Gia tăng tình trạng nhắn tin lừa đảo

Chủ Nhật, 26/12/2010, 17:00
Thời gian gần đây, tình trạng nhắn tin lừa đảo, nhắn tin rác tới nhiều khách hàng sử dụng điện thoại di động để chiếm đoạt tiền trái phép và tăng doanh thu diễn ra rất bức xúc.

Thủ đoạn của các đối tượng là gửi tin nhắn đến cho các khách hàng thông báo trúng thưởng hoặc đề nghị tải hình ảnh, nhạc chuông, games, bói toán, kết quả sổ xố, tư vấn hôn nhân. Khi khách hàng nhắn tin đến đầu số các đối tượng nhắn tin yêu cầu, tài khoản sẽ bị trừ tiền từ 2 đến 15.000đ/tin nhắn. Với thủ đoạn trên, các đối tượng phạm tội đã thu lợi bất chính hàng tỷ đồng từ khách hàng khiến dư luận hết sức bất bình...

Lừa đảo không kể ngày đêm

Vừa ru được đứa con hơn 6 tháng tuổi chợp mắt, chị Nguyễn Thị Hạnh giật mình bởi âm thanh báo có tin nhắn từ máy điện thoại. Cháu bé đang lơ mơ ngủ cũng giật mình khóc ré lên. Vừa dỗ con, chị Hạnh vừa với chiếc điện thoại, một dòng chữ khá đậm đập vào mắt: "Chúc mừng bạn đã trúng thưởng 500.000 đồng từ chương trình xổ số của... Hãy soạn tin nhắn NAP abcdef gửi đến 8730 để nạp tiền vào tài khoản".

Bực mình vì bị quấy rối giữa đêm khuya, chị Hạnh đành tắt máy điện thoại rồi tiếp tục dỗ cho con ngủ lại. Tuy nhiên, đó không phải là tin nhắn duy nhất làm phiền chị trong thời gian gần đây, trong máy điện thoại của chị còn lưu hàng chục mẩu tin khác với những  lời "có cánh" như: “Bạn vừa nhận được bộ ảnh đẹp từ một người bạn qua tổng đài. Để tải về và biết người tặng, hãy nhắn tin...", rồi "Bạn vừa trúng thưởng một chiếc laptop từ chương trình"...

Tất cả những tin như vậy, đều yêu cầu người nhận soạn tin gửi đến một hộp thư kèm theo. Chị Hạnh cho biết: Cả gia đình tôi ai cũng nhận được tin nhắn kiểu như vậy, nhất là vào các ngày lễ, ngày Tết. Để tránh bị làm phiền giữa đêm nên tôi thường tắt máy trước khi đi ngủ nhưng nhỡ quên là bị "khủng bố" ngay.

Tuy nhiên, anh Nguyễn Hồng Thái, Trưởng ban Thư ký tòa soạn một tờ báo lại không thể tắt máy điện thoại di động bởi điện thoại của anh là số máy "đường dây nóng" của Báo, là nơi để bạn đọc cung cấp thông tin cho Báo. Chính vì vậy, điện thoại của anh mở 24/24h. Ngoài những thông tin bạn đọc cung cấp cho Báo, anh thường xuyên bị "tra tấn" bởi tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. "Mỗi tháng tôi nhận từ 30 đến 40 tin nhắn thông báo trúng thưởng" - anh Thái chia sẻ.

Công an Hà Nội bắt quả tang Nguyễn Việt Anh nhắn tin lừa đảo.

Nếu như chị Hạnh, anh Thái khôn ngoan không sập "bẫy" của kẻ lừa đảo bằng cách không nhắn tin lại thì anh Vũ Thanh Tùng, chủ số thuê bao 0913204xxx lại trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này khi anh nhận được tin "Bạn đã trúng thưởng một chiếc SH từ ngân hàng H, hãy soạn tin SH gửi 67xx để biết chi tiết".

Vì mới gửi tiền ở ngân hàng H, ngân hàng cũng đang có chương trình khuyến mại tặng quà cho khách hàng nên anh Tùng tưởng thật soạn tin theo cú pháp trên. Từ máy chủ lại nhắn tin yêu cầu gửi tiếp...  Cứ như thế, gửi qua gửi lại tới 4 lần nhưng vẫn chưa rõ nội dung, anh Tùng bực mình không gửi nữa, kiểm tra cước thì thấy trung tâm thông báo cước của anh đã tăng thêm 60.000đ so với trước khi nhắn tin.

Trên thực tế, các tổng đài nhắn tin còn bày ra đủ trò để bịp khách hàng, thậm chí là mạo danh cả các hãng viễn thông để "móc túi" người tiêu dùng. Nhiều số điện thoại nhận được các tin nhắn dạng: "Bạn đã trúng giải thưởng xổ số may mắn với Vinaphone. Hãy nhắn tin... để biết thêm chi tiết và nhận giải thưởng". Hoặc nhân ngày thành lập Mobifone tặng tiền cho khách hàng, hãy soạn tin... Nếu làm theo hướng dẫn trên thì "phần thưởng" mà khách hàng nhận được bị trừ mất 15 nghìn đồng/tin nhắn. Dù vậy, nhiều khách hàng bị mất số tiền này trong tài khoản cũng không hề hay biết.

Không chỉ lừa đảo nhắn tin trúng thưởng bằng cách gửi qua điện thoại, việc lừa đảo qua chương trình truyền hình cũng đã được các đối tượng lợi dụng. Các đối tượng trên đã phối hợp với một vài đài truyền hình địa phương, tổ chức hẳn một chương trình đấu giá. Theo đó, để mua được sản phẩm, khán giả có thể nhắn tin theo số điện thoại của chương trình. Trò lừa đảo này tinh vi đến nỗi cả "nhà đài" cũng vì lợi nhuận mà bị mắc lừa.

Không thể giấu mãi được "bàn tay đen"

Trước tình trạng trên, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) đã phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45), Công an TP Hà Nội tổ chức nắm tình hình, xác minh với quyết tâm bắt quả tang bằng được đối tượng phạm tội.

Qua công tác trinh sát, lực lượng chức năng phát hiện một số đối tượng tại ngách 21, ngõ 4, phố Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội sử dụng rất nhiều số điện thoại Gphone của VNPT Hà Nội nhắn tin tới khách hàng sử dụng điện thoại di động với số lượng lớn. Đây là nơi đặt trụ sở của Công ty Cổ phần truyền thông Hà Trung do Lương Đăng Sơn, 24 tuổi, đứng tên giám đốc.

Các số điện thoại của Công ty trên đã nhắn hàng chục nghìn tin nhắn đến khách hàng với nội dung: "Bạn nhanh tay soạn HT (hoặc KB, KM, KT) gửi đến 6761. Nếu nhận được chữ TT bạn sẽ được sở hữu chiếc Nokia N96 trị giá 9,3 triệu đồng".

Tuy nhiên, không hề có khách hàng nào trúng thưởng bởi phần mềm của chương trình trên là gian lận. Sau khi có đủ chứng cứ về việc phạm tội của các đối tượng, Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Công an TP Hà Nội bắt quả tang Lương Đăng Sơn đang nhắn tin lừa đảo.

Qua đấu tranh khai thác, Giám đốc Lương Đăng Sơn khai nhận, đầu số 6761 Sơn thuê của Công ty Motek. Công ty trên được Công ty Vinaphone cấp đầu số để hoạt động kinh doanh. Bước đầu, lực lượng chức năng đã làm rõ, Sơn đã nhắn hàng chục nghìn tin nhắn, chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng của người chơi.

Trước đó, Phòng Bảo vệ An ninh văn hóa, tư tưởng, Công an TP Hà Nội cũng đã phối hợp với Công an tỉnh Thái Nguyên bắt giữ Nguyễn Việt Anh (23 tuổi), sinh viên một trường Cao đẳng ở Thái Nguyên khi Việt Anh đang nhắn tin lừa đảo với nội dung bạn là khách hàng trúng thưởng thứ 897 của Vinaphone, soạn tin nhắn theo cú pháp NAP km07 gửi tới số 8730 để nhận được 30.000 đồng". Với cách làm trên, Việt Anh cũng đã lừa đảo được hơn 400 tin nhắn từ gần 400 số điện thoại khác nhau.

Ngoài ra, lực lượng Công an cũng đã làm rõ chương trình đấu giá trên truyền hình của một địa phương cũng là chương trình lừa đảo. Theo đó, khách hàng gửi tin đấu giá để mua sản phẩm nhưng không ai trúng thưởng. Tất cả những số điện thoại được công bố trúng thưởng trong chương trình đều không đúng quy định.

Các đầu số lừa đảo đều do các công ty thông tin di động cung cấp, họ được "ăn chia" với đối tượng bằng một hợp đồng ràng buộc khá chặt chẽ và không chịu trách nhiệm đối với thiệt hại của khách hàng. Chính vì vậy, để tự bảo vệ mình, các chủ thuê bao không nên trả lời các tin nhắn, không nhắn tin theo yêu cầu của đối tượng. 

Được biết, tình trạng nhắn tin lừa đảo đang diễn ra rất phổ biến nhưng việc đấu tranh của cơ quan chức năng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn và xử lý cũng còn nhiều vướng mắc. Như trường hợp của đối tượng Lương Đăng Sơn đã bị bắt quả tang đang nhắn tin lừa đảo từ tháng 8/2010 đến nay, hành vi phạm tội đã rõ nhưng cho đến thời điểm này, Công an TP Hà Nội vẫn chưa khởi tố bị can.

Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm khắc hơn nữa đối với đối tượng phạm tội. Có như vậy, mới đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và ngăn chặn việc phạm tội của các đối tượng khác

Phương Thủy
.
.
.