Gia tăng sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn bay

Thứ Hai, 28/07/2014, 22:07
Theo thống kê từ Ủy ban an ninh hàng không dân dụng Quốc Gia, trong 6 tháng đầu năm 2014, tổng số sự cố được báo cáo tăng so với cùng kỳ năm 2013, tới 28,5%. Trong đó, số lượng sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn bay mức E và D tăng hơn 33,3%; tuy nhiên số lượng sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn cao, nghiêm trọng mức C và B thì giảm 2 vụ. Dù vậy, trong thời điểm hàng không thế giới liên tục xảy ra những sự cố tai nạn nghiêm trọng thì, những sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn bay, dù nhỏ nhất, cũng khiến người dân đang cảm thấy bất an.

Có tới 46% sự cố hàng không xảy ra liên quan đến yếu tố kỹ thuật

Cho đến thời điểm này, tổng số lượng tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam và được các hãng hàng không Việt Nam khai thác đang dừng ở con số 133 chiếc, trong đó, tàu bay cánh bằng: 109 chiếc, tăng 11 chiếc so với cùng kỳ năm 2013. Tổng số giờ bay 6 tháng đầu năm 2014 là 169983 giờ, tăng 26,5% giờ bay so với cùng kỳ năm 2013 (134.351 giờ), số chuyến bay là 95.984 lần chuyến, tăng 13,7% lần chuyến so với cùng kỳ năm 2013 (84.392 lần chuyến). Với từng đó tàu bay, từng đó giờ bay, trong 6 tháng qua, tổng số sự cố được báo cáo tăng tới 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng đó, số lượng sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn mức E và D tăng hơn 33,3%.

Đánh giá về nguyên nhân sự cố, lãnh đạo Cục hàng không Việt Nam cho rằng, chủ yếu vẫn do các hãng hàng không liên quan đến công tác bảo đảm kỹ thuật (66 vụ, chiếm tỷ trọng 46% tổng số vụ). Trong đó, vẫn còn lỗi hệ thống góp phần gây ra 2/4 sự cố nghiêm trọng (vụ vận chuyển nhầm hành khách đi Cam Ranh ngày 19-6; vụ cấp nhầm huấn lệnh bay tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng ngày 27/6/2014); Bên cạnh đó, sự cố do chim, vật nuôi và vật ngoại lai gây ra trong 6 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm 2013 (28 sự cố so 14 sự cố cùng kỳ 2013).

An toàn mỗi chuyến bay luôn được các hãng hàng không đăt lên hàng đầu.

Các chỉ số an toàn trong lĩnh vực hoạt động bay tiếp tục được duy trì (9 sự cố, giảm 4 vụ so cùng kỳ 2013); tuy nhiên vẫn để xảy ra 1 sự cố nghiêm trọng, cấp huấn lệnh sai cho tàu bay cất cánh ngày 27-6-2014 tại Đà Nẵng. Nguyên nhân trực tiếp gây ra các sự cố này chủ yếu do yếu tố con người: không chấp hành đúng quy trình tác nghiệp; không tuân thủ đúng huấn lệnh kiểm soát không lưu, quy định về chế độ và kỷ luật ca trực; hạn chế về kỹ năng tác nghiệp; Đặc biệt, nguyên nhân do hành khách không tuân thủ các quy định về an toàn hàng không tăng mạnh (14 sự cố so 4 sự cố cùng kỳ năm 2013)... Ngoài ra, thời tiết diễn biên phức tạp làm tăng cao sự cố với 117 chuyến bay bị ảnh hưởng do thời tiết xấu, trong đó có 106 chuyến phải bay chờ, tiếp cận hụt, đi sân bay dự bị và 11 chuyến bay lệch sang biên giới (chưa kể các chuyến bay hủy do thời tiết). Các sân bay bị ảnh hưởng nhiều nhất trong tháng là Nội  Bài (21 chuyến), Tân Sơn Nhất (70 chuyến).

Cấm cất hạ cánh khi thời tiết dưới tiêu chuẩn

Trước thực trạng trên, cùng với hàng loạt vụ tai nạn hàng không trên thế giới xảy ra gần đây, Cục Hàng Không Việt Nam đã yêu cầu các hãng rà soát, chuẩn hóa các nội dung của Tài liệu khai thác bay (FOM) và thực hiện nghiêm túc quy trình ứng phó trong trường hợp có bão. Đặc biệt, các hãng phải thực hiện ngay quy định bắt buộc khi lập Kế hoạch bay phải xác định ít nhất 1 sân bay dự bị hạ cánh. Trong điều kiện thời tiết phức tạp, phải chọn  thêm sân bay dự bị thứ 2, nằm ngoài vùng ảnh hưởng của khu vực thời tiết phức tạp.Nghiêm cấm thực hiện tiếp cận hạ cánh, cất cánh trong điều kiện thời tiết dưới tiêu chuẩn cho phép đối với sân bay, máy bay và người lái đã được phê chuẩn, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục hàng không yêu cầu. Lãnh đạo Cục hàng không cũng nhấn mạnh: Trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, tổ lái phải tham khảo ý kiến của cơ quan không lưu để đánh giá chính xác diễn biễn thời tiết trước khi thực hiện tiếp cận lần 2, không được thực hiện quá 2 lần tiếp cận hạ cánh. Trong trường hợp không đủ điều kiện đánh giá diễn biễn thời tiết, tổ lái thực hiện phương thức chờ hoặc chuyển hướng về sân bay dự bị. Các tổ lái khi bay trên đường bay, gặp điều kiện thời tiết phức tạp cần thông báo ngay cho cơ quan kiểm soát không lưu để kịp thời cảnh báo cho các máy bay đang hoạt động trng khu vực hoăc dự kiến sẽ hoạt động trong khu vực. Ngoài ra, việc triển khai các giải pháp hạn chế, chậm, hủy chuyến không được làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn bay. Trong trường hợp các chuyến bay phải chậm hoặc hủy chuyến vì lý do an toàn cần phải kịp thời xin lỗi cũng như thông báo rõ nguyên nhân tới hành khách.

Chưa dừng lại ở đó, được biết, thời gian tới Cục Hàng Không Việt Nam sẽ  Thành lập Tổ nghiên cứu các nguyên nhân chậm, hủy chuyến. Tổ này sẽ có trách nhiệm tìm ra nguyên nhân gốc rễ, nguyên nhân phổ biến, chủ yếu của vấn đề chậm, hủy chuyến bay và đề xuất các giải pháp tháo gỡ kịp thời; báo cáo kết quả ban đầu trước ngày 15-8. Mặt khác, Cục HKVN sẽ chủ trì phối hợp với các hãng hàng không, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, các đơn vị cung cấp dịch vụ phục vụ mặt đất tính toán, nghiên cứu thời gian quay đầu tàu bay và thời gian taxi để đưa ra khung thời gian thích hợp cho từng đường bay, đối với từng loại tàu bay cụ thể, phù hợp với năng lực của kết cấu hạ tầng của các cảng hàng không, năng lực khai thác của hãng hàng không, năng lực phục vụ của các đơn vị liên quan. Trước mắt, yêu cầu các hãng hàng không Vietjet, Jetstar Pacific điều chỉnh ngay thời gian quay vòng tàu bay từ 30 phút thành 45 phút đối với các chuyến bay khai thác từ Cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất

Thanh Huyền
.
.
.