Giả mạo website các thương hiệu, lừa người dùng

Chủ Nhật, 31/05/2015, 08:13
Internet phát triển mạnh dẫn đến hàng loạt mánh khóe của các đối tượng lừa đảo được vạch ra để chiếm đoạt tiền của người dùng. Bùng phát mạnh nhất trong thời gian gần đây là các đối tượng ăn cắp thông tin, giả mạo trang thanh toán điện tử… không chỉ chiếm đoạt tiền của người mua hàng, của doanh nghiệp (DN)… mà còn làm tổn hại đến uy tín của DN. 

Anh T.H.P (ngụ phường 11, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) cho biết, máy giặt bị hư nên anh lên mạng truy cập thì thấy trang web Trung tâm Dịch vụ sửa chữa bảo hành điện lạnh Nguyễn Kim. Nghĩ rằng, đây chính là trang web của Trung tâm Điện máy Nguyễn Kim nên anh P gọi điện thoại yêu cầu được sửa chữa tại nhà.

Ngay sau đó, có người mặc đồng phục có in chữ Nguyễn Kim đến nhà anh P xưng là nhân viên của Nguyễn Kim được công ty cử xuống nhà anh P để sửa chữa. Sau kiểm tra, người này báo máy giặt bị mất nguồn, cần thay thế linh kiện board mạch với giá 1,2 triệu đồng.

Một đối tượng giả mạo nhân viên của Nguyễn Kim xuống để sửa máy giặt hư của khách và “Phiếu bảo hành” giả.

Tuy nhiên, trong quá trình sửa chữa, nghi ngờ nên anh P gọi điện đến tổng đài Nguyễn Kim để xác minh. Sau khi tiếp nhận thông tin từ khách hàng, đại diện Nguyễn Kim phối hợp với đại diện hãng Electrolux xuống nhà anh P để kiểm tra thì phát hiện đây là nhân viên giả mạo Nguyễn Kim. Máy giặt bị hư chỉ cần sửa chứ không cần phải thay board mạch. Còn các phiếu bảo hành, phiếu thanh toán, nhân viên giả mang theo giao cho khách hàng cũng đều giả mạo của Nguyễn Kim.

Từ nhiều phản ánh của khách hàng, Trung tâm Điện máy Nguyễn Kim đã kiểm tra và phát hiện có một số cá nhân, tổ chức đã lập website có tên miền gần giống Nguyễn Kim để lừa khách hàng. Như cô H (ngụ quận 3), bị nhân viên giả danh Nguyễn Kim kiểm tra máy lạnh, báo giá sửa board mạch hết 6,5 triệu đồng, trong khi máy lạnh không hư hỏng nặng, giá sửa chỉ 2-3 triệu đồng.

Cô D (ngụ quận 8) cũng bị nhân viên giả của Nguyễn Kim sửa chữa LCD giá 1,4 triệu đồng, sau đó “biến mất” trong khi sản phẩm sau khi sửa xong vẫn hư như cũ. Siêu thị điện máy CPN cũng cảnh báo, thời gian qua, siêu thị phát hiện có hiện tượng giả danh nhân viên bán hàng của CPN đến tại nhà khách hàng để mời chào mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Một số cá nhân, tổ chức lập website giả mạo có tên miền gần giống CPN, rao bán các loại điện thoại, máy tính bảng giả các thương hiệu Apple, Samsung, HTC... khuyến mãi giảm giá từ 50%-60% mừng thành lập chi nhánh, khai trương... lừa đảo người tiêu dùng (NTD).

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, rộ lên tình trạng các đối tượng giả mạo các shop bán hàng online uy tín trên mạng facebook để lừa đảo. Cụ thể, các đối tượng sử dụng địa chỉ email để lập trang facebook giả, giống hệt với trang facebook thật rồi sao chép toàn bộ thông tin của facebook thật như hình ảnh, địa chỉ cửa hàng, bài viết… và kết bạn với các khách hàng thường xuyên có nhu cầu mua hàng hóa trong danh sách bạn bè của facebook thật.

Sau đó, các đối tượng thực hiện giao dịch, yêu cầu khách hàng chuyển tiền đặt mua hàng vào các tài khoản của đối tượng, sau đó chúng rút ra chiếm đoạt. Cuối tháng 3/2015, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an TP Hà Nội đã bắt 2 đối tượng giả mạo trang facebook của một hãng bán túi xách có uy tín trên mạng, lừa đảo nhiều khách hàng và chiếm đoạt số tiền hơn 100 triệu đồng.

Trước tình trạng đối tượng xấu lợi dụng các thương hiệu có uy tín, lập website giả mạo nhằm cung cấp dịch vụ thu tiền hoặc bán hàng dỏm, giả... với giá rẻ để lừa NTD, các DN nạn nhân cho biết, NTD nên lưu ý các thông tin chính thống của DN để tránh “tiền mất tật mang”. Riêng các trang web của DN hoặc trang bán hàng trên mạng facebook, các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, DN cần tăng cường hệ thống bảo mật cho trang web, facebook, đồng thời chủ động phát hiện những dấu hiệu bị mạo danh để sớm ngăn chặn kịp thời.

Thúy Hà
.
.
.