Giải tỏa tuyến Kim Liên - Ô chợ Dừa, người dân không chỉ lo giá đền bù

Thứ Ba, 22/02/2005, 07:52

Hơn 1.000 hộ dân cư ngụ dọc theo tuyến đường Đê La Thành kéo dài từ Kim Liên đến Ô Chợ Dừa thuộc hai phường Nam Đồng và Phương Liên (quận Đống Đa) đang thấp thỏm và lo lắng về kế hoạch giải phóng mặt bằng để xây dựng tuyến đường vành đai I của thành phố Hà Nội. Không chỉ lo giá đền bù, họ còn lo về chỗ ở mới sẽ ra sao.

Tết Ất Dậu vừa rồi, bà con ở khu vực này đến thăm nhau sau lời chúc Tết, câu chuyện liền xoay quanh những câu hỏi đại loại như: Liệu Tết năm tới, chúng ta sẽ chúc Tết nhau ở đâu? Bao giờ thì chuyển đến nơi ở mới, và chỗ ở mới liệu có đáp ứng được nhu cầu đời sống như ở nơi cũ? Giá đền bù là bao nhiêu, ai lợi, ai thiệt? Nhưng xem ra, câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp.

Mặc dù được xác định là tuyến đường huyết mạch trong nội đô, nhưng đường Đê La Thành, đoạn kéo dài từ Ô Chợ Dừa - Kim Liên chật chội, hầu như ngày nào cũng quá tải. Ngay từ đầu năm 2001, kế hoạch xây dựng tuyến đường vành đai I đã được chính quyền thành phố đề ra. Bởi lẽ nếu tuyến đường này được xây dựng, không những Thủ đô có thêm một con phố đẹp mà nỗi lo thường trực về ách tắc giao thông trên phố Khâm Thiên và các khu vực lân cận cũng sẽ được giải tỏa.

Dự án phát triển khu vực Kim Liên (Hà Nội)

Do vậy, sau khi nhận được tờ trình của UBND Tp. Hà Nội, Chính phủ đã có Quyết định số 823/5/7/2001/CP về việc xây dựng đường vành đai này. Song, do chưa thống nhất được việc xây dựng song song đường vành đai I và tuyến phố hai bên nên mãi tới gần đây, tại phiên họp đầu năm 2005, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Triệu đã kết luận là triển khai ngay đường vành đai I, còn việc khai thác quỹ đất hai bên làm tuyến phố là công việc tiếp theo của giai đoạn 2. Theo đó, tuyến đường mới sẽ có mặt cắt rộng 50m với 4 làn xe cơ giới. Dự kiến, đến ngày 30/10/2005, về cơ bản, Hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB) sẽ giao toàn bộ mặt bằng cho Ban Quản lý dự án thành phố để triển khai thực hiện.

Gần mặt đường vẫn thua mặt ngõ?

Thật ra không phải đến thời điểm này người ta mới bàn tán đến dự án này mà từ nhiều năm nay, từ nhiều nguồn, những thông tin về GPMB ở tuyến đường, người dân hai phường Nam Đồng và Phương Liên cũng đã nắm được. Lo lắng khi sắp phải chuyển nhà là điều đương nhiên nhưng có lẽ câu hỏi mà tất cả những hộ dân ở đây băn khoăn nhất, đó là giá cả đền bù khi giải tỏa.

Theo Quyết định số 199/2004/QĐ-UB của UBND Tp Hà Nội thì giá đất tại đô thị được xác định cụ thể cho từng đường phố với bốn mức giá tùy theo bốn vị trí như sau: vị trí 1 áp dụng đối với các thửa đất có ít nhất một mặt giáp với đường phố, vị trí 2 áp dụng đối với các thửa đất có ít nhất một mặt giáp với ngõ, ngách, hẻm có chiều rộng từ 3,5m trở lên, vị trí 3 áp dụng đối với các thửa đất có ít nhất một mặt giáp với ngõ có chiều rộng từ 2-3,5m, vị trí 4 áp dụng đối với các thửa đất có ít nhất một mặt giáp với ngõ có chiều rộng nhỏ hơn 2m.

Nếu theo mức áp giá của UBND Tp Hà Nội đã công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng thì mức giá cụ thể cho tuyến đường Đê La Thành đoạn Kim Liên - Ô chợ Dừa là 15.000.000 đồng/m2 ở vị trí 1; 9.750.000 đồng/m2 vị trí 2; 8.400.000 đồng/m2 vị trí 3 và 7.500.000 đồng/m2 vị trí 4. Như vậy, dù vị trí đất của nhà nào nằm sát ngay sau lô đất mặt đường hoặc chỉ cách đường Đê La Thành chừng 15-20m nhưng diện tích đất mặt ngõ chỉ từ 2m trở xuống thì giá tính đền bù sẽ chỉ bằng 1/2 giá đền bù của lô đất trước. Điều này xem ra đã trở thành một nghịch lý.

Chiều 17/2, chúng tôi có mặt tại phường Phương Liên. Mặc dù theo kế hoạch thì trong tháng 2 này sẽ có 200 hộ đầu tiên trên địa bàn phường chính thức có phương án đền bù giải tỏa, nhưng cho đến thời điểm này, các hộ dân ở đây vẫn chưa có bất kỳ một thông tin nào ngoài cuộc họp tổ dân phố trước Tết rằng sau Tết sẽ có kế hoạch cụ thể.

Ông Chu Văn Be, 73 tuổi, ở tổ 45 phường Phương Liên đang rất lo lắng vì 11 nhân khẩu của gia đình ông hiện đang sống trên diện tích chỉ có 23m2 trong ngõ. Theo quy định, gia đình ông sẽ được đền bù theo giá 9.750.000 đồng/m2, tổng cộng toàn bộ diện tích đất đang ở của gia đình ông sẽ được đền bù khoảng 210 triệu đồng. Ông Be vẫn rất lo lắng vì với số tiền được đền bù, liệu gia đình ông có mua nổi một căn hộ để ở. Mà nếu có được chuyển đến nơi ở mới thì thu nhập liệu có đủ để trang trải hàng trăm khoản phí đóng góp cho cuộc sống ở chung cư mới hay không…

Còn hộ nhà ông Trần Hồng Thủy thì lại có nỗi lo khác. Mặc dù diện tích đất nhà ông rộng 300m2, nhưng hiện tại ông đang sống với 4 gia đình nhỏ của 4 người con. Ông Thủy cho rằng, tính theo giá thị trường thì vị trí đất của ông lên đến 24 triệu đồng/m2, tính giá đền bù thì chỉ 9.750.000 đồng/m2, chưa bằng 1/2. Như vậy, tính ra nhà ông sẽ thiệt gần 4 tỷ đồng. Ông Thuỷ cho biết, ông không phàn nàn về giá đất, rằng chính sách của Nhà nước ông sẽ chấp hành đầy đủ, nhưng điều khiến ông lo lắng là gia đình ông với bốn hộ nhỏ liệu có được ưu tiên mua bốn căn hộ hay không?

Những hộ dân trong diện giải tỏa sẽ đi về đâu?

Mang theo những lo lắng, bức xúc của người dân, chúng tôi tìm đến Hội đồng GPMB quận Đống Đa. Ông Nguyễn Tiến Trung, Phó Chủ tịch Hội đồng GPMB quận cho biết: Theo kế hoạch, toàn bộ những hộ dân trong diện giải toả lần này sẽ về nơi tái định cư mới là khu Nam Trung Yên. Hiện nay, bên chủ đầu tư đã có hợp đồng mua 500 căn hộ, mỗi căn hộ rộng từ 50 đến 90m2. Tùy vào diện tích đất bị thu hồi, mỗi gia đình sẽ được mua căn hộ rộng, hẹp khác nhau theo hình thức bốc thăm.

Về giá cả, những hộ gia đình này sẽ được cấp số diện tích bằng hai lần diện tích đất thu hồi, số diện tích vượt quá sẽ tính theo hệ số K. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về những lo lắng của người dân, ông Trung nhấn mạnh, dù diện tích bị thu hồi của các hộ gia đình có nhỏ đến mức nào thì Nhà nước cũng sẽ bố trí tái định cư cho họ. Trường hợp đất rộng như nhà ông Thủy, Nhà nước sẽ có những ưu tiên nhất định. Giá sàn chung của các căn hộ chung cư trung bình 4 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện nay vì chưa có giá mới của UBND thành phố đưa ra nên vẫn đang phải chờ. Quận đã ra kế hoạch là đến hết tháng 2 này sẽ hoàn thành phúc tra và lên phương án đền bù hỗ trợ cho 200 hộ đầu tiên.

Tuy nhiên, dư luận lại đặt ra vấn đề là nên chăng kết hợp làm luôn tuyến phố hai bên để vừa tạo cảnh quan vừa đỡ phần thiệt hại cho những người dân bị giải tỏa trước?

Lưu Vinh - Lệ Thúy
.
.
.