Giá vé rẻ thì chất lượng... chỉ thế thôi

Chủ Nhật, 26/03/2006, 07:05
Hành khách đông đến nỗi cụ già, em nhỏ không có chỗ ngồi đành phải đứng, có người phải đứng lò cò một chân.  Xe chạy giật khùng khục, không khí trong xe ngột ngạt. Một vài người phàn nàn thì được giải thích "giá vé rẻ thì chất lượng chỉ thế thôi"?!

Chúng tôi là hành khách trên chuyến xe buýt khởi hành từ bến xe Lương Yên đi Hưng Yên hôm 18/3. Tại bến, lượng khách không đông, ai cũng có ghế ngồi đầy đủ. Xe chầm chậm chạy qua các điểm đỗ bên đường và chỉ sang đến Gia Lâm thôi, khách đã chật cứng. Hàng chục cụ già, em nhỏ không có chỗ ngồi buộc phải đứng.

Chưa hết, khi xe đến Phú Thụy thì lại có thêm một lượng khách lớn nữa lên, dường như là học sinh của cả một lớp học tan trường về. Khách đông đến nỗi có người phải đứng lò cò một chân. Xe chạy giật khùng khục, thỉnh thoảng lại có tiếng la hét của hành khách vì ngã chồng lên nhau. Không khí trong xe ngột ngạt, tức thở. Một vài người tỏ ý phàn nàn liền được giải thích là giá vé rẻ thì chất lượng chỉ thế thôi (?!). Nhưng trên thực tế, giá vé xe buýt không rẻ hơn vé xe khách thông thường (vé xe buýt đã được tăng từ 10.000 đồng lên 12.000 đồng đi một chiều từ Hà Nội đi Hưng Yên, trong khi giá vé xe khách chỉ là 15.000 đồng).

Xe đầy chặt khách như vậy nhưng chạy suốt tuyến, nhiều khi dừng đỗ không đúng điểm quy định nhưng cũng chẳng bị ai "hỏi thăm". Trên xe, thiết bị báo lên xuống hỏng, mỗi khi khách cần xuống lại phải hò hét y như xe chợ. Cửa kính mở toang, bụi đường bay mù mịt trong xe...

Theo chỉ đạo của Chính phủ, cả nước đang ra sức thiết lập lại TTATGT thì trước mắt cần phải thay đổi nhận thức của chính các nhà quản lý, điều hành về quan niệm xe buýt. Theo nhiều chuyên gia trong vận tải hành khách thì với cự ly 60-70km thì không thể coi là xe buýt được. Xe buýt đô thị có cự ly ngắn nên có thể tận dụng mọi khoảng trống trong xe với tính chất vận chuyển tức thời. Còn trên thực tế, dù hành khách có sức khỏe đến đâu thì cũng không thể đứng suốt quãng đường 70km mà lại không phải ngồi bệt xuống sàn. Hơn nữa, lượng khách trên xe buýt lại quá đông, trên xe không còn một chỗ trống, khi có tai nạn hoặc sự cố cháy nổ thì hậu quả cực kỳ khủng khiếp.

Ngay đầu năm, do tài xế phanh xe gấp, đã có hai khách nữ vì đứng không vững đã ngã đè lên nhau gãy cả chân, chuyện xảy ra tại tuyến Hà Nội - Hưng Yên. Đã đến lúc phải xem xét lại tiêu chuẩn cho các tuyến xe buýt về các tỉnh lân cận như thế, phải quy định số lượng ghế tối thiểu, lượng khách tối đa được chở là bao nhiêu?

Cùng với nhu cầu của người dân, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã thức thời mở các tuyến xe buýt tới các tỉnh lân cận Hà Nội như Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh với tần suất hàng trăm chuyến mỗi ngày. Lợi ích đạt được là không nhỏ, nhưng cho đến nay cần phải xem xét lại loại hình xe buýt trên tuyến đường dài này. Nếu không, các tuyến xe này sẽ chẳng mấy biến thành "xe tù" như hàng trăm xe khách chạy chui khác

Hành Khách
.
.
.