Quốc hội thảo luận Bộ luật Dân sự (sửa đổi):

Giải quyết phát sinh các quyền nhân thân, thừa kế

Thứ Hai, 09/05/2005, 07:44
Tại phiên họp chung tại Hội trường, đại biểu Trương Hòa Bình (Tp. Hồ Chí Minh) dành nhiều thời gian đề cập việc giải quyết di sản để lại của người quá cố - là vấn đề đang gặp nhiều vướng mắc trong thực tiễn.

Đại biểu Trương Hoà Bình phân tích: phải đưa cả nghĩa vụ trong việc giải quyết vấn đề này, đó là nghĩa vụ giải quyết di sản để lại của người quá cố và "căn cứ vào truyền thống đạo lý của dân tộc, đồng thời đảm bảo pháp luật". Thế nhưng, có quan niệm cho rằng, nếu như chấp nhận nội dung này để đưa vào khái niệm về di sản thì coi như thực hiện một chế định lạc hậu trước đây để lại: "cha ông nợ thì con cái phải trả suốt đời".

Lý giải quan niệm này, đại biểu Trương Hoà Bình cho rằng, trong cuộc sống hiện đại, có nhiều mối liên quan đặt ra, chẳng hạn trường hợp người cha mua một tài sản cố định nào đó, hay một bất động sản (như mua nhà trả góp), sau khi thực hiện xong thì mất. Trong trường hợp đó, nếu người con không tiếp tục thực hiện nghĩa vụ này coi như con không được thừa kế.

Bên cạnh đó, xuất phát từ hoàn cảnh người con thực hiện nghĩa vụ của người quá cố để lại phải trả những món nợ khổng lồ mà với tài sản để lại không thể trả nổi. Cũng có những hành vi vi phạm pháp luật nhưng được che đậy rất tinh vi, chẳng hạn một người biết rằng, mình bị bệnh nan y sắp mất, họ tìm cách đi vay mượn khoản tiền rất lớn rồi để lại tài sản đó cho người con. Nếu người con không có nghĩa vụ trả nợ thì người cho vay nói trên sẽ mất đi khoản tiền rất lớn mà pháp luật không giải quyết được.

Theo lập luận đó, đại biểu Trương Hoà Bình đề nghị đưa vấn đề này vào luật và "theo nguyên tắc có lợi cho người được hưởng di sản, được quyền từ chối di sản hoặc giới hạn tối đa mà người thực hiện nghĩa vụ này phải chấp nhận. Phải xem xét cụ thể đối với người được thừa hưởng di sản, có nghĩa vụ so với khối tài sản được thừa hưởng của mình"

P.V.
.
.
.