Gia tăng bệnh nhân nhập viện vì trời lạnh

Thứ Ba, 22/12/2009, 09:06
Thời tiết đột ngột chuyển sang lạnh ở miền Bắc đã khiến nhiều người ngã bệnh, đặc biệt người già và trẻ em. Trong đó đa số bệnh nhân khởi phát các bệnh đường hô hấp, viêm phổi, hen, xương khớp và một số bệnh nguy hiểm tính mạng như tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, tim mạch, đột quỵ… Sự chênh lệch nhiệt độ lớn, không khí ô nhiễm do khí thải, bụi đất, khói bốc lên cao hơn mùa hè… là nguyên nhân khiến nhiều người phát bệnh.

Gia tăng người già, trẻ em nhập viện

Tại Viện Lão khoa Trung ương, nhiều cụ già phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch do thời tiết giá lạnh. ThS. Nguyễn Trung Anh, Trưởng khoa Khám bệnh tại đây cho biết, vào những ngày lạnh, số bệnh nhân tới khám đã tăng lên 30% so với ngày thường. Bệnh nhân chủ yếu là các cụ trên 70 tuổi, bị các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, viêm phổi, xương khớp... và đều trong tình trạng rất nặng. Thời tiết lạnh có thể gây ra các đợt cấp của bệnh mạn tính ở người già. Vì thế, nếu không chú ý phòng bệnh từ xa và được cấp cứu, điều trị kịp thời, tính mạng nhiều cụ sẽ bị đe dọa.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ khám và nhập viện không chỉ đông vào ban ngày mà còn kéo dài suốt đêm. Trẻ tới khám và nhập viện chủ yếu  do các bệnh đường hô hấp, viêm phổi, hen, tiêu chảy do rotavirus… TS. Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, số bệnh nhi khám mỗi ngày đã lên tới gần 2.000 trẻ, tăng 30 - 40% so với các ngày thường. Đặc biệt, trong những ngày giá lạnh này, số bệnh nhân nhập viện thường trong tình trạng rất nặng. Vì trời lạnh, phụ huynh có tâm lý ngại đưa con đi khám, thường tự điều trị ở nhà, khi bệnh không đỡ mới cho trẻ tới bệnh viện, dẫn tới nhiều trẻ nhập viện ở giai đoạn muộn, bị lạm dụng nhiều thuốc, nhất là kháng sinh. 

Còn tại Bệnh viện Xanh Pôn, số bệnh nhi khám và nhập viện hằng ngày đã tăng lên khoảng 250-300 trẻ. Bác sỹ Hoàng Minh Thu, Trưởng khoa Nhi tại đây cho biết, có tới 60-70% trẻ tới khám bị viêm phế quản, viêm phổi, nhiều trẻ bệnh nặng và phải điều trị dài ngày.

Tăng cường phòng bệnh mùa lạnh

Theo bác sỹ Nguyễn Văn Lộc, Trưởng phòng Khám hen phế quản, Bệnh viện Nhi Trung ương, để phòng các bệnh hay gặp trong mùa đông cho trẻ, phụ huynh nên chú ý giữ ấm, hạn chế cho trẻ ra ngoài trời lạnh, nhất là ban đêm. Tuy nhiên, có nhiều trẻ viêm phổi nhập viện do bị… ủ ấm quá mức, mồ hôi ra nhiều và thấm ngược trở lại khiến trẻ bị lạnh và phát bệnh.

Vì thế, điều quan trọng là cần chú ý để trẻ mặc quần áo ấm hợp lý, nếu trẻ chơi đùa nhiều thì cần kiểm tra, lau khô mồ hôi, thay quần áo ướt hoặc cởi bớt quần áo cho trẻ. Ban đêm, có thể dùng "mẹo" mặc áo ngược để nếu trẻ có đạp chăn ra thì vẫn được giữ ấm phần ngực, bụng, còn phần lưng khô thoáng, không đổ mồ hôi. Ngoài ra, có thể kiểm tra bằng cách nắm hai tay trẻ, nếu thấy ấm tức là cơ thể trẻ đủ ấm.

Trẻ điều trị bệnh trong mùa lạnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bên cạnh đó, theo bác sỹ Lộc, nên cho trẻ súc miệng bằng nước muối, dung dịch phù hợp trước khi đi ngủ và sáng dậy, tiêm chủng đầy đủ và không tự ý cho trẻ uống thuốc khi chưa có chỉ định của bác sỹ.

Còn theo TS. Đỗ Thị Khánh Hỷ, Phó Giám đốc Viện Lão khoa Trung ương, cơ thể người già khó lấy lại được trạng thái cân bằng, dễ nhiễm khuẩn đường hô hấp khi gặp thời tiết lạnh đột ngột. Do đó, để phòng bệnh, điều quan trọng nhất là cần giữ ấm cơ thể, nhất là hai bàn chân, ngực, cổ và đầu. Đặc biệt, nhiệt độ ban đêm thường xuống rất thấp, nhiều cụ bị viêm đường hô hấp trên do không đủ ấm khi ngủ. Khi ngủ dậy, các cụ cần chú ý mặc đủ ấm trước khi ra khỏi giường.

Đặc biệt cần chú ý khi đi tập thể dục vào sáng sớm, rất tránh tiếp xúc với nhiệt độ thay đổi đột ngột từ nhà ra đường, người già nên làm mọi việc thật thong thả, từ từ để cơ thể thích nghi dần. Các cụ bị bệnh mạn tính thì càng nên chú ý theo dõi sức khỏe, uống thuốc định kỳ và đề phòng ảnh hưởng do thời tiết lạnh.

GS Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam cho biết thêm, khi nhiệt độ môi trường và nhiệt độ cơ thể chênh lệch lớn, cơ thể người sẽ phản vệ bằng sự giảm truyền nhiệt (co mạch máu dưới da) và tăng sinh nhiệt, dẫn đến cử động của da mặt, ngón tay chân khó hơn, dân gian gọi là "cóng". Do đó, người già, nhất là người bị viêm khớp dạng thấp tuyệt đối không được ra ngoài khi trời lạnh, đặc biệt lạnh kèm mưa phùn sẽ làm độ ẩm tăng cao và làm tăng nguy cơ bệnh khởi phát. Mỗi ngày ngâm chân vào nước muối ấm pha gừng từ 15-30 phút, kết hợp tập luyện, xoa bóp là cách phòng bệnh xương khớp rất tốt trong mùa lạnh. 

Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể để phòng bệnh là điều rất quan trọng mà các chuyện gia đều khuyến cáo. Để làm được điều đó, ngoài ăn uống đủ chất, năng vận động thân thể, thì vào những ngày lạnh này, nên tăng cường calo vào khẩu phần hằng ngày bằng cách ăn thêm chất béo như dầu, mỡ, bơ, vừng, lạc... để cung cấp nhiều nhiệt lượng và đừng ngại uống 1,5-2 lít nước/ngày để đảm bảo quá trình chuyển hóa, trao đổi chất bình thường.

Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội:

Trong 3 ngày số lượng trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên và ỉa chảy đến khám đông

Trong 3 ngày 18, 19 và 20/12, Khoa Khám nhi Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội đã tiếp nhận 792 trẻ đến khám bệnh chủ yếu là các bệnh viêm đường hô hấp trên và ỉa chảy mùa đông. Nguyên nhân là do thời tiết thay đổi, trời quá lạnh, sức đề kháng của trẻ kém. Theo các bác sỹ chuyên khoa nhi, để hạn chế tình hình mắc bệnh, các gia đình chú ý giữ gìn cho trẻ khỏi bị lạnh (mặc quần áo ấm, đeo khẩu trang, đội mũ ấm, đi tất chân, ăn uống nóng). Với các nhà trẻ, lớp mẫu giáo khi trẻ nô đùa ra nhiều mồ hôi, các cô giáo cần quan tâm lau ngực, lưng bằng khăn khô để tránh trẻ bị nhiễm lạnh. Khi trẻ mắc bệnh cần nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời tránh biến chứng.

Trí Lễ

Thúy Loan
.
.
.