Giải quyết sinh kế để bảo vệ, phát triển rừng bền vững

Thứ Tư, 16/06/2021, 06:40
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra nhiều vụ phá rừng, xâm lấn đất đai để trồng rừng trái phép. Ông Nguyễn Công Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông cho biết, việc tuần tra kiểm soát, phát hiện xử lý tình trạng khai thác rừng, xâm lấn đất đai để trồng rừng trái phép đã gặp nhiều khó khăn.


Nguyên nhân chủ yếu do dân số tăng nên một số hộ dân phá rừng lấy đất sản xuất. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh chiếm diện tích đất nông, lâm nghiệp khá lớn. Trong khi cuộc sống người dân miền núi chủ yếu dựa vào trồng rừng, trồng hoa màu và lúa đồi, cùng một ít diện tích lúa nước ven các con suối, bìa rừng nên khi đất đai phát triển sản xuất bị thu hẹp, sinh kế của bà con càng trở nên chật vật.

Từ đó, một số người lén lút vào rừng khai thác gỗ để bán kiếm sống, thậm chí câu kết với một số đối tượng người ngoài địa phương để phá rừng. Bên cạnh đó, nhiều người còn xâm lấn đất đai bằng phương thức, thủ đoạn: Một ngày chặt phá một khoảnh nhỏ rừng, tiếp sau đó trồng, lấn diện tích rừng qua hàng tuần, hàng tháng khiến lực lượng chức năng rất khó phát hiện để ngăn chặn… 

Tỉnh Quảng Trị đã thực hiện quyết sách giao rừng, đất rừng cho người dân để góp phần đảm bảo phát triển rừng bền vững.

Cũng theo ông Tuấn, BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông được giao quản lý, bảo vệ, chăm sóc 26.000ha rừng nằm trên địa bàn 15 xã, thị trấn kéo dài từ khu vực cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến hết huyện Đakrông, giáp ranh huyện Cam Lộ. Trước thực tế người dân khó khăn về đất đai sản xuất, gây ra những hậu quả, hệ lụy nói trên, vào đầu tháng 3/2021, sau khi đã kiểm tra, rà soát kỹ thực tế, BQL đã trình Sở NN&PTNT tỉnh kế hoạch giao người dân 3.000ha rừng và đất rừng để họ lấy đó làm “đòn bẩy” phát triển kinh tế.

Theo đó, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cũng đã thông qua kế hoạch, báo cáo đề xuất và được UBND tỉnh này phê duyệt, BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông đã tiến hành giao rừng và đất rừng cho chính quyền các địa phương trên địa bàn để giao lại cho dân. Hiện tại, đơn vị đã giao gần 120ha đất rừng ở thôn Khe Van, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông.

Thời gian tới sẽ giao các địa phương khác trên địa bàn huyện này và huyện Hướng Hóa… Tương tự, các công ty lâm nghiệp và BQL rừng khác ở Quảng Trị cũng đã và đang bóc tách để giao lại cho chính quyền địa phương quản lý hơn 10.000ha rừng và đất rừng để phân chia cho người dân phát triển sản xuất.

Trao đổi với chúng tôi về nhu cầu đất đai phát triển sản xuất của người dân địa phương, ông Thân Trọng Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh cho hay, hiện nhu cầu về đất sản xuất của người dân trên địa bàn rất lớn. Chính vì vậy, khi được Công ty Lâm nghiệp Bến Hải dành khoảng 15-20% diện tích đất rừng có khả năng canh tác nhằm cân đối, giải quyết những nhu cầu sản xuất thiết yếu của người dân sống ở vùng phụ cận, chính quyền và nhân dân trong xã rất phấn khởi.

Đến nay, địa phương đã bước đầu nhận được trên 40ha đất rừng của đơn vị trên giao lại để phân chia cho dân. “Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được thêm diện tích còn lại, gấp 8 lần diện tích đã nhận, theo kế hoạch của Công ty Lâm nghiệp Bến Hải giao lại cho địa phương để phân chia cho dân”, ông Dũng chia sẻ đồng thời khẳng định, có đất sản xuất, chắc chắn tình trạng phá rừng, xâm lấn đất đai Nhà nước để trồng rừng sẽ được hạn chế đến mức tối đa, mức sống của người dân địa phương sẽ được nâng cao rất đáng kể nhờ vào việc bảo đảm sinh kế bền vững này.

Theo ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị, trước khi giao người dân rừng và đất rừng kể trên nhằm góp phần quản lý, bảo vệ và phát triển rừng Nhà nước một cách bền vững, những năm qua, đơn vị cũng đã chỉ đạo sát sao công tác bảo vệ rừng theo hướng xã hội hóa thông qua giao khoán cho nhóm hộ và hộ dân ở những nơi có rừng.

Cụ thể, hàng năm, các BQL rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở Quảng Trị đã giao khoán bảo vệ rừng cho khoảng 1.200 hộ dân và 20 cộng đồng ở thôn bản, với tổng diện tích hơn 45.000ha rừng tự nhiên và rừng trồng phòng hộ. Thực tế công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng theo hướng xã hội hóa này đạt được hiệu quả khá cao. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn tồn tại nhiều tiêu cực do lợi ích của người dân là không đồng đều.

Vì thế, để nâng cao hiệu quả này, Sở NN&PTNT tỉnh đã đề xuất và được UBND tỉnh phê duyệt, tiến hành khẩn trương việc giao lại một số diện tích rừng và đất rừng cho người dân ở những nơi có rừng để bà con phát triển kinh tế gắn liền với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Về vấn đề này, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết thêm, toàn tỉnh Quảng Trị có diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng trên 293.800ha, trong đó đất có rừng hơn 245.800ha, đất quy hoạch phát triển rừng hơn 48.000ha.

Riêng trong diện tích đất có rừng thì rừng tự nhiên có hơn 126.700ha, rừng trồng trên 119.000ha; độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh 50%. Việc giao rừng, đất rừng cho người dân ở những nơi có rừng để bà con phát triển sản xuất là một quyết sách rất đúng đắn, sẽ bảo đảm được sinh kế cho người dân, hạn chế tối đa việc xâm hại rừng. 

Thanh Bình
.
.
.