Giấc mơ đổi đời trả giá bằng mạng sống

Thứ Ba, 29/10/2019, 07:54
Mong muốn có được cuộc sống kinh tế khá giả hơn, nhiều người dân ở Yên Bái đã vượt biên trái phép sang nước ngoài làm thuê. Ở nơi đất khách, quê người, họ không được luật pháp sở tại bảo hộ, bị chủ quỵt tiền công, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, phải sống chui lủi và không ít người trong số họ đã phải trả giá bằng cả mạng sống...


Từ thực trạng trên, Phòng An ninh Đối ngoại Công an tỉnh Yên Bái đã có nhiều giải pháp căn cơ, góp phần làm giảm tình hình xuất cảnh trái phép trên địa bàn xuống 10 % so với cùng kỳ năm 2019. 

Những cuộc ra đi không trở lại

Đám tang của Hà Văn Ành (SN 1988, trú tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) tổ chức vội vàng ngay khi tro cốt của nạn nhân được đưa từ Trung Quốc trở về. Dự đám tang phần lớn là anh em trong dòng tộc, ai cũng ngỡ ngàng trước sự ra đi đột ngột của Hà Văn Ành.

Còn với Hà Văn Yên, anh trai của Hà Văn Ành thì ngoài nỗi xót thương còn là sự ân hận, dày vò. Ngày vượt biên sang Trung Quốc làm ăn, Yên và em trai có bao nhiêu dự định thế mà khi trở về chỉ còn lại một nắm tro tàn...

Đó là họ còn may mắn nhận được sự giúp đỡ của các đơn vị chức năng, trong đó có Phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Yên Bái. Bằng không, Hà Văn Ành sẽ mãi mãi nằm lại nơi đất khách quê người!.

Kinh tế gia đình chẳng mấy khó khăn nhưng nghe theo chúng bạn, Ành và Yên đã nhiều lần xuất cảnh sang Trung Quốc làm thuê. Lần gần đây nhất vào đầu  năm 2019, họ cùng một người cùng huyện là Hà Văn Tiến đã sang tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) làm thuê cho một xưởng gỗ. Khoảng 23h ngày 1-8, sau khi uống rượu Ành điều khiển xe máy chở Hà Văn Tiến cũng một người phụ nữ ở Lai Châu đi về.

Do có hơi men, lại không làm chủ được tốc độ, chiếc xe do Ành điều khiển đã va chạm với một chiếc xe container đi ngược chiều. Vụ tai nạn đã làm Ành tử vong ngay tại chỗ...  Khi biết tin đó, Yên đau đớn khôn nguôi nhưng không biết làm thế nào để đưa được xác người em trai trở về vì bản thân anh ta cũng là người xuất cảnh trái phép.

Lực lượng chức năng thăm hỏi gia đình một nạn nhân gặp nạn khi lao động ở nước ngoài.

Trong nỗi đau đớn vô hạn, Yên khăn gói về quê, làm thủ tục báo cáo với chính quyền địa phương để đưa tro cốt em trai trở về... Kể lại sự việc xảy ra, Yên mếu máo: “Sau khi vụ tai nạn xảy ra, doanh nghiệp họ làm thuê cũng không có động thái đền bù hay hỗ trợ gì. Vì thế, gia đình tôi đã phải chấp nhận vay lãi suất cao ở ngoài xã hội để có đủ tiền làm các thủ tục đưa tro cốt em trai về quê nhà an táng”.

Nhắc đến cậu con trai xấu số Lò Văn Chiến (SN 1997), chị Mai Thị Hoàng (mẹ của trú xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên) không cầm được nước mắt. Sự ra đi đột ngột của Chiến khiến chị suy sụp hoàn toàn... Theo lời kể của chị Hoàng thì mong muốn có được cuộc sống khá giả hơn, cả gia đình cùng một số người thân trong gia đình sang Trung Quốc làm ăn.

Trước khi đi, họ đã nhận được không ít lời cảnh báo về những rủi ro có thể gặp phải, thế nhưng họ đều bỏ ngoài tai cả... Và rồi tai họa không mong muốn đã xảy ra. Khoảng 22h ngày 25-7, Chiến cùng 2 người khác đều ở huyện Văn Yên trong khi tham gia giao thông đã bị tai nạn. Lò Văn Chiến được đưa vào một bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong do vết thương quá nặng. Cũng như trường hợp của Ành, do xuất cảnh trái phép nên việc đưa thi thể Lò Văn Chiến về quê nhà gặp rất nhiều vướng mắc về thủ tục. Sau khi nhận được đề nghị của gia đình, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng Việt Nam đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ để gia đình có thể hoàn thiện mọi thủ tục pháp lý đưa tro cốt của Chiến về quê hương.

Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp trên địa bàn tỉnh Yên Bái xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê đã phải trả giá bằng mạng sống của mình. Theo Thượng tá Hoàng Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng An ninh Đối ngoại Công an tỉnh Yên Bái thì các nạn nhân phần lớn là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn hạn chế nên dễ tin và nghe theo kẻ xấu.

Số người địa phương xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc phần lớn không biết tiếng Trung, không có giấy tờ hợp pháp nên quyền lợi cá nhân không được đảm bảo, phải sống trong tình trạng lo lắng, có thể bị bắt giữ, phạt tiền, công việc vất vả, môi trường làm việc khắc nghiệt. Nhiều chủ doanh nghiệp Trung Quốc thậm chí còn đánh đập, bắt người lao động phải ăn, ngủ nghỉ ngay tại xưởng làm việc. Trong đó, tiền công trả cho người lao động thấp, nhiều trường hợp còn bị quỵt tiền lương hoặc bị trả lương không đúng với thỏa thuận ban đầu...

Tình trạng xuất cảnh trái phép đã và đang để lại những hậu quả khôn lường về xã hội. Đó là những đứa trẻ bơ vơ không có người chăm sóc, dạy dỗ; không ít đối tượng sau khi đi làm ăn xa trở về địa phương mang theo các tệ nạn xã hội trong đó có nghiện ma túy.

Nhiều trường hợp may mắn trở về địa phương thì cũng rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Chia sẻ với chúng tôi, anh Phạm Hồng Tuân (ở Bản Tranh, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) cho biết: "Tôi thấy trong thôn có nhiều người sang bên đấy làm cũng kiếm được nhiều tiền, họ về cũng rủ tôi sang. Tôi sang bên đấy làm được 1 ngày thì bị Công an Trung Quốc bắt. Chưa đi thì thấy hào hứng thế, đi về bị bắt rồi thì mới thấy dại vì đi đâu làm gì cũng không bằng ở nước mình...".

Từ thực tiễn các vụ việc, Công an tỉnh Yên Bái, trong đó chủ công là Phòng An ninh Đối ngoại Công an tỉnh Yên Bái phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức tuyên truyền cho người dân về phương thức, thủ đoạn của đối tượng phạm tội tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép. Cán bộ đơn vị đã không quản vất vả, tìm đến từng địa bàn, tuyên truyền cho người dân hiểu về các quy định của pháp luật. Theo đó, tìm kiếm việc làm là nguyện vọng chính đáng của mỗi người dân. Nhưng khi quyết định sang nước ngoài lao động, cần phải hiểu rõ các quy định; đừng vì tin vào những lời nói có cánh của các đối tượng cò mồi về những công việc nhàn hạ, có lương cao để rơi vào cảnh khốn cùng...

Cùng với việc tuyên truyền, Phòng An ninh Đối ngoại đã phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tổ chức triệt phá, đấu tranh, xử  lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài và ở lại nước ngoài trái phép. Những nỗ lực kéo giảm tình trạng xuất cảnh trái phép của Công an tỉnh Yên Bái nói chung và Phòng An ninh Đối ngoại nói riêng đã có kết quả khả quan.

Theo thống kê của Công an tỉnh Yên Bái, trong 9 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện mới 121 vụ, 156 trường hợp xuất cảnh trái phép, so với cùng kỳ năm 2018 đã giảm 17,4 %.

Để góp phần ngăn chặn và phòng ngừa hiệu quả tình trạng người dân trốn sang Trung Quốc lao động “chui”, rất cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị; các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền cơ sở cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân nâng cao ý thức trong việc chấp hành pháp luật về biên giới quốc gia, xuất cảnh, nhập cảnh; nhận thức rõ phương thức, thủ đoạn và hậu quả của việc xuất cảnh trái phép, tránh được những rủi ro thiệt hại về kinh tế cũng như sức khỏe.

Đặc biệt các cấp chính quyền cần có biện pháp giải quyết việc làm, nâng cao mức thu nhập cho bà con, từ đó góp phần giải quyết triệt để tình trạng người dân trốn sang Trung Quốc lao động trái phép, gây ảnh hưởng đến ANTT tại địa phương.

Xuân Mai
.
.
.