Giá điện thời gian tới: Còn chờ EVN báo cáo

Thứ Ba, 07/05/2013, 10:11
Liên tục xuất hiện nhiều thông tin về tình hình thủy văn bất lợi, dẫn đến phải khai thác các nguồn điện giá cao, cộng với động thái gần đây nhất là thông tin về việc tăng giá than cho điện từ ngày 20/4 được tung ra, tăng giá điện trở thành một câu hỏi lớn trong thời điểm này.

Dù chưa có một lời khẳng định nào từ cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Công thương, nhưng việc tăng giá gần như là điều khó tránh khỏi, vấn đề chỉ là bao giờ?! Bao giờ tăng và bao giờ công bố tăng. Một vài thông tin về tương lai của giá điện đã được ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực đề cập đến trong buổi họp báo chiều muộn 6/5 của Bộ Công thương.

Vẫn là kịch bản quen thuộc của những cuộc họp báo và những câu hỏi liên quan đến tăng giá, câu trả lời mang đậm tính “hoãn binh”. Cụ thể, ông Đặng Huy Cường cho biết, sau khi giá than chính thức tăng bằng 100% giá thành sản xuất năm 2011 và tương đương 84% giá thành sản xuất năm 2013, Cục Điều tiết Điện lực đã yêu cầu EVN tính toán, cân đối lại chi phí phát sinh trong thời gian tới xem ảnh hưởng đến giá cả ra sao; cộng với xem xét thực tế vận hành hệ thống điện các tháng vừa qua mới có được lộ trình, kế hoạch điều chỉnh giá điện.

Hiện EVN vẫn đang tính toán và chưa có báo cáo, nên câu trả lời về giá điện hiện vẫn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, chiểu theo Quyết định 24 của Chính phủ về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, định kỳ 3 tháng, nếu giá đầu vào có biến động, EVN được phép điều chỉnh giá điện.

Hiện cả 2 yếu tố này đều có: lần tăng giá điện gần đây nhất là vào ngày 22/12/2012, đã cách nay hơn 4 tháng; giá đầu vào rõ ràng có biến động do tăng giá than, cộng với việc phải khai thác các nguồn điện giá cao. Chưa kể đến yếu tố vĩ mô đang thuận lợi, bởi chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng rất thấp, chỉ ở mức 0,02%. Do vậy, nhiều chuyên gia cũng nhận định khả năng tăng giá là rất lớn. Một vấn đề khác cũng được quan tâm là giá sẽ tăng bao nhiêu?

Theo kế hoạch 2012 của EVN, giá điện trung bình năm nay sẽ cao hơn năm ngoái khoảng 7%. Tính toán này còn chưa bao gồm việc điều chỉnh giá than cũng như khó khăn về thủy văn, do đó có thể biến động đầu vào được tính toán thậm chí sẽ cao hơn mức dự kiến này. Tuy nhiên, nhiều khả năng việc tăng giá sẽ được phân bố đều trong năm, thay vì tăng sốc 1 lần, nên mức tăng được dự đoán sẽ nhỏ hơn hoặc bằng 5%.

Một thông tin mừng được đưa ra trong buổi họp báo hôm nay là việc cấp điện cho mùa khô, cụ thể là vào tháng 5, tháng 6 tới sẽ ổn định, “trừ những trường hợp quá bất thường”. Ông Đặng Huy Cường cho biết, hiện EVN vẫn đang khai thác tối đa các nguồn thủy điện, than, khí và cả điện mua Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu cho nền kinh tế. Về việc thời gian tới có giảm điện mua Trung Quốc hay không, ông Đặng Huy Cường cho biết, kế hoạch vẫn là khai thác tối đa, bởi hiện nay không thừa điện. Nếu trên thực tế điều kiện thủy văn thuận lợi hơn, sẽ điều chỉnh giảm các nguồn điện giá cao trước như điện chạy dầu. Nguồn điện mua Trung Quốc hiện không phải nguồn điện giá cao nhất.

Về việc các địa phương miền Trung cho biết thủy điện Đắc Mi 4 không xả nước, khiến nông nghiệp thiếu nước, ông Đặng Huy Cường cho biết, Bộ Công thương vẫn giám sát chặt chẽ và yêu cầu EVN, cũng như Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia cân đối, ưu tiên giữ nước phục vụ nông nghiệp trước khi xả nước phát điện

Vũ Hân
.
.
.