Giải pháp đảm bảo an toàn và không gây gián đoạn việc học tập của học sinh

Thứ Sáu, 28/02/2020, 08:13
Mặc dù trong thời gian qua, về cơ bản Việt Nam đã ngăn chặn có hiệu quả dịch COVID-19, nhưng cho tới nay, ngành giáo dục vẫn rất khó khăn trong việc đưa ra quyết định có cho học sinh, sinh viên quay trở lại trường hay không? Lý do là hiện vẫn tồn tại tranh luận rất quyết liệt giữa hai quan điểm.


Một bên là không thể để học sinh, sinh viên cả nước phải tiếp tục nghỉ học khi mà tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam đã tạm ổn và luồng quan điểm khác là nên cho học sinh nghỉ học vì tại các nước láng giếng của ta dịch vẫn đang ở đỉnh cao trong khi các cơ sở giáo dục là những nơi tập trung đông người.

Trước thực tế trên, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có văn bản tái kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép khôi phục lại việc dạy học trực tuyến trên truyền hình cho học sinh cả nước. TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ tuyển sinh, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có những chia sẻ với PV Báo CAND về vấn đề này.

TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ tuyển sinh Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

PV: Thưa ông, vì sao Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam lại có văn bản tái kiến nghị Thủ tướng Chính phủ khôi phục lại việc dạy học trực tuyến trên truyền hình trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp?

TS Lê Viết Khuyến: Việc học sinh, sinh viên nghỉ học trong mùa dịch COVID-19 là cần thiết nhưng nếu kéo dài sẽ tác động xấu nhiều mặt đến giáo dục và xã hội. Toàn dân cần chung sức với ngành giáo dục triển khai các giải pháp vĩ mô để chủ động đối phó với mọi diễn biến xấu có thể xảy ra, không nên thụ động cho học sinh, sinh viên nghỉ chờ hết dịch.

Tại công văn số 04/HH-VP ngày 20-2-2020, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã kiến nghị tới Thủ tướng thay thế giải pháp cho người học nghỉ học -một giải pháp mang tính thụ động - bằng giải pháp chủ động hơn trong mùa dịch là không đóng cửa các trường học mà vẫn cho trường học tiếp tục hoạt động nhưng các trường phải chuyển qua phương thức học từ xa (bao gồm học hàm thụ, học trên truyền hình, học trực tuyến…) để tránh việc tập trung đông người học.

Trong các loại hình trên, hình thức dạy học trên truyền hình cho phép có thể áp dụng đại trà với đông đảo học sinh nên chỉ qua vài ngày đã được nhiều địa phương ủng hộ và hưởng ứng. Đơn cử như một số tỉnh phía Nam là  Đồng Nai, Vĩnh Long, An Giang, TP Hồ Chí Minh… đã và đang chuẩn bị các điều kiện để áp dụng hình thức này.

Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa thấy Bộ GD&ĐT thể hiện quan điểm của mình về đề kiến nghị này trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương vẫn rất khó khăn trong việc đưa ra quyết định cho học sinh nghỉ học hay đi học trở lại.

Vì lợi ích của hơn 20 triệu học sinh, sinh viên trên toàn quốc, Hiệp hội tiếp tục có văn bản tái kiến nghị để Thủ tướng và lãnh đạo các cơ quan Nhà nước có thể sớm có quyết định cho triển khai đại trà phương thức dạy học trên truyền hình ở các cơ sở giáo dục, trước hết là các cơ sở giáo dục phổ thông.

PV: Đâu là những lợi thế và khác biệt của việc dạy học trực tuyến trên truyền hình so với phương thức dạy học trực tiếp, truyền thống hiện nay, thưa ông?

TS Lê Viết Khuyến: Thực tế cho thấy, biện pháp học trực tuyến bằng máy tính, điện thoại thông minh không dễ thực hiện đại trà, bởi đối tượng người học có hoàn cảnh kinh tế khác nhau. Bên cạnh đó, cả nước có hàng trăm kênh truyền hình từ Trung ương đến địa phương, có thể triển khai dạy học trên truyền hình.

Áp dụng hình thức dạy học trên truyền hình sẽ tránh được tình trạng học sinh phải nghỉ học dài ngày vì dịch bệnh. Ảnh minh họa

Nhà nước nên huy động các kênh truyền hình cùng tham gia giảng dạy nhiều giờ trong ngày, theo hình thức phi lợi nhuận. Hình thức dạy học trên truyền hình cho bậc học phổ thông ở Việt Nam có tính khả thi cao hơn so với dạy học trực tuyến bởi vì các điều kiện để triển khai nó hầu như đã có sẵn, bao gồm: Kênh truyền hình, đội ngũ đạo diễn truyền hình, đội ngũ kỹ thuật viên, đội ngũ giáo viên, sách giáo khoa, hệ thống giáo án…

Nếu không quá cầu toàn thì có thể thấy cách dạy trên truyền hình và cách dạy truyền thống giống nhau về cơ bản (chỉ khác đôi chút là ở chỗ trường hợp này người thầy đứng trước học sinh còn trường hợp kia người thầy đứng trước camera). Đầu tư cho dạy học trên truyền hình sẽ không lớn nếu biết khai thác mạng lưới truyền hình quốc gia đang có (bao gồm cả truyền hình trung ương lẫn truyền hình địa phương) mà nhìn chung còn chưa sử dụng hết công suất.

Để tăng hiệu quả, trước khi phát sóng, thời khóa biểu cho từng môn học cần được gửi tới cho học sinh với từng khối lớp, áp dụng chung thống nhất trên cả nước hoặc cho từng tỉnh, thành phố. Các sở GD&ĐT sẽ lựa chọn giáo viên giỏi, tiêu biểu để giảng dạy. Nhà trường theo dõi, hướng dẫn đánh giá kết quả học tập của học sinh…

Nếu hình thức này được triển khai áp dụng đại trà trên quy mô toàn quốc, trước mắt là cho khối giáo dục phổ thông thì sẽ chấm dứt được tình trạng học sinh phải nghỉ học dài ngày để phòng tránh dịch COVID-19 như trong thời gian qua.

PV: Thưa ông, những hạn chế của việc dạy học trên truyền hình sẽ được khắc phục như thế nào để tăng hiệu quả nếu hình thức này được áp dụng trên diện rộng?

TS Lê Viết Khuyến: So với dạy học truyền thống và dạy học trực tuyến, dạy trên truyền hình bị hạn chế ở khâu tương tác thầy - trò. Tuy nhiên, hạn chế này sẽ được khắc phục nếu biết huy động đội ngũ giáo viên trực tiếp ở các cơ sở giáo dục tham gia vào quá trình dạy học trên truyền hình thông qua vai trò trợ giảng. Họ phải theo dõi trực tiếp bài giảng trên truyền hình, trực tiếp giải đáp thắc mắc của học sinh, tổ chức cho học sinh học theo nhóm nhỏ ở các khu dân cư, hướng dẫn học sinh tự học và đánh giá kết quả học tập của học sinh...

Bên cạnh đó, để quản lý và giám sát việc học tập của học sinh ở các nhóm nhỏ, nhà trường cần làm việc với hội cha mẹ học sinh, huy động họ tham gia vào hoạt động này. Trước mắt, Bộ GD&ĐT và Đài Truyền hình Việt Nam có thể tổ chức dạy thí điểm một số buổi trên kênh truyền hình VTV7 (kênh giáo dục) và VTV5 (kênh tiếng dân tộc) để xã hội làm quen và có lòng tin vào phương thức dạy học qua truyền hình.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng cần xem xét, nghiên cứu có cơ chế khuyến khích đối với các trường có điều kiện đã chủ động chuyển qua đào tạo theo hình thức trực tuyến bằng cách công nhận kết quả học tập trực tuyến của những trường này.

PV: Xin cảm ơn ông!

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.