KCB không được BHXH tỉnh chấp nhận. Hiện vẫn chưa có hướng dẫn thanh toán chi phí xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh vv… khi người bệnh đến BV tuyến tỉnh, tuyến trung ương khám ngoại trú không đúng tuyến, sau đó có chỉ định vào viện điều trị nội trú. Cũng chưa có hướng dẫn với những trường hợp được cơ sở KCB BHYT viết giấy chuyển tuyến đến cơ sở KCB BHYT khác để thực hiện kỹ thuật do cơ sở KCB chuyển đi không đáp ứng được; hay với người già, yếu, lão suy… không đến cơ sở y tế để KCB định kỳ được. Quy định người trên 80 tuổi và trẻ dưới 6 tuổi khi chuyển tuyến điều trị từ xã lên huyện và ngược lại phải có giấy chuyển tuyến đã gây khó khăn cho các đối tượng này, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.

Trước thực trạng vừa nêu, ông Vũ Xuân Bằng cho biết, BHXH Việt Nam đã có qui định chi tiết hơn về việc mua BHYT theo hộ gia đình. Theo đó, nếu người dân đã tham BHYT và tiếp tục đóng sẽ được cấp thẻ có thời hạn đến hết 31/12/2015. Những người chưa từng tham gia BHYT, bắt buộc phải tham gia theo hộ gia đình. Những người tham gia BHYT lần đầu trong năm 2015 đã được cấp thẻ BHYT thì thẻ chỉ có giá trị trong 3 tháng, sau đó, bắt buộc phải tham gia theo hộ gia đình. Từ 1-1-2016, những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, tạm vắng bắt buộc phải tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Để ngăn số người đóng BHYT tiếp tục giảm, Bộ Y tế đã đề nghị BHXH Việt Nam không ban hành thêm các quy định, thủ tục liên quan đến BHYT, để không làm tăng thủ tục hành chính. Các BV phải công khai bảng giá viện phí và minh bạch các khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả, hay được BHYT thanh toán.

Thanh Hằng
.
.
.