Giá không “đội” vẫn vắng người mua

Thứ Ba, 04/02/2014, 10:52
Ngay từ sáng mùng 2 Tết Giáp Ngọ, nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội đã mở cửa trở lại. Hoa tươi, rau xanh, thủy sản là những mặt hàng được các tiểu thương chọn “mở hàng” buôn bán đầu năm mới. Tuy nhiên, khác với mọi năm, giá cả sau Tết có nhích lên, tuy nhiên vẫn ở mức thấp.

Do lượng người về quê ăn Tết vẫn chưa quay trở lại Hà Nội nên đường phố những ngày này còn vắng vẻ. Như mọi năm, phần lớn các tiểu thương chọn vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán. Các mặt hàng được kinh doanh chủ yếu là hoa tươi phục vụ cho việc lễ chùa, rau xanh, bún và các loại thủy sản như tôm, cá.

Trên phố Ngô Sỹ Liên, đã có gần chục hàng rau phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, giá của các loại rau không bị rơi vào tình trạng “hét giá” như mọi năm. Cà chua được bán với giá 15.000 đồng/kg, đắt hơn thời điểm trước Tết chỉ 5.000 đồng. Xu hào 2.000 - 3.500 đồng/củ, các loại rau cải cũng chỉ dao động 3.000 – 6.000 đồng/mớ. Theo bác Hoàng Thị Hiên, bán rau tại đây, năm nay rau được mùa. Không chỉ có giá rẻ, mà các loại rau cũng non và tươi hơn hẳn. Rau xà lách, rau cần, rau bắp cải, xu hào… là những loại rau được người tiêu dùng lựa chọn để phục vụ bữa ăn.

Rau xanh, hoa quả không còn tình trạng “hét giá” như mọi năm.

Chợ tạm trên ngõ Văn Chương cũng khá tấp nập vào sáng mùng 3 Tết. Nhiều người dân cho rằng, giá cả của các loại rau xanh sau Tết rẻ bất ngờ. “Năm ngoái, mua một mớ rau cần 15.000 – 18.000 đồng. Sáng nay tôi mua có 8.000 đồng/mớ”, chị Lan Anh, ở ngõ Văn Chương cho biết. Hầu hết người dân năm nay được ăn rau rẻ trong dịp Tết. Kể cả những ngày giáp Tết, giá rau vẫn “rẻ như bèo” đến mức không ai buồn mặc cả. Có những người nông dân đèo hai sọt xu hào cao chất ngất, nhưng cũng chỉ bán 1.000 đồng/củ. Đây là điều không đúng với quy luật giá cả cận Tết trong nhiều năm nay vẫn diễn ra. Vì giá rau quá rẻ, nên nhiều gia đình tranh thủ tích trữ các loại củ quả (để được lâu) từ ngày 30 Tết.

Vì thế, mùng 2 Tết, mặc dù nhiều hàng bán rau đã quay trở lại bán hàng, nhưng người mua khá vắng vẻ. “Chưa Tết năm nào giá rau rẻ như năm nay, tôi bán một cây súp lơ nặng gần 1kg cũng chỉ 6.000 – 8.000 đồng. Đắt nhất như cải thảo cũng chỉ 10.000 đồng/kg”, chị Lan, kinh doanh tại chợ Thạch Bàn (quận Long Biên) cho biết.

Giá các loại thủy sản cũng có tăng nhưng sức mua yếu hơn hẳn mọi năm. Kinh tế khó khăn nên người mua cũng dè chừng, không “mạnh tay” chi cho các bữa ăn. Tôm sú giá 600.000 đồng/kg, tôm càng xanh bé hơn thì 350.000 đồng/kg. Cá chép 60.000 - 80.000 đồng/kg, cá trắm đen 150.000 - 170.000 đồng/kg. Nhưng theo chị Hoài, tiểu thương tại chợ Ngô Sỹ Liên, ngồi từ sáng sớm đến trưa, chị cũng chỉ bán được 3 con cá. “Nhu cầu mua cá, tôm về ăn lẩu năm nay giảm hẳn. Năm ngoái, những ngày này, tôi chỉ bán đến trưa là hết hàng, giờ đã 4h chiều rồi mà vẫn còn đầy thùng cá”, chị Hoài ngao ngán.

Vắng vẻ là thực trạng chung của các hàng quán mở cửa sau Tết. Kinh tế khó khăn, hầu như gia đình nào cũng cân nhắc chi tiêu. Chính vì thế, những người kinh doanh cũng hạn chế buôn bán các mặt hàng hải sản có giá trị. Các chợ năm nay xuất hiện rất ít các loại cá tầm, cá trình, hay cua, ghẹ… “Chả ai dám buôn đâu chị ạ, chỉ bán những loại bình thường mà còn vắng khách như thế này, những mặt hàng cao cấp kia chỉ có ế”, chị Hoài cho biết thêm.

Tuy nhiên, các tiểu thương cũng cho rằng, đến ngày mùng 5, mùng 6 Tết, khi lượng người về quê ăn Tết quay trở lại Hà Nội để chuẩn bị làm việc, sức mua sẽ tăng mạnh. Nhưng dù có tăng thì năm nay, giá cả cũng tương đối dễ chịu với người mua, đặc biệt là các loại rau xanh. Ngược lại, với người bán, năm nay vẫn là một năm “kinh tế buồn”

Chi Linh
.
.
.