Gia tăng nguy cơ cháy nổ do điện

Thứ Hai, 15/06/2015, 08:05
Theo thống kê của Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội thì trong các nguyên nhân dẫn đến cháy nổ thì nguyên nhân về điện chiếm đến 40,7%. Các vụ cháy, nổ xảy ra với nguyên nhân do điện có xu hướng tăng cao và tập trung chủ yếu vào nhà dân, khu dân cư.

Mùa hè, khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao cùng với ý thức của người dân còn nhiều hạn chế thì các vụ cháy nổ do điện vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chỉ vì những sơ suất nhỏ có thể dẫn đến cháy nổ và hậu quả thật nặng nề.

Đánh giá về nguy cơ cháy nổ do điện, đại diện Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, trong các nguyên nhân gây ra các vụ cháy, nổ trong thời gian qua thì nguyên nhân do điện vẫn là chủ yếu và có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Một phần là do nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao nhất là trong những ngày nắng nóng.

Bên cạnh đó việc chấp hành các quy định của Nhà nước về công tác đảm bảo an toàn PCCC trong việc sử dụng các thiết bị điện của một số cơ quan, tổ chức, cơ sở và hộ gia đình còn chưa thật sự tốt. Trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra 86 vụ cháy, nổ. Trong đó nguyên nhân do điện chiếm 40,7%, sau đó là các nguyên nhân khác như sơ suất khi sử dụng lửa; sơ suất khi sử dụng nguồn nhiệt…

Nhắc lại vụ cháy xảy ra gần đây vào khoảng 5h30 sáng 18-5 tại ki ốt ở chợ Phùng Khoang, Thanh Xuân, Hà Nội, cán bộ Sở Cảnh sát PCCC cho biết: Ngay sau khi nhận được tin báo cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đã nhanh chóng điều động 10 xe chữa cháy đến hiện trường triển khai công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Sau khoảng hơn 1h đồng hồ, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn. Tuy nhiên, hậu quả để lại thì thật nặng nề. Vụ cháy đã làm chết 1 người, 3 người bị thương; làm thiêu rụi 8 kiốt bán hàng ước tính hàng trăm triệu đồng. Theo đánh giá sơ bộ, nguyên nhân xảy ra cháy là do chập điện.

Hiện trường vụ cháy do chập điện.

Hay cách đây chưa lâu là vụ cháy xảy ra tại kiốt ở chợ Thượng Thanh, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội. Vụ cháy xảy ra vào rạng sáng, đã cháy lan từ một kiốt sang 4 kiốt khiến cho 5 kiốt bị thiêu rụi.

Ngay sau khi nhận được tin cháy, Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội điều động 6 xe chữa cháy và chuyên dụng của các đơn vị đến hiện trường tổ chức chữa cháy và dập tắt. Vụ cháy đã khiến 1 người chết và 2 người bị thương; về tài sản ước tính hơn 1 tỷ đồng. Nguyên nhân cháy được xác định là do chập điện. Đây đều là những bài học đắt giá cho những sơ suất nhỏ trong việc tuân thủ các quy định PCCC liên quan đến điện mà có thể để lại những hậu quả rất nặng nề. Người dân hoàn toàn có thể chủ động trong việc chấp hành các quy định về PCCC khi xây dựng nhà, kiốt.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 8.330 khu dân cư. Trong thời tiết mùa hè, khi nhiệt độ có những ngày lên đến 40 độ C thì nhu cầu sử dụng điện của người dân cũng tăng cao. Các khu dân cư hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra các vụ cháy, nổ do điện chủ yếu vì người dân không chấp hành các quy định về PCCC trong việc sử dụng điện.

Đại diện Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội khuyến cáo, khi lắp đặt hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ và bảo vệ điện phải tính toán, thiết kế theo đúng quy định về an toàn điện và PCCC, không được dùng nhiều dụng cụ tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn và không dùng dây dẫn có tiết diện nhỏ cho các thiết bị điện có công suất lớn để tránh trường hợp quá tải gây cháy, nổ xảy ra.

Phải lắp đặt các thiết bị bảo vệ như: rơle, cầu dao, attomat tự động ngắt điện khi xảy ra sự cố quá tải, chập cháy cho đường dây điện trong nhà và từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị điện có công suất lớn. Không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong một ổ cắm, không cắm dây dẫn điện trực tiếp trên ổ cắm; không được dùng đinh, dây thép để buộc giữ dây điện, không luồn dây điện qua mái lá, mái tôn, câu mắc điện tuỳ tiện, để hở các mối nối dây điện…

Khi xảy ra cháy, nổ hoặc cần cứu nạn, cứu hộ cần tìm mọi cách báo cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC theo số 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, Công an xã, phường nơi gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo các tình huống đã xây dựng.

Một số biện pháp phòng ngừa cháy nổ do điện

Khi sử dụng các thiết bị như bàn là, bếp điện, các thiết bị điện có gia nhiệt phải có người trông coi. Không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị bệnh tâm thần... sử dụng các thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà. Không để các chất dễ cháy (như: mút xốp, giấy, bông, vải, sợi...) gần các thiết bị, dụng cụ điện. Trước khi ra khỏi phòng phải đóng, ngắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết và tắt hết các nguồn lửa, nguồn nhiệt. Thiết kế, lắp đặt và định kỳ kiểm tra, đo điện trở chống sét cho nhà, công trình có nguy hiểm cháy, nổ; nếu không đảm bảo theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định thì phải liên hệ với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.  Phải thường xuyên và định kỳ kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện, các thiết bị điện; kiểm tra đột xuất khi phát hiện các nguy cơ, dấu hiệu mất an toàn về PCCC do điện và kịp thời khắc phục nhằm hạn chế các nguy cơ cháy, nổ xảy ra… Mỗi cơ quan, gia đình bố trí lối thoát nạn an toàn hoặc các lối ra khẩn cấp ở ban công, lối lên mái... Trang bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện PCCC để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Nguyễn Hương
.
.
.